Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Các DNNVV có nhu cầu vay vốn có thể nộp hồ sơ tại điểm giao dịch của các ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp của quỹ trên toàn quốc.
Ngày 30/9/2021, Trung tâm Hỗ trợ DNNVV - VCCI phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) và Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ (USAID LinkSME) tổ chức Tọa đàm “Nguồn tài chính ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi trong bối cảnh COVID-19”.
Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) nhận định, dịch COVID-19, đặc biệt là đợt tái bùng phát lần thứ tư với những diễn biến phức tạp cùng việc triển khai các biện pháp giãn cách xã hội để khống chế dịch bệnh ở một số tỉnh, thành phố đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ DNNVV - VCCI, khó khăn lớn nhất của khu vực DNNVV hiện nay là bị thu hẹp thị trường, cạn kiệt nguồn vốn. Trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, bên cạnh việc phòng chống dịch bệnh, việc duy trì hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới là thách thức rất lớn mà các doanh nghiệp cần phải thích nghi và cần được hỗ trợ, đặc biệt là nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp. Thời gian qua Chính phủ và các cấp, ngành, đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều chính sách hỗ trợ giúp DN vượt khó. Đồng hành cùng DN, VCCI đã phối hợp với nhiều tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV tiếp cận thị trường và nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ DNNVV phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh. Buổi tọa đàm hôm nay, sẽ là cơ hội để các DNNVV được tiếp cận những thông tin cập nhật nhất về hoạt động thẩm định, phê duyệt giải ngân tín dụng và các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giúp các DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn.
Tại tọa đàm, ông Bùi Hoàng Tùng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ cho vay của Quỹ Phát triển SME (SMEDF) đã giới thiệu về chương trình cho vay gián tiếp của quỹ. Quỹ SMEDF là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và trực thuộc Bộ KH&ĐT.
Đây là quỹ được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của SMEDF. Đối tượng hỗ trợ của quỹ gồm các SME khởi nghiệp sáng tạo, DN tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. Hiện quỹ đang hợp tác với nhiều chuyên gia giúp SME vừa nâng cao khả năng kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và hướng đến phát triển bền vững.
DN sẽ có một số thuận lợi, ưu đãi khi vay được vốn từ quỹ này. Theo đó, lãi suất thấp hơn vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại. Đáng chú ý, lãi suất cố định hoặc có thể giảm trong thời gian vay vốn. Quỹ tư vấn, hỗ trợ DN chuẩn bị thủ tục, thực hiện quy trình vay vốn, hồ sơ vay vốn được công khai, miễn phí trả nợ trước hạn.
Các DNNVV có nhu cầu vay vốn có thể nộp hồ sơ tại điểm giao dịch của các ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp của quỹ trên toàn quốc. Hiện tại có các ngân hàng như BIDV, MB, SHB, HDBank, Bắc Á Bank, Sacombank tham gia. Dự kiến thời gian tới, quỹ sẽ ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với một số ngân hàng thương mại khác. Sau khi ký kết, quỹ sẽ công bố danh sách ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp của quỹ trên website.
Theo ông Bùi Hoàng Tùng, mức cho vay từ nguồn vốn cho vay gián tiếp của quỹ đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho vay tối đa không quá 7 năm, thời gian ân hạn cho một dự án (vay vốn trung và dài hạn ) tối đa là 2 năm.
“Quỹ đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn là 2,16%/năm, trung và dài hạn là 4%/năm. Mức lãi suất này sẽ được giữ cố định trong suốt thời gian vay, thậm chí có thể giảm thêm”, ông Bùi Hoàng Tùng cho biết. Như vậy, với mức lãi suất cho như trên, SMEDF là một trong những kênh hỗ trợ vốn hiệu quả cho các SME trong giai đoạn hậu COVID-19.
Ông Bùi Hoàng Tùng cũng cho biết thêm, hiện quỹ không có quy định về việc phê duyệt cho vay đối với những DN tăng trưởng âm. Nhưng nếu DN chứng minh được tình trạng tăng trưởng âm là do các yếu tố khách quan, như dịch bệnh, đồng thời xây dựng được phương án kinh doanh tốt, được ngân hàng đánh giá là khả thi thì vẫn sẽ nhận được hỗ trợ của quỹ.
Bà Phan Lệ Hà, chuyên gia tài chính của Dự án USAID LinkSME đã nêu ra một số điểm lưu ý mà các DN nhỏ cần tránh khi muốn tiếp cận vốn vay.
Đó là, DN từng có lịch sử phát sinh nợ xấu, hạn chế về năng lực quản trị tài chính, báo cáo tài chính không rõ ràng, minh bạch, phương án kinh doanh không khả thi, hay tài sản đảm bảo không đủ điều kiện nhận của các tổ chức tài chính... Chính những tồn tại này đã giảm khả năng tiếp cận tài chính và kéo dài thời gian vay vốn của DN.
Việc phát triển năng lực tiếp cận tài chính sẽ mở ra nhiều cơ hội thành công tiếp cận nhiều nguồn tài chính, giúp cho DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất.
USAID LinkSME được thực hiện trong 5 năm (2018-2023) với tổng kinh phí 24,9 triệu USD. Trên cơ sở phối hợp với Chính phủ Việt Nam, dự án hướng tới đạt được các kết quả như: Môi trường kinh doanh được cải thiện, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của SME, cũng như khả năng tương tác giữa Chính phủ và DN hiệu quả nhờ hiện đại hóa và số hóa; giúp các SME thiết lập các kết nối mới và quan hệ cung ứng với các DN đầu chuỗi thông qua các đơn đặt hàng, hợp đồng cung ứng lâu dài; giúp các SME đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tiếp cận nguồn tài chính nhờ sự hỗ trợ của dự án và các đối tác.
Trong năm 2021, USAID LinkSME đang triển khai nhiều chương trình đào tạo để giúp cho DN nâng cao năng lực quản trị tài chính. Theo đó, phối hợp cùng các ngân hàng xây dựng đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ trực tiếp các DN khi họ cần chuẩn bị các hồ sơ vay vốn, hoặc hỗ trợ DN cấu trúc lại khoản vay trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cùng với đó, dự án đẩy mạnh các hoạt động, sự kiện kết nối với các nguồn tài chính để DN có thể tiếp cận được nhiều thông tin hơn từ các quỹ tín dụng.
Dưới góc độ ngân hàng, đại diện BIDV, Ông Đỗ Văn Hải, Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa – Hội sở Ngân hàng BIDV cho biết, từ năm 2019, khi Quỹ SMEDF chuyển sang hình thức cho vay gián tiếp tại các ngân hàng thương mại, BIDV là ngân hàng đầu tiên được quỹ lựa chọn triển khai chương trình để hỗ trợ SME hiện thực hóa các ý tưởng, mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh.
BIDV và Dự án USAID LinkSME cũng đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kết nối tài chính nói chung, đặc biệt thúc đẩy việc tham gia giải ngân dự án theo chương trình quỹ hỗ trợ SME, trên cơ sở hợp tác đa phương.
Đại diện BIDV nêu một số điểm cần lưu ý với DN để tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn.
Trước tiên, DN cần minh bạch hóa tài chính, như hoạt động tài chính, kinh doanh của DN cần được công khai, hợp tác với ngân hàng trong việc trao đổi thông tin. Để chuẩn bị vay vốn, DN cần có phương án kinh doanh rõ ràng, khả thi, trong đó, DN phải hiểu rõ về mục đích cho khoản vay đang mong muốn. Tùy nhu cầu của DN, tất cả mục đích vay vốn cần được liệt kê minh bạch, chi tiết.
DN cần kiểm soát tốt dòng tiền hoạt động kinh doanh, trả nợ ngân hàng và xây dựng lịch sử tín dụng tốt, vì đây là cơ sở để BIDV đánh giá mức độ tín nhiệm DN, am hiểu quy định về sản phẩm, chương trình tín dụng của ngân hàng để có thể tham gia các chương trình tín dụng đúng đối tượng, đúng mục tiêu, tận hưởng chính sách lãi suất ưu đãi.
Trình bày tại Tọa đàm, Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV - VCCI (SMEPC-VCCI) đã giới thiệu những nội dung về các hoạt động hỗ trợ DNNVV của Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, trong đó có nhấn mạnh đến những hoạt động hỗ trợ DNNVV tiếp cận các nguồn tài chính thông qua các hoạt động kết nối các Quỹ, ngân hàng với các DNNVV của Trung tâm, nâng cao năng lực về quản trị tài chính, lập KHKD cho DNNVV, cũng như các hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động kết nối gián tiếp và trực tiếp giữa các doanh nghiệp, người mua - nhà cung cấp, người bán - người mua/ đại lý, và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong marketing số, chuyển đổi số.
Có thể bạn quan tâm
03:07, 01/10/2021
04:00, 30/09/2021
03:04, 30/09/2021
03:00, 29/09/2021
16:31, 28/09/2021
14:04, 28/09/2021
10:14, 28/09/2021
06:00, 28/09/2021
13:14, 27/09/2021
09:45, 26/09/2021
16:10, 24/09/2021
16:00, 24/09/2021
11:00, 24/09/2021
06:00, 24/09/2021
12:42, 23/09/2021
02:53, 23/09/2021
14:25, 22/09/2021
02:31, 22/09/2021