Cần ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho xe hybrid, nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Việt Nam đặt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Chính phủ đã xác định lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải của ngành giao thông vận tải, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2050, toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh (Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022).
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, việc chuyển ngay sang xe thuần điện (BEV), không hề dễ dàng. Để thu hút người dân chuyển đổi sang xe điện, cần đảm bảo khả năng đáp ứng đầy đủ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng thuận tiện. GS TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tổng vốn đầu tư trạm sạc xe điện tại Việt Nam đến năm 2050 cần tới hơn 90 tỷ USD, để góp phần đưa phát thải ròng về 0.
Bên cạnh đó, mạng lưới điện chưa được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sạc đồng thời của nhiều xe điện, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư. Vì vậy, quá trình xây dựng hệ thống trạm sạc, đáp ứng nhu cầu sử dụng rộng rãi của người dân, cần nguồn lực rất lớn và thời gian dài.
Trong khi đó, theo khảo sát của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh thực hiện tháng 12/2023 cho thấy, có tới 86,83% trong tổng số 10.000 người được hỏi đã trả lời là chưa có nhu cầu đối với xe thuần điện, một trong các lý do chính là trạm sạc chưa được phủ rộng.
Giới chuyên môn cho rằng, việc chuyển đổi sang sử dụng xe thuần điện cần có lộ trình phù hợp. Trong giai đoạn chuyển tiếp, hãy khuyến khích người dân sử dụng các dòng xe hybrid thân thiện với môi trường.
Thử nghiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội giữa Toyota Cross 1.8HV (HEV- xe hy brid không có sạc ngoài) và Toyota Cross 1.8V (xe động cơ đốt trong) thực tế trên đường và trong phòng thí nghiệm cho thấy, công nghệ hybrid giúp giảm 57,4% nhiên liệu tiêu thụ so với xe động cơ đốt trong truyền thống ở khu vực đô thị và 18,5% trên đường cao tốc; giảm 18,5% - 57,4% lượng khí nhà kính so với xe động cơ đốt trong.
Đối với xe PHEV (hybrid có sạc điện ngoài), số liệu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy, tiết kiệm từ 30 - 60% lượng nhiên liệu xăng, so với xe động cơ đốt trong cùng loại. Xe PHEV có thể chạy ở chế độ thuần điện trong khoảng 100 km, sau đó sẽ chuyển sang sử dụng động cơ đốt trong với cơ chế tương tự xe HEV.
Tại Việt Nam, hiện chỉ có xe PHEV và BEV được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, xe PHEV được hưởng thuế suất bằng 70% thuế suất của xe động cơ đốt trong tương tự. Xe BEV được hưởng thuế suất ưu đãi 3% từ năm 2023 tới hết tháng 2/2027 và được miễn lệ phí trước bạ đến hết tháng 2/2025. Còn dòng xe HEV không có bất cứ ưu đãi nào.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đang được thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cũng chưa có quy định bổ sung liên quan tới việc khuyến khích sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường như xe HEV.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị, nên bổ sung chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe HEV và PHEV. Theo đó, cần xem xét giảm 30% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe HEV và 50% đối với xe PHEV so với xe ô tô xăng dầu cùng loại. Như vậy, sẽ giúp thúc đẩy người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng xe thân thiện với môi trường.
Đánh giá tác động của chính sách ưu đãi thuế này, theo VAMA giai đoạn 2026 - 2030, thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, mức giảm thu ngân sách này, sẽ được bù đắp từ tiết kiệm 26.000 tỷ đồng chi phí nhiên liệu và tiết kiệm 28.000 tỷ đồng chi phí dầu thô nhập khẩu, trong suốt vòng đời của một xe ô tô.
Ngoài ra, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe HEV và PHEV còn mang lại những lợi ích như: bảo đảm an ninh năng lượng và duy trì môi trường đầu tư ổn định; giảm hơn 2,6 triệu tấn phát thải CO2, cải thiện môi trường sống, tiết kiệm ngân sách tương đương với 333 tỷ đồng tín chỉ carbon. Cùng với đó, thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành ô tô cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, mở rộng liên kết chuỗi cung ứng.