Dự án Vành đai 3 TP HCM sẽ được ưu tiên vốn do tính cấp bách và cơ bản bố trí đủ vốn để hoàn thành năm 2025; quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2026.
Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại hội nghị thảo luận về các dự án Vành đai 4 vùng Thủ Đô (Hà Nội), Vành đai 3 TP HCM; 03 tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo đó, ngày 6/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP HCM; ba tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ là cố gắng tạo đồng thuận cao để tổ chức thực hiện, kết thúc năm 2025 có thêm cao tốc, tạo đột phá cho kết cấu hạ tầng. "Chúng ta đang tập trung làm theo trục Bắc Nam, còn các tuyến đường kết nối vẫn thiếu nhiều trong khi đây cũng là các tuyến quan trọng" - ông Huệ nói.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, lần này Quốc hội thống nhất sẽ dành nguồn lực ưu tiên vốn cho Vành đai 3 TP HCM do tính cấp bách. Dự án sẽ được cơ bản bố trí đủ vốn để hoàn thành năm 2025; quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2026. Tuyến đường này không chỉ cho miền Đông Nam Bộ mà kết nối cả miền Tây Nam Bộ.
Liên quan đến việc chậm triển khai đường Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, lúc đầu dự án Vành đai 3 nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nhưng sau đó thành phố thấy PPP không khả thi. Lý do là đóng góp của ngân sách nhà nước trong các phương án PPP lên đến 82%, vượt quy định ngân sách trong các dự án PPP không quá 50%. Thời gian thu hồi vốn 28 năm, quá dài và không hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, thành phố báo cáo và Chính phủ quyết định trình Quốc hội đầu tư dự án này theo hình thức đầu tư công.
>>Cơ bản hoàn thành đường Vành đai 3 TP.HCM vào cuối năm 2025
Cũng theo ông Mãi, Đường Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ giúp TP HCM, các tỉnh trong khu vực dự án, đặc biệt là vùng trọng điểm phía Nam giải quyết điểm nghẽn giao thông, mở ra tuyến giao thông chiến lược. Nếu có Vành đai 3 thì việc "xuyên tâm" TP HCM và một số vị trí ở các địa phương trong vùng dự án sẽ được giải quyết; tạo ra dòng lưu thông thông suốt, thời gian di chuyển ngắn hơn, giảm chi phí logistic.
Mặt khác, khi Vành đai 3 hoàn thiện sẽ là hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ của 4 tỉnh thành mà tác động lan tỏa cả khu vực phía Nam và kết nối vùng. Vành đai 3 là điểm đầu của rất nhiều tuyến cao tốc kết nối TP HCM với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Do đó, theo ông Mãi, nếu không giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện dự án thì sau này mở ra 6 hoặc 8 làn xe sẽ rất khó khăn, chi phí lớn, thời gian kéo dài. Vì vậy, giai đoạn một Vành đai 4 làm 4 làn xe, nhưng giải phóng mặt bằng 8 làn xe. "Việc giải phóng mặt bằng một lượt theo quy mô toàn bộ dự án bằng mọi giá là cần thiết, lúc này phát sinh thêm chi phí giải phóng mặt bằng nhưng tính trong tổng thể sẽ rẻ, hiệu quả" - ông Mãi nói.
Đặc biệt, theo ông Mãi, trong quá trình rà soát cho đến khi trình ra hôm nay, TP HCM cùng các địa phương, bộ ngành đã bỏ các nút nút giao không cần thiết nên từ tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu trên 85.000 tỷ đồng, sau rà soát giảm gần 10.000 tỷ. Trong thời gian thực hiện, nếu tổng mức đầu tư tăng thì ngân sách địa phương tự cân đối.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ đề nghị với các gói thầu được chỉ định thầu, áp dụng trong toàn bộ thời gian dự án, nhưng Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ hai năm từ khi có nghị quyết. Các địa phương sẽ cố gắng thực hiện, nhưng có thể vì lý do gì đó vượt ra khỏi thời gian thì phải xin ý kiến Quốc hội, nên rất mong các đại biểu cân nhắc – ông Mãi đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 31/05/2022
00:30, 13/05/2022
14:00, 04/05/2022
21:04, 15/04/2022
15:00, 12/03/2022
09:42, 17/02/2022
20:05, 09/02/2022
19:15, 30/01/2022