Theo Founder Institute, trường ĐH đóng vai trò quan trọng trong cả ba giai đoạn chính của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: hình thành ý tưởng; phát triển sản phẩm và tăng trưởng.
Nhắc đến trường ĐH, lâu nay, người ta vẫn mặc định rằng: ĐH chỉ theo đuổi các hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín và cải thiện xếp hạng. Trong khi đó, với hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ở bất cứ nước nào, trường ĐH, Chính phủ và giới doanh nghiệp là ba trụ cột tạo ra xã hội tri thức. ĐH đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Hiện nay, khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp là những cụm từ được nhắc đến rất nhiều ở Việt Nam. Khởi nghiệp (tiếng Anh là: startup hoặc start-up) là thuật ngữ chỉ về những Cty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung (Startup company), nó thường được dùng với nghĩa hẹp chỉ các Cty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp.
Theo Founder Institute, trường ĐH đóng vai trò quan trọng trong cả ba giai đoạn chính của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: hình thành ý tưởng; phát triển sản phẩm và tăng trưởng.
Theo diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), một hệ sinh thái khởi nghiệp được cấu thành bởi 8 thành phần: khả năng tiếp cận thị trường; nguồn nhân lực và lực lượng lao động; tài trợ và tài chính; hệ thống hỗ trợ và cố vấn; chính sách và khuôn khổ pháp lý; giáo dục và đào tạo; các trường ĐH đóng vai trò xúc tiến; và hỗ trợ văn hóa.
Với thành tố “Giáo dục đào tạo” và “Các trường ĐH đóng vai trò xúc tiến”, các Cty khởi nghiệp có thể hưởng lợi tốt từ sự sẵn có lực lượng lao động có học vấn. Giáo dục giúp nâng cao năng lực học hỏi những điều mới mẻ và người lao động có sự đánh giá tốt hơn về những cơ hội và thách thức trên thị trường và nơi làm việc.
Theo đánh giá của IPT – khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP HCM: Nhiệm vụ chính của ĐH là phát triển nhân tài, bên trong các trường ĐH có thể có những vườn ươm, nhưng mục đích chính là tạo môi trường cho sinh viên, tích lũy kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp… Mặc dù chỉ có 2 -3% sinh viên có thiên hướng khởi nghiệp nhưng việc đào tạo tư duy khởi nghiệp cho sinh viên là cần thiết. Có đào tạo tư duy khởi nghiệp, mới có tinh thần, ý tưởng khởi nghiệp, đây là những bước “khởi phát” quan trọng của một startup.
Những tín hiệu đáng mừng từ các trường ĐH
Chia sẻ với đoàn công tác chương trình “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” tại TP HCM – sự kiện nằm trong khuôn khổ Đề án 844 về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Bộ Khoa học và công nghệ thực hiện, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, GĐ khu Công nghệ phần mềm – ĐH Quốc gia TP HCM (ITP) cho biết: Khu Công nghệ phần mềm – ĐH Quốc gia TPHCM (ITP) đã bắt tay vào xây dựng mô hình “Hệ sinh thái khởi nghiệp” năm 2014, nhằm tập trung phát triển các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và sử dụng các công cụ mang tính chất quan hệ như hỗ trợ xây dựng mạng lưới, tăng cường sự kết nối giữa các nhà khởi nghiệp, thúc đẩy các tương tác ngang hàng trong mạng lưới.
Đáng lưu ý là tại khu công nghệ cao này, có nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên được hỗ trợ. Tiêu biểu là nhóm của Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, SN 1996, cựu sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chủ nhân thiết bị iNut có thể biến các thiết bị điện trong nhà trở nên thông minh chỉ bằng một cú chạm tay qua chiếc điện thoại… Sản phẩm của nhóm Khánh đã đạt Giải đặc biệt Cuộc thi sáng kiến Xây dựng thành phố thông minh - Bình Dương 2018 - UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và TP Daejeon (Hàn Quốc) tổ chức. Hiện nay, nhóm của Khánh tiếp tục được ITP hỗ trợ phát triển sản phẩm.
Hay như mới đây, trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) phối hợp với VinTech City (thành viên Tập đoàn Vingroup) và Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) tổ chức Hội thảo giới thiệu chương trình Hợp tác ĐH - Hỗ trợ Nghiên cứu Ứng dụng và khởi nghiệp công nghệ. Trong đó, đáng lưu ý là CLB Khởi nghiệp HUTECH được công bố là một trong 5 đơn vị nhận tài trợ từ VinTech City (cùng với ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Công nghiệp và ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM), với gói tài trợ 350 triệu đồng/CLB.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt hơn 239 tỷ đồng hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, ngành giáo dục phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, 100% các trường ĐH, CĐ triển khai dự án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Các trường ĐH cần xác định lại hồ sơ năng lực của mình bằng cách tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình hỗ trợ khởi nghiệp, thông qua gắn kết với giới làm chính sách, giới doanh nhân. Sự gắn kết đó mang lại lợi ích trước hết là cho nhà trường, vì nó biện minh cho ý nghĩa thiết yếu của trường ĐH, nâng cao uy tín của nhà trường trong xã hội, biến nhà trường thành một yếu tố không thể thiếu trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.