Ván cờ tàn Syria: D. Trump “lạc nước bỏ hai xe”?

Trương Khắc Trà 23/12/2018 06:30

Càng hiện diện ở Trung Đông dưới lớp vỏ chống khủng bố, Mỹ càng chật vật. Chiến lược dùng Hồi giáo chống Hồi giáo đã thất bại toàn tập.

Bất kể mục đích mà các Tổng thống Mỹ đưa quân ra khỏi biên giới là gì thì cuối cùng vẫn phải tìm ra nơi lãnh chịu hậu họa. Ở những nơi có mùi thuốc súng và gót giày quân đội Mỹ - từ năm 1990 đến nay đều trở nên điêu tàn.

Cuộc chiến vùng Vịnh 2 lần khiến Iraq, và một số quốc gia kiệt quệ về kinh tế; chống khủng bố giáng đòn súng đạn xuống Afganistan; dân chủ phương Tây khiến Lybia, Ai Cập... sống trong cảnh "nồi da nấu thịt".

Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS - khủng bố tàn bạo, là một hệ quả trực tiếp của cuộc chiến Iraq vào năm 2003 nhằm lật đổ ông Saddam Hussein - một người Hồi giáo dòng Sunni. Khi Hussein bị lật đổ, dân Hồi giáo Sunni mất quyền lực và họ là những lực lượng đầu tiên nổi dậy chống sự hiện diện quân sự của Mỹ.

IS lớn nhanh như thổi, gieo rắc chết chóc toàn Trung Đông, Syria là một trong những nơi phải chịu ảnh hưởng, vậy nên người Mỹ tiếp tục còn lý do để ở lại vùng đất giàu dầu mỏ nhất thế giới - tiêu diệt IS (!?).

Nhưng, những gì cộng đồng quốc tế thấy sự can thiệp của Mỹ vào Syria chủ yếu là để lật đổ chính quyền Assad và loại bỏ ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông, cô lập Iran chứ không phải để tiêu diệt IS, điều này đã dẫn tới việc IS vẫn sống dai dẳng và gây ra nhiều tội ác.

Nội chiến khiến Syria hoang tàn đổ nát

Nội chiến khiến Syria hoang tàn đổ nát

Sự có mặt của Mỹ ở Syria khiến tình hình trở nên phức tạp, chính quyền ông Assad khẩn thiết cầu cứu Moscow trợ giúp - Nga nhanh chóng có mặt, Israel và Iran biến Syria thành chiến trường để giải quyết mâu thuẫn riêng.

Đến những ngày cuối cùng trước khi Nhà trắng ngỏ ý rút quân khỏi Syria, địa bàn này lại trở thành cuộc chơi tay đôi giữa Nga và Iran. Mục đích hướng đến là “miếng bánh” tái thiết Syria sau cuộc chiến này, và dĩ nhiên dầu lửa không thể ngoài tầm ngắm.

Nhưng phải chăng, ông Trump không tha thiết đến ích lợi này? Bốn năm tham chiến tại Syria,Washington thu về con số không tròn trĩnh. Mặc dù - cả Obama và Trump chưa bao giờ thiện cảm với chính phủ ông Assad, nhưng không thể lật đổ.

Mỹ cũng không hoàn thành mục tiêu khi Nga vẫn trụ lại cho đến cuối cùng; Iran - một cái gai trong mắt ông Trump, giờ đây trở thành đối trọng của Moscow tại Syria.

Một cuộc chiến mà người Mỹ hao tiền tốn của, bị chỉ trích trên toàn thế giới, chuốc lấy mâu thuẫn sâu sắc hơn với thế giới Ả rập.

Mỹ dường như quá cô đơn ở Trung Đông, mối quan hệ với đồng minh “cây nhà lá vườn” ở khu vực này là Saudi Arabia đang xuống dốc sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại; còn Israel chưa thể khắc chế được Iran.

Trong khi đó khối đồng minh NATO ở Châu âu đang bị phân tán bởi các vấn đề nội bộ, như Brexit. Đã lâu lắm rồi chưa thấy một nguyên thủ nào ở “lục địa già” lên tiếng ủng hộ ông Trump dù chỉ là ngoại giao thuần túy, ngược lại EU và Mỹ ngày càng xa nhau dù đôi bên vẫn đi trên con đường cũ!

Nội các nước Mỹ đang chia rẽ vì vấn đề Syria

Nội các nước Mỹ đang chia rẽ vì vấn đề Syria

Đó là kịch bản sẽ hiển hiện ngay lập tức nếu ông Trump ra lệnh rút quân khỏi chiến sự Syria và đó cũng là lý do để Bộ trưởng Quốc phòng, James Mattis phát đi 50 lá đơn khắp tòa nhà ngũ giác để tuyên bố từ chức.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Syria:

    Chiến sự Syria: "Long tranh hổ đấu" đến bao giờ?

    11:01, 26/09/2018

  • Chuyển giao “hàng nóng” đến Syria, Nga toan tính điều gì?

    Chuyển giao “hàng nóng” đến Syria, Nga toan tính điều gì?

    11:30, 09/10/2018

Hôm 19/12, ông Trump tuyên bố sẽ rút 2.000 binh lính Mỹ khỏi Syria vì “đã đánh bại IS”, đây là lý do duy nhất để Mỹ hiện diện ở đất nước này dưới thời chính quyền Trump.

Ngay lập tức Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng “động thái của ông Trump là chính xác, vì quân đội Mỹ không có quyền hợp pháp để hiện diện ở Syria”.

Với một nhà kinh tế như ông Trump, chắc chắn không thể thiếu những con tính về chi phí ngày một lớn ở Syria. Nhưng nếu ông tướng 4 sao Mattis không làm Bộ trưởng Quốc phòng là một thiệt thòi lớn trong nội các.

“Chúng ta đang đi đến một loạt những sai lầm chính sách nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho quốc gia, phá hoại mối quan hệ đồng minh và trao sức mạnh cho đối thủ” - đây là đánh giá của một nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Cần nói thêm rằng, ông Mattis là người có quan điểm rõ ràng với Bắc Kinh và Moscow, ông xem đây là hai mối đe dọa lớn đối với nước Mỹ.

Ngay lúc này, nước Mỹ cần những người như James Mattis để tỏ rõ thêm chính sách quốc phòng, không làm mếch lòng thêm đồng minh và bảo vệ an toàn cho người dân Mỹ trước chủ nghĩa khủng bố.

Song, liệu nước Mỹ có thể sản sinh được bao nhiêu Mattis khi “ngoại giao súng đạn” và can thiệp thô bạo luôn luôn có mặt? Một vòng tròn luẩn quẩn khó thoát ra. IS đã được dựng dậy và Washington đang muốn “bỏ của chạy lấy người”!.

An nguy ở Trung Đông - hơn ai hết cần sự có mặt đến cuối cùng của nước Mỹ như cam kết tiêu diệt sạch chủ nghĩa khủng bố. Tương lai Syria bất định, ông Trump đang muốn thoát ra khỏi vũng lầy.

Và đừng quên, tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC đang phân rã, liệu ông Trump đang muốn thay thế chiến tranh súng đạn bằng một cuộc chiến khác ít mất sức hơn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ván cờ tàn Syria: D. Trump “lạc nước bỏ hai xe”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO