Kinh tế

Vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp hoặc 0%

Hà Thu 02/09/2024 21:50

8 tháng năm 2024 có 13 bộ, cơ quan Trung ương, 35 địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao hơn bình quân chung cả nước, song vẫn còn tới 31 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp, đáng chú ý có đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0%.

Thông tin này vừ được Bộ Tài chính cho biết mới đây.

anhcong-1720518040291153201362.jpg

Năm 2024, tổng vốn ngân sách Nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 677.944 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 245.595 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 432.348 tỷ đồng.

Thế nhưng, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tính hết tháng 8, cả nước giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 được 274.501 tỷ đồng, mới chỉ đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nhận xét về tiến độ giải ngân của cả nước trong 8 tháng qua, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết có 13 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, cụ thể: Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Đài Tiếng nói Việt Nam (60,72%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (58,39%), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (52,7%), Bộ Giao thông vận tải (49,67%), Long An (79,35%), Hà Tĩnh (64,98%), Thanh Hóa (64,05%), Hòa Bình (60,37%).

Vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có tỷ lệ giải ngân đạt cao, đạt 79,32% kế hoạch. Đặc biệt vốn bộ, cơ quan trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 8 tháng đạt 99,77% (riêng Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đạt tỷ lệ giải ngân là 100%).

Tuy nhiên, vẫn còn tới 31 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt có một số bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Một số bộ, cơ quan Trung ương giải ngân rất thấp như: Ủy ban Dân tộc (1,12%), Đại học Quốc gia Hà Nội (2,96%), Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (4,11%), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,52%)…. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% như TP. Hồ Chí Minh (16,58%), Phú Yên (18,76%), Kon Tum (21,58%), Bắc Ninh (21,8%), Quảng Ngãi (22,8%)…

Theo Bộ Tài chính, việc một số địa phương kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (Thành phố Hồ Chí Minh được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng chỉ mới giải ngân 16,58%; Thành phố Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng chỉ mới giải ngân 35,23%).

Để đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 là phải giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh.

Trong đó, đề nghị báo cáo rõ để thống nhất phương án xử lý đối với số vốn phân bổ chi tiết cho các dự án sau ngày 15/5/2024 không thuộc danh mục điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công năm 2024 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Nghị quyết số 65/NQ-CP của Chính phủ đã được tổng hợp.

Đối với nội dung giao đơn vị không trực thuộc các bộ làm chủ đầu tư, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc các bộ giao ban quản lý dự án thuộc tỉnh lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và giao sở, ban quản lý dự án chuyên ngành thuộc tỉnh làm chủ đầu tư là không đúng quy định.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương đề xuất phương án xử lý, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định, đảm bảo đúng quy định và việc đầu tư các dự án được hiệu quả, đúng tiến độ.

Trước đó, chủ trì cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công sáng 30/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, cần có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư, mới có thể xử lý thấu đáo khó khăn, bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đến giữa tháng 9/2024, các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo kết quả rà soát, phân loại các dự án đầu tư công theo nhóm đang thực hiện với cam kết tiến độ rõ ràng và nhóm không thể triển khai do vướng mắc cơ chế, chính sách pháp luật. Từ đó đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã được giao hoặc phân bổ thêm vốn cho các dự án có khả năng hấp thụ.

"Các địa phương cần chủ động triển khai những công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị dự án, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng…, chỉ kiến nghị điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh, ứng trước nguồn vốn của Trung ương để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án mang tính chất liên vùng, biến đổi khí hậu… trong khi địa phương chưa bố trí được ngân sách đối ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp hoặc 0%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO