Nếu một chính sách cạnh tranh quá lỏng lẻo sẽ không thể kiểm soát hiệu quả các hành vi vi phạm.
Trong khi đó, nếu một chính sách cạnh tranh quá nghiêm khắc sẽ không phát huy được yếu tố tích cực của thỏa thuận HCCT. Để thực hiện tốt việc cân bằng hai khía cạnh trừng phạt các hành vi có hại cho cạnh tranh và dành sự miễn trừ cho các thỏa thuận HCCT có lợi, nhất thiết phải xác định dưới những điều kiện nào, các thỏa thuận này có lợi cho cạnh tranh và/ hoặc người dùng. Việc áp dụng các nguyên tắc phân loại các hành vi có hại cho cạnh tranh và hành vi thúc đẩy cạnh tranh trong pháp luật cạnh tranh của các nước như thế nào.
Ảnh minh họa
Các thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh không phải lúc nào cũng gây nên những tổn hại đến cạnh tranh và người tiêu dùng. Trong những trường hợp nhất định, các thỏa thuận này có thể mang lại giá trị thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường.
Một trong những khía cạnh tích cực của các thỏa thuận thúc đẩy cạnh tranh là các thỏa thuận về nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là tạo ra những sản phẩm mang tính đột phát thường là rất lớn. Chi phí lớn và rủi cao chính là một trong những thách thức lớn nhất của hoạt động R&D. Thế nên, việc từng doanh nghiệp riêng lẻ thực hiện hoạt động này mang tính độc lập xét về khía cạnh kinh tế là không hiệu quả.
Đó cũng chính là lý do thúc đẩy các doanh nghiệp thỏa thuận cùng thực hiện các hoạt động R&D. Thực tiễn pháp luật cạnh tranh các nước luôn coi các thỏa thuận nghiên cứu và phát triển sản phẩm luôn là các thỏa thuận thúc đẩy cạnh tranh hoặc sẽ dành cho các thỏa thuận này sự miễn trừ.
Tuy vậy, không phải thỏa thuận nào cũng thúc đẩy cạnh tranh một cách rõ ràng như các thỏa thuận R&D. Trên thực tế, các thỏa thuận từ chối giao dịch với đối thủ là một trong những thỏa thuận gây nhiều tranh cãi nhất trong quá trình thực thi. Theo đó, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc nên coi các thỏa thuận từ chối giao dịch với đối thủ là các thỏa thuận vi phạm pháp luật cạnh tranh một cách mặc nhiên hay nên áp dụng nguyên tắc lập luận hợp lý khi xử lí.
Herbert Hovenkamp đã đưa những tranh luận thuyết phục liên quan đến việc kiểm soát hành vi thỏa thuận từ chối giao dịch. Giả định rằng có ba doanh nghiệp cùng nhau thực hiện một dự án R&D. Từ đầu họ đã mời doanh nghiệp thứ tư tham gia, nhưng doanh nghiệp này không đồng ý. Do đó, dự án chỉ bao gồm 3 doanh nghiệp. Sau đó, dự án nghiên cứu thành công bắt đầu phát huy giá trị thương mại. Tại thời điểm này doanh nghiệp thứ tư muốn được tham gia vào quá trình này, thì cả ba doanh nghiệp trên đã đồng loạt từ chối không cho doanh nghiệp thứ tư tham gia.
Bản chất của các hoạt động R&D là những hoạt động đầu tư nghiên cứu mang tính mạo hiểm. Mấu chốt của quá trình này chính là đối mặt với rủi ro trong quá trình đầu tư để được hưởng lợi từ sản phẩm mới sẽ mang tính đột phá hoặc tỉ suất lợi nhuận cao trong tương lai. Cho nên, nếu buộc các doanh nghiệp phải cho phép doanh nghiệp thứ tư tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm mới sẽ là bất công cho các doanh nghiệp đã đối diện với rủi ro từ đầu và cho phép doanh nghiệp thứ tư trục lợi từ rủi ro của các doanh nghiệp khác một cách bất chính.
Trong hướng dẫn về chính sách thực thi pháp luật cạnh tranh quốc tế được ban hành năm 1998, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh đến khía cạnh này liên quan đến các thỏa thuận từ chối giao dịch. Theo đó, việc buộc các liên doanh phải mở ra cơ hội để các đối thủ cạnh tranh có thể trở thành thành viên của liên doanh (hoặc cấp license của các sản phẩm R&D của liên doanh cho các doanh nghiệp đang muốn sở hữu license) sẽ làm giảm đi động cơ của các liên doanh trong R&D. Hệ quả của việc thực thi một chính sách không cho phép các liên doanh được quyền lựa chọn thành viên có thể dẫn đế hệ quả tệ hại là khuyến khích các các doanh nghiệp né tránh rủi ro (không cần phải tham gia từ đầu) nhưng họ có cơ sở để hi vọng sẽ được quyền chia sẻ thành quả từ các doanh nghiệp đã mạo hiểm trước đó thông qua quá trình tố tụng cạnh tranh.
Vấn đề miễn trừ đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong pháp luật nước ngoài
Như trên đã phân tích, có những thỏa thuận HCCT là hoàn toàn có hại cho cạnh tranh và người dùng. Đây là những thỏa thuận được pháp luật các nước phân loại vào nhóm các thỏa thuận HCCT đặc biệt nghiêm trọng và bị xử lí theo nguyên tắc vi phạm mặc nhiên. Nhưng cũng có những thỏa thuận như thỏa thuận về R&D là những thỏa thuận mang giá trị thúc đẩy cạnh tranh.
Đồng thời, cũng có những thỏa thuận mang tính chất phản cạnh tranh, nhưng dưới những điều kiện nhất định các thỏa thuận này lại phát huy giá trị thúc đẩy cạnh tranh. Cho nên, nhằm mục đích tạo tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát các thỏa thuận HCCT, trên thực tế pháp luật cạnh tranh các nước phân các tiêu chí miễn trừ thành ba nhóm:
Nhóm thứ nhất: các qui định miễn trừ áp dụng tự động
Các qui định miễn trừ được áp dụng tự động có nghĩa là khi doanh nghiệp thực hiện các thỏa thuận, nhưng theo qui định của pháp luật cạnh tranh nó được xác định là các thỏa thuận có giá trị thúc đẩy cạnh tranh một cách mặc nhiên. Cơ quan cạnh tranh không cần phải xem xét các khía cạnh có lợi hay tác động phản cạnh tranh của thỏa thuận. Theo pháp luật cạnh tranh của Liên minh Châu Âu, các thỏa thuận về R&D là thỏa thuận được miễn trừ tự động. Theo đó:
Căn cứ vào Điều 81 (3) của Hiệp định, các điều khoản của Quy chế này, tuyên bố rằng Điều 81 (1) sẽ không áp dụng đối với các thoả thuận giữa hai hoặc nhiều bên (sau đây gọi là các bên) liên quan đến các điều kiện mà các bên đó theo đuổi:
Miễn trừ này sẽ được áp dụng trong trường hợp các thoả thuận đó (dưới đây gọi là "các thỏa thuận nghiên cứu và phát triển") có những hạn chế về cạnh tranh thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 81 (1).
Nhóm thứ hai: miễn trừ áp dụng theo ngưỡng thị phần
Thị phần là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá sức mạnh thị trường của một hoặc một nhóm các doanh nghiệp trên thị trường liên quan. Theo pháp luật cạnh tranh của Liên minh Châu Âu, đa số các qui định miễn trừ đều sử dụng ngưỡng thị phần làm cơ sở để xem xét. Theo quyết định số 330/2010 của Ủy ban Châu Âu ngày 20 tháng 4 năm 2010 về việc áp dụng điều 101(3) của TFEU về việc phân loại các thỏa thuận theo chiều dọc và các hành vi phối hợp hành động thì ngưỡng thị phần để xem xét áp dụng đó là không vượt quá 30%:
“Nếu thị phần của mỗi bên tham gia thỏa thuận không vượt quá 30% trên thị trường liên quan, các thỏa thuận theo chiều dọc không bao hàm một số loại hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng, thường dẫn đến việc cải tiến sản xuất hoặc phân phối và mang lại lợi ích cho người dùng”.
Theo quyết định số 2659/2000 của Ủy ban Châu Âu ngày 29 tháng 11 năm 2000 về việc áp dụng điều 81(3) Hiệp định nhằm phân loại các thỏa thuận nghiên cứu và phát triển thì vấn đề miễn trừ chỉ áp dụng đối với thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh khi thị phần không vượt quá 25% trên thị trường liên quan.
“Trường hợp hai hoặc nhiều bên tham gia là các đối thủ cạnh tranh, vấn đề miễn trừ theo điều 1 sẽ được áp dụng cho giai đoạn được qui định tại khoản 1 chỉ khi, vào thời điểm kí kết thỏa thuận về nghiên cứu và phát triển thỏa thuận nghiên cứu và phát triển thị phần kết hợp của các bên không vượt quá 25% trên thị trường liên quan cho các sản phẩm có khả năng được cải thiện hoặc thay thế bằng các sản phẩm theo hợp đồng”.
Nhóm thứ ba: Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng
Các thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường, thông đồng trong đấu thầu là những thỏa thuận được các nước xếp vào nhóm các thỏa thuận các thỏa thuận nghiêm trọng. Lịch sử phát triển và kinh nghiệm thực thi pháp luật đã chỉ ra rằng các thỏa thuận này gây tổn hại nghiêm trọng cho cạnh tranh và không có bất kì cơ sở nào để lý giải cho hành vi này. Cho nên, ngoài việc áp dụng nguyên tắc vi phạm mặc nhiên để xử lí thì các thỏa thuận này cũng sẽ mặc nhiên không được hưởng miễn trừ.
Tuy vậy, cần phải thấy rằng mặc dù chia thành các nhóm như vậy, nhưng trên thực tế, các cơ quan cạnh tranh luôn có quyền xem xét hoặc rút lại các quyết định cho hương miễn trừ trước đó khi bối cảnh không còn phù hợp. Nguyên tắc mang tính phổ biến là việc áp dụng miễn trừ luôn mang tính có điều kiện và luôn luôn có thời hạn. “Ủy ban Châu Âu có thể rút lại các quyết định cho hưởng miễn trừ nếu họ phát hiện trong bất kì thỏa thuận cụ thể nào, quyết định hoặc các hành động phối hợp của các doanh nghiệp mà Ủy ban đã ra quyết định cho hưởng miễn trừ trước đó không còn phù hợp với điều 101(3) TFEU”.
Có thể bạn quan tâm
14:40, 20/02/2020
04:30, 20/02/2020
04:30, 19/02/2020
04:30, 18/02/2020
04:30, 17/02/2020
Tiểu kết
Các thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh bóp méo hoặc loại bỏ cạnh tranh trên thị trường, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dùng. Cho nên, vấn đề kiểm soát các TTSDG để HCCT nói riêng và thỏa thuận HCCT nói chung luôn là một trong những nội dung quan trọng trong pháp luật cạnh tranh. Để có thể chống lại các thỏa thuận dạng này, cần phải hiểu được nguyên lý vận hành và bản chất kinh tế của hành vi. Xét về khía cạnh kinh tế học, việc thống nhất hành động sẽ mang lại cho các doanh nghiệp khả năng chi phối cạnh tranh trên thị trường. Nhưng kinh tế học cũng chỉ ra quá trình thống nhất hành động bằng thỏa thuận của các doanh nghiệp cũng tồn tại những yếu tố kém bền vững.
Thông qua việc khai thác các yếu tố kém bền vững trong các TTSDG để HCCT, pháp luật cạnh tranh các nước như Hoa Kỳ và EU đã xây dựng nên chính sách khoan hồng như một công cụ hữu hiệu để phá vỡ các thỏa thuận HCCT. Hạt nhân cơ bản của chính sách khoan hồng trong pháp luật cạnh tranh chính là lý thuyết trò chơi. Chính sách này vận dụng những mâu thuẫn về lợi ích giữa việc theo đuổi lợi ích riêng của mình và việc tiếp tục giữ vững các thỏa thuận mà các bên đã xác lập. Thực tiễn tại các nước đã xác nhận, chính sách khoan hồng là một công cụ hữu hiệu để chống lại các thỏa thuận HCCT.
Các TTSDG để HCCT sẽ mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích, nếu các thỏa thuận này không bị trừng phạt bởi pháp luật. Điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp có khuynh hướng thực hiện các vi phạm nhiều hơn trong tương lai.
Do đó, chế tài áp dụng đối với các TTSDG để HCCT là một trong những bộ phận không thể thiếu của các qui định kiểm soát đối với hành vi này. Bàn về chế tài, cần thiết phải làm rõ các hình thức chế tài mà pháp luật cạnh tranh có thể áp dụng đối các hành vi TTSDG để HCCT.
Đồng thời, pháp luật phải đưa ra các tiêu chí để lượng hóa mức phạt đối với các doanh nghiệp đóng những vai trò khác nhau trong cùng nhóm doanh nghiệp tham gia TTSDG để HCCT.
Vai trò kiểm soát đối với các TTSDG để HCCT sẽ kém hiệu quả, nếu pháp luật không tính đến tác động tích cực của các thỏa thuận này. Dưới những điều kiện nhất định, các TTSDG để HCCT cũng đóng vai trò thúc đẩy cạnh tranh hoặc thúc đẩy sự phát triển kinh tế hoặc tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực.
Chính vì lẽ đó, vấn đề miễn trừ luôn là một bộ phận không thể thiếu của pháp luật cạnh tranh các nước trong việc kiểm soát các thỏa thuận HCCT nói chung và TTSDG để HCCT nói riêng.