Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện căn cứ pháp lý cho các vấn đề liên quan đến quốc phục của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL vừa có văn bản trả lời cử tri TP Đà Nẵng gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, theo đó, cử tri kiến nghị quan tâm nghiên cứu, sớm đề xuất quy định về quốc phục của Việt Nam.
Bộ VHTT&DL cho biết, ngày 31/7/2013, Bộ đã ban hành Quyết định số 2641/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Đề án Lễ phục Nhà nước; đồng thời, triển khai tổ chức cuộc thi, đặt hàng thiết kế cũng như các hội thảo lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn và xin ý kiến rộng rãi trên toàn quốc.
"Tuy nhiên, vấn đề quốc phục chưa nhận được sự đồng thuận, nhiều ý kiến trái chiều. Mặt khác, chưa có căn cứ pháp lý cho việc ban hành quy định về lễ phục Nhà nước", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL ghi nhận ý kiến và sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện căn cứ pháp lý cho việc ban hành các quyết định liên quan đến trang phục, lễ phục nói riêng, biểu tượng văn hóa quốc gia nói chung.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 5/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đã nghiên cứu nhận diện lễ phục, quốc phục là bộ áo quần có tính chất đặc trưng nhưng sau đó gặp vướng mắc về thẩm quyền công nhận, ký duyệt nên phải dừng lại.
“Chúng tôi biết đại biểu rất trăn trở và muốn giữ bản sắc văn hóa. Nhân đây, chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bổ sung khoảng trống pháp lý này, có thể giao cho một địa phương hay một bộ quản lý nào đó đưa vào trong luật để Chính phủ, bộ, ngành được thẩm quyền công nhận”, lãnh đạo Bộ VHTTDL phản hồi.
Câu chuyện về quốc phục Việt Nam được bàn thảo nhiều lần và nhận nhiều ý kiến tranh cãi, khen chê. Tuy nhiên lâu nay áo dài vẫn được tôn vinh nhờ gắn bó với hình ảnh của phụ nữ Việt. Nhiều chuyên gia thống nhất trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài là một nét văn hóa sống động, cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong bối cảnh đương đại.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt - cho rằng việc chưa có văn bản nào chính thức công nhận áo dài là trang phục đại diện cho dân tộc Việt Nam làm nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý khi tà áo dài bị may, mặc sai.
Việc hoàn thiện thể chế cho trang phục áo dài là việc làm thiết thực để tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ vấn đề bản quyền, chính danh của áo dài Việt và là động lực trong việc giáo dục, quảng bá văn hóa Việt Nam.