Đến Vân Đồn mà chưa từng đi đào sá sùng và nếm đặc sản “vàng ròng” này thì quả là một nỗi tiếc nuối lớn.
Con sá sùng còn được người Vân Đồn, Quảng Ninh gọi là con mồi, sái sùng hoặc sa trùng (con trùng trong cát).
Đắt hơn chỉ vàng
Chia sẻ với chúng tôi trong câu chuyện thu mua hải sản tại vùng biển Vân Đồn, chị Nguyễn Hiền Nhung, người đã có trên 30 năm lăn lộn mua bán hải sản tại vùng biển này cho biết, sá sùng có ở khắp các bãi triều ven biển từ thị xã Quảng Yên cho tới huyện Đầm Hà. Thế nhưng sá sùng ngon nhất phải kể đến 2 bãi triều Trước, Sau của xã Quan Lạn, Vân Đồn vì tại đây cát trắng, sạch, cho con sá sùng mình sáng màu. Đi đào sá sùng là một công việc khó khăn, gian khổ, đòi hỏi cả nhanh mắt và nhanh tay. Đây là cả một nghệ thuật được tích lũy nhiều năm.
Chị Nhung nói, sá sùng tươi có bề ngoài khá đáng sợ, ai yếu bóng vía nhìn lần đầu chắc phát hoảng. Thuộc loài thủy sinh, con sá sùng da trơn nhẫy, dài, thuôn, trông xa như con giun. Con lớn to bằng cỡ ngón tay cái người lớn. Người dân Quan Lạn kể có khi đào được sá sùng dài bằng cả gang tay. Đó là những ngày cực kỳ may mắn.
“Săn sá sùng vào con nước. Khi nước cạn, lộ bãi mới xăm lỗ, một tháng đào được cỡ 20 ngày, một năm săn được cỡ 7-8 tháng. Sá sùng tươi được thu mua ngay trên bãi vào thời điểm này với giá khá cao 300.000 - 500.000 đồng/kg. Thế nhưng thương lái mang về, chọn lọc, sơ chế, sấy khô và đóng gói thì giá sá sùng khô lên đến 3,8- 6 triệu đồng/kg, còn đắt hơn cả chỉ vàng. Đó là lý do vì sao người ta bảo sá sùng là săn "vàng ròng" của biển Vân Đồn”, chị Nhung cho biết.
Ngoài sá sùng khô, khách du lịch có thể đến các nhà hàng ở Quảng Ninh, đặc biệt là Vân Đồn và Hạ Long để thưởng thức sá sùng nấu lá lốt, sá sùng xào măng, sá sùng khô chiên... tất cả đều rất ấn tượng. Và chắc chắn những người đã một lần thưởng thức sẽ muốn quay lại ít nhất một lần nữa để tìm lại hương vị.
Cách đây khoảng chục năm, sá sùng ăn còn không hết. Nhưng thời điểm này thì khác, sá sùng rất hiếm, giá cả đắt đỏ và người ta như mặc định món ăn này là của nhà giàu.
Cuộc “xâm lấn” của những dự án
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc khan hiếm sá sùng còn do sự hút cát, lấn chiếm bãi triều của nhiều dự án trên địa bàn Vân Đồn. Thời gian trước, để lấn biển làm dự án bến xe điện và các công trình dịch vụ trên xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Công ty Thẩm Gia đã tự ý hút cát tại bãi Trước, 1 trong 2 bãi sá sùng lớn của Quan Lạn.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 08/04/2019
09:38, 05/03/2019
Lâu nay, bãi sá sùng này đem lại nguồn thu khá cho khoảng 150 hộ của 2 thôn Thái Hòa và Đông Nam, với giá 300.000 đồng/kg tươi và từ 3-6 triệu đồng/kg khô. Trước sự phản ứng dữ dồi của người dân, Công ty này đã phải dừng việc hút cát.
Hay mới đây nhất, nhiều hộ dân ở các xã Đông Xá, Hạ Long và thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn kiến nghị chính quyền địa phương về việc xây dựng khu đô thị mới Đông Xá có tổng diện tích 171,4ha do Công ty CP Đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông làm chủ đầu tư, đã làm mất đi vĩnh viễn một phần diện tích bãi triều khai thác sá sùng, ảnh hưởng đến mưu sinh của khoảng 400 hộ khai thác sá sùng.
Chị Phạm Thị Luyến (thôn Đông Sơn, xã Đông Xá) có hơn 20 năm gắn bó với nghề đào sá sùng cho biết, đào sá sùng là nghề truyền thống của các hộ dân ở đây. Quá trình đô thị hóa đang khiến một nghề truyền thống dần mất đi. Sự đánh đổi này có đáng không?
Kỳ III: Đánh thức “kỳ quan” Bái Tử Long!