Tốc độ phát triển quá nhanh, giá đất tăng mạnh. Những khu đất ruộng, đất đồi tưởng như chẳng ai quan tâm thì nay được săn như săn vàng.
Người dân và cả chính quyền quay cuồng trong cơn sốt đất thực thực, hư hư tại Vân Đồn.
Năm 2018, một câu chuyện đau lòng đã xảy ra tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Mảnh đất hơn 7.000m2 của cha ông để lại được gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng cải tạo, trông coi thờ cúng tổ tiên yên ổn bao năm nay. Nhưng khi cơn sốt đất bùng lên, người chết, kẻ vướng lao lý.
Huynh đệ tương tàn vì đất
Người đàn bà gày gòm, khắc khổ ngồi trong căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa mảnh đất mênh mông của gia đình, không kìm được những giọt nước mắt kể lại câu chuyện đau buồn xảy ra hơn một năm về trước. Bà N.T. Chín, vợ nạn nhân Nguyễn Mạnh Hồng nhắc lại, cuối năm 2017, người em trai chồng là Nguyễn Anh Tuấn - nguyên đại tá công an sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã về thăm và hứa sẽ bỏ tiền ra để cho anh trai xây dựng một ngôi nhà khang trang, vừa là để vợ chồng ông Hồng đón mẹ già về phụng dưỡng, vừa làm nhà thờ tổ tiên cho dòng họ. Không chút mảy may, vợ chồng ông Hồng liền đồng ý.
Huynh đệ tương tàn, hai anh em người chết, kẻ vướng vòng lao lý. Một kết cục đau lòng bởi hệ lụy của cơn sốt đất tại Vân Đồn. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình tại một vùng đất đang trên đà phát triển.
Nhưng sự việc cũng bắt đầu phức tạp khi ngôi nhà vừa xây đến giai đoạn hoàn thiện. Ông Tuấn tuyên bố sẽ không cho vợ chồng ông Hồng sống trong ngôi nhà mới với lý do đấy là nhà thờ tổ tiên, việc vợ chồng anh trai dọn về sinh sống sẽ làm ô uế nơi thờ phụng. Thời điểm cha con ông Tuấn tuyên bố cũng là thời điểm “cơn sốt đất” Vân Đồn đang lên đỉnh điểm, theo đúng nghĩa tấc đất tấc vàng.
Việc không thực hiện lời hứa của ông Tuấn khiến ông Hồng rất bất bình. Ông Hồng không đồng ý để ông Tuấn tiếp tục xây nhà. Mâu thuẫn từ đó cũng nảy sinh. Ngày 9/3/2018, ông Tuấn và con trai đã hành hung dã man vợ chống anh trai mình. Thương tích nặng, ông Hồng sau đó đã qua đời sau một thời gian nằm viện điều trị. Người chết, kẻ vướng vòng lao lý. Một kết cục đau lòng bởi hệ lụy của cơn sốt đất mang tên Vân Đồn.
Có cả sự tiếp tay của chính quyền?
Năm 1995, gia đình ông Lưu Bá Hộ, xã Quạn Lạn được chính quyền địa phương giao đất giao rừng theo Nghị định 02/CP, nay là Nghị định 163/1999, diện tích giao thuộc khoảnh I, tiểu khu 210. Từ năm 1995 đến nay, gia đình ông Hộ gồm ba bố con trồng thông, keo, bạch đàn và khai thác ổn định trên khoảnh rừng này ở quê hương mình.
Từ khi Vân Đồn rục rịch xây dựng đặc Khu hành chính kinh tế, nơi đảo xa này cũng hóa “tấc đất, tấc vàng”. Và thế là vào một ngày xấu trời, một nhóm người lạ do bà Lê Thị Xuân, Hà Nội dẫn đầu ập tới. Họ vu cho bố con ông Hộ tự ý chặt cây, khai thác gỗ trên cánh rừng của họ. Còn bảo sẽ tố ông ra tòa vì tội chiếm đoạt tài sản công dân. Mà lạ lùng thay, cái nhóm người ấy chưa từng một lần xuất hiện nơi đây và cũng chưa từng trồng một cây xanh nào trên mảnh đất rừng này.
Điều lạ lùng hơn nữa, theo tìm hiểu của chúng tôi, cánh rừng với diện tích 60.538m2 thuộc thửa đất số 74, của gia đình ông Hộ đang canh tác hơn 20 năm, có sổ quản lý rừng do Hạt kiểm lâm cấp, nhưng bà Xuân thì đưa ra giấy quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất vào ngày 22/01/2019 do UBND huyện Vân Đồn ký cấp, đúng vào thời điểm đất đai nơi đây đang lên cơn sốt.
Việc cấp này nhằm mục đích gì? Không lẽ chính quyền huyện Vân Đồn quan liêu đến mức không biết diện tích rừng này đã được giao cho cha con ông Hộ từ rất lâu. Thêm nữa, nếu có lý do nào đó mà UBND huyện Vân Đồn cho là chính đáng trong việc cấp đất cho bà Xuân thì chí ít người được nhà nước giao quản lý, trồng rừng làm kinh tế cũng phải được biết, được bồi thường, hỗ trợ và chuyển đổi nghề nghiệp.
Trong khi thực tế thì ngược lại. Thậm chí chủ rừng còn bị tố ngược và đứng trước nguy cơ bị mất trắng tất cả. Dư luận không thể không đặt câu hỏi, không lẽ cơn sốt đất cũng làm thoái hóa những người làm công tác quản lý tại Vân Đồn? Nếu vụ này êm xuôi, người dân phải bất lực ra đi tay trắng thì sẽ có những vụ tương tự nào nữa và sẽ có những hệ lụy, những bi kịch nào xảy ra cho những người dân chân chất ở đây?
Trên đây chỉ là một trong số ít các trường hợp người dân và cả chính quyền quay cuồng trong cơn sốt đất tại Vân Đồn. Lộ trình xây dựng huyện đảo này thành nơi đáng sống vẫn đầy gian nan?