Vận dụng bài học từ chiến tranh biên giới trong xây dựng đất nước

THIÊN ÂN 17/02/2022 08:00

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 là một minh chứng về bài học đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân. Chúng ta luôn nhớ bài học đó để vận dụng trong công cuộc xây dựng đất nước.

>>[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc] Nghĩ về những đường biên Tổ quốc

Ngày 17/2/1979, lính Trung Quốc tràn sang biên giới nước ta. Ảnh: Thường Thanh

Ngày 17/2/1979, lính Trung Quốc tràn sang biên giới nước ta. Ảnh: Thường Thanh

Lịch sử Việt Nam không hề phẳng lặng, bình yên mà đầy phong ba, bão táp. Rất nhiều thế hệ cha ông của chúng ta đã phải hi sinh máu xương để giữ vững bờ cõi nước nhà. Và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 - cách đây 43 năm là một minh chứng.

Khi chúng ta tổ chức phản kích, tiến vào giải phóng Phnom Penh ngày 7-1-1979, giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng hồi sinh thì đúng 40 ngày sau, Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới, với chiêu bài “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Đây là một nguyên nhân trực tiếp, quan trọng vì Khmer Đỏ là đội quân được Trung Quốc trang bị vũ khí, đạn dược, quần áo,... Cho rằng Việt Nam “đánh vỗ mặt”, làm mất uy tín Trung Quốc, Bắc Kinh bịa cớ để phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam) Quân chủ lực Việt Nam lúc đó đã tăng cường cho chiến trường Campuchia, Trung Quốc hi vọng Việt Nam sẽ gục ngã vì bất ngờ.

Trung Quốc đã mở cuộc tấn công chớp nhoáng vào Việt Nam khi huy động khoảng 600.000 quân gồm 9 quân đoàn và 5 sư đoàn độc lập, cộng là 32 sư đoàn bộ binh, khoảng 550 xe tăng và xe bọc thép, gần 2.000 pháo các loại. Ngoài ra, địch còn tập trung chuẩn bị hơn khu vực biên giới gần 700 máy bay các loại, cùng nhiều tàu chiến đấu của Hạm đội Nam Hải.

Quân và dân Việt Nam bị buộc phải cầm súng một lần nữa, đã chiến đấu kiên cường trước một đội quân đông hơn nhiều lần, trên một phòng tuyến biên giới dài gần 600km, và đã đánh bật được quân Trung Quốc về bên kia biên giới sau khi làm tổn thất đáng kể sinh lực đối phương.

Cuộc chiến tranh biên giới chính thức kéo dài chỉ 17 ngày, từ 17-2 đến 5-3-1979, nhưng những cuộc xung đột còn kéo dài đến tận năm 1988. Trong suốt chín năm, một phần đáng kể nhân tài vật lực của chúng ta đã phải dồn cho biên giới phía Bắc, trong khi Mỹ cấm vận, viện trợ của Liên Xô cắt giảm so với trước và Trung Quốc thì từ bạn thành thù. 

Dễ nhận thấy, Việt Nam đã hao tốn nhiều sức lực vì cuộc chiến biên giới đó. Nhưng đó cũng là thất bại của Trung Quốc trong cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979. Về vật chất, sơ bộ có thể thấy, tính đến ngày 18/3/1979, 62.500 lính Trung Quốc đã bị tiêu diệt tại trận, ta bắt sống 260 bộ binh, đánh thiệt hại nặng 9 quân đoàn chủ lực, bắn cháy 280 xe tăng thiết giáp và 270 xe quân sự, phá hủy 115 khẩu pháo cối và hỏa tiễn của Trung Quốc.

Theo học giả Hàn Quốc Yu In Sun, đây là một sự tổn thất về uy tín quốc gia đối với một nước lớn như Trung Quốc khi bị thất bại trong tay của một nước nhỏ bé như Việt Nam, dẫn tới cái tên “hổ giấy”.

>>[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hồi ức của một người lính

Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên. Ảnh tư liệu

Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên. Ảnh tư liệu

Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: Cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau.

Thứ nhất: Cần nhận thấy rõ bản chất đây là cuộc chiến tranh xâm lược. Như Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an nhận định: “Bản chất của Trung Quốc và chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam dựa trên chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn, chứ không phải chủ nghĩa quốc tế vô sản Mác - Lênin... Vì thế, chúng ta cố gắng thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác, tận dụng tối đa thị trường khổng lồ 1,41 tỷ dân của họ, nhưng dứt khoát phải trên nguyên tắc tối thượng là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của Việt Nam”.

Thứ hai: Luôn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, trong cả nước, phát huy tinh thần toàn dân đánh giặc. Đồng thời, luôn cảnh giác cao độ và nắm thế chủ động trong mọi tình huống.

Thứ ba: Phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường cả ở cấp độ địa phương đến cả nước. Trong cuộc chiến 1 tháng của năm 1979, chính tinh thần tự chủ các địa phương đã quyết định thắng lợi của quân dân ta.

Thứ tư: Sẵn sàng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, cùng các nước xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, phát triển trong khu vực và trên thế giới nhưng không bao giờ xóa bỏ lịch sử, lật lại lịch sử. Cần hiểu rõ bạn – thù và phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trước hết và trên hết thì mới có chính sách đúng được.

Thiếu tướng Lê Văn Cương còn góp ý rằng, chúng ta phải đưa nội dung cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc năm 1979 vào chương trình sách giáo khoa, để giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, để hậu thế biết những gì cha ông ta đã từng trải qua. Đừng đánh đồng, ngụy biện rằng, việc này là kích động chủ nghĩa dân tộc, làm xấu quan hệ Việt-Trung.

Có thể nói, lịch sử dân tộc ta có tới 17 cuộc chiến tranh chống xâm lược thì chúng ta đã chiến thắng 14, còn ba cuộc kháng chiến dai dẳng, hàng chục, thậm chí hàng trăm năm chúng ta bị nước ngoài đô hộ nhưng rồi dân tộc ta vẫn chiến thắng.

Chúng ta không bao giờ quên cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Và phải luôn giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần chiến đấu ngoan cường của cha anh, luôn tri ân những người đã ngã xuống, đã hy sinh một phần xương máu. Luôn nhớ các bài học từ cuộc chiến đó để vận dụng trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay!

Có thể bạn quan tâm

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc] Nghĩ về những đường biên Tổ quốc

    05:19, 21/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc] Cuộc chiến 1979 và những bài học

    15:21, 20/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc] Mãi ghi công những người đã ngã xuống vì đất nước

    16:44, 18/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hồi ức của một người lính

    18:10, 17/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Nhắc chuyện quá khứ để hướng đến tương lai

    17:19, 17/02/2019

  • Bố tôi – người lính của chiến tranh biên giới: Người lính không mong đổ máu để mang ơn

    16:33, 17/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Mưa nơi miền biên viễn...

    15:14, 17/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hành trang người lính

    12:00, 17/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hiểu chiến tranh để trân quý HÒA BÌNH

    05:35, 17/02/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vận dụng bài học từ chiến tranh biên giới trong xây dựng đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO