Văn hóa doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt chứ không chỉ là ăn theo yếu tố kinh tế, công nghệ, kiểu "phú quý sinh lễ nghĩa". Và câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp bắt nguồn từ chính các doanh nhân.
Không phải ngẫu nhiên mà 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam và ngày 10/11 là Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. Việc xây dựng văn hoá doanh nhân - doanh nghiệp không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững mà còn góp phần xây dựng nền tảng văn hoá - xã hội.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin từng chia sẻ một câu chuyện rất đặc biệt về vợ chồng doanh nhân Isidor Straus và Ida Straus (Mỹ). Họ đồng sở hữu trung tâm thương mại Macy’s (Manhattan) và là những người đã sống những giây phút cuối cùng trên chuyến tàu Titanic định mệnh ngày 15/4/1912. Họ đã lắc đầu với chiếc thuyền cứu hộ ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em để ở lại bên chồng.
“Lương tri của kinh tế”
Doanh nhân Đinh Hồng Kỳ đặt câu hỏi: dưới góc độ của những doanh nhân, Isidor Straus là một trong những người giàu có nhất nước Mỹ thời điểm đó. Họ còn đang có một gia đình với 7 người con đang độ trưởng thành. Điều gì đã khiến họ sẵn sàng buông bỏ gia sản khổng lồ, danh tiếng, quyền lực đã mất cả đời gây dựng? Ông Kỳ cho rằng, một ngày kia, New York thay hình đổi dạng, có thể trung tâm Macy’s sẽ không còn nữa và người đời sẽ mau chóng lãng quên tòa nhà. Nhưng cái tên ông bà Straus thì không. “Thương hiệu đó thấm đẫm lương tri và phẩm cách của những người làm kinh doanh”.
Có một khái niệm từng được các nhà kinh tế học tranh luận nhiều năm “Lương tri của kinh tế”. Dù vẫn còn nhiều điều chưa ngã ngũ, đại ý, họ nêu ra câu hỏi làm sao để giải quyết xung khắc giữa những hành động mang tính vị lợi của các cá thể trong xã hội với giá trị chung của cộng đồng; đồng thời để có được tăng trưởng kinh tế cân bằng nơi lợi ích chia đều cho tất cả. “Nền kinh tế thị trường đang thành hình ngày một rõ nét ở Việt Nam. Những thương hiệu lớn cũng bắt đầu định hình từ một lớp doanh nhân Việt và hứa hẹn trở thành những tên tuổi lớn như trung tâm thương mại Macy’s hơn một thế kỷ trước ở Mỹ. Liệu có mấy ai sẽ trở thành những ông bà Straus?”- ông Kỳ đặt câu hỏi.
Nhìn sâu xa hơn, hành vi của vợ chồng Isidor Straus qua câu chuyện trên không chỉ là nhân cách, đạo đức mà còn là nền tảng văn hoá của doanh nhân - doanh nghiệp. Hành động đặc biệt trong một tình huống đặc biệt đã khẳng định bản lĩnh và văn hoá doanh nhân của Isidor Straus. Nó chắc chắn không phải là hành động bột phát!
Văn hóa là cách doanh nghiệp trường tồn
Ở Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp hiện đã quan tâm xây văn hoá doanh nghiệp và luôn tự hào về doanh nghiệp của mình. Đây cũng là một xu hướng đang được Chính phủ khuyến khích, thúc đẩy bằng việc chính thức lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2016.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Dale Carnegie Việt Nam, xét theo thang điểm 10, mức độ xem trọng văn hóa của các công ty Việt Nam đạt xấp xỉ 9 điểm, nhưng mức độ triển khai thì chỉ đạt 5 điểm. Kết quả trên cho thấy đang có một sự khác biệt lớn giữa nhận thức và triển khai.
Do điều kiện lịch sử, sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam có những thời điểm “đứt đoạn”. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam chỉ thực sự phát triển sau giai đoạn Đổi mới. Nhưng không phải không có những “tấm gương” về văn hoá doanh nghiệp - doanh nhân. Đó là doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, những người vừa làm giàu vừa quan tâm những hoạt động xã hội từ thiện…
Đặc biệt doanh nhân Trịnh Văn Bô, người từng ủng hộ cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố Chính phủ bấy giờ với triết lý kinh doanh của dòng họ “Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức”. Gia đình cụ Trịnh Văn Bô sở hữu ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang. Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, vợ chồng cụ dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm việc. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Sau đó gia đình cụ cũng hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.
Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Với số lượng như vậy thì việc xây dựng văn hoá doanh nhân - doanh nghiệp không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững mà còn góp phần xây dựng nền tảng văn hoá - xã hội. Trong xu hướng toàn cầu hóa, buộc các doanh nghiệp phải liên tục tìm tòi, đổi mới, sáng tạo. Văn hoá doanh nghiệp cũng phải thay đổi thích ứng theo và càng cần được vun đắp, hoàn thiện.
Ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED: Văn hóa giúp phân biệt quản trị và cai trị Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đẩy các doanh nghiệp đi rất nhanh và thậm chí là có thể khiến họ đi sai đường; và nếu cách mạng công nghiệp mà không song hành với cách mạng văn hoá thì có thể trở thành thảm hoạ. Theo đó, văn hoá là thứ dùng để phân biệt giữa quản trị và cai trị, giữa lãnh đạo và cầm quyền; giữa doanh nhân, trọc phú và con buôn. Văn hoá là những gì còn lại sau khi đã mất hết tất cả, là những gì còn thiếu sau tất cả mọi thứ. Một doanh nghiệp thất bại, thảm khốc nhất tưởng chừng như là thất bại về chiến lược; nếu vẫn còn văn hoá thì có thể có cơ hội để đứng dậy nhưng nếu thất bại về cả văn hoá thì doanh nghiệp đó mãi mãi không đứng dậy được. Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Ao Vua: Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố then chốt Doanh nghiệp muốn thành công đều phải coi việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố then chốt, quyết định. Doanh nghiệp nào có văn hóa thì thành công, và ngược lại. Doanh nghiệp phải xây dựng được niềm tin, có niềm tin rồi phải giữ trọn. Doanh nghiệp cũng phải tính đến quyền lợi cho cán bộ, nhân viên, làm họ yên tâm, phấn khởi, chủ động, sáng tạo trong công việc. Khi tạo được sự đồng thuận, tạo hòa khí, sẽ biến khó thành dễ, biến thất bại thành thành công. |