Trong thời điểm dịch COVID-19, các địa phương hạn chế người dân ra đường, vì vậy văn hóa đọc càng được mọi người quan tâm hơn bao giờ hết.
Nói đến văn hóa đọc, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến việc đọc cái gì? ở đâu? Lúc nào? Đọc bao nhiêu là đủ? Vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại là bài toán khó chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Nhất là khi cuộc sống hiện đại mang lại rất nhiều hình thức truyền tải thông tin, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức và giải trí của người dân thì văn hóa đọc phần nào cũng bị ảnh hưởng.
Chỉ cần một động tác nhấp chuột máy tính, một cú “quẹt” trên điện thoại thông minh là giới trẻ tha hồ tìm kiếm thông tin, tài liệu, phim ảnh theo ý muốn, thay vì phải đến các thư viện như trước.
Thêm vào đó, người sử dụng không phải mang theo những quyển sách cồng kềnh như trước. Với chiếc điện thoại thông minh, có thể phát huy cùng lúc nhiều tính năng vô cùng tiện lợi và nhanh chóng. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm giảm niềm say mê đọc sách của nhiều người, trong đó có các bạn trẻ.
Một khía cạnh khác đáng lo ngại là trong xu thế khẩn trương nhịp sống mới, nhiều người đã không còn thời gian để đọc sách như trước đây. Việc đọc chỉ để cho những người chuyên nghiên cứu sách báo, tư liệu để bổ sung thêm kiến thức vào các lĩnh vực chuyên môn cần thiết. Đã vậy, số lượng sách xuất bản ngày càng thu hẹp dần bởi lượng độc giả ngày càng thưa vắng, đó là chưa kể đến việc kiểm duyệt, phát hành sách ngày càng lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho những quyển sách kém chất lượng, vô bổ xuất hiện.
Và câu chuyện văn hóa đọc trong thời dịch bệnh COVID-19 các địa phương thực hiện giãn cách xã hội ít nhiều cũng được nhiều gia đình coi trọng. Nói vậy vì, ngoài việc nhà và các công việc cơ quan theo hình thức trực tuyến, quỹ thời gian của người lớn còn lại cũng dồi dào hơn trước. Còn trẻ nhỏ, bên cạnh thời gian học tập, việc vui chơi không thể dồn hết vào vô tuyến và các thiết bị điện tử khác. Đọc sách là hình thức được nhiều gia đình lựa chọn để hướng con khám phá những điều tốt đẹp trong cuộc sống, làm phong phú tâm hồn trẻ.
Liên quan đến vấn đề này, Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng: “Trong thời gian giãn cách, phụ huynh cần tranh thủ cơ hội này để hướng dẫn trẻ vào hoạt động đọc sách. Muốn trẻ đọc sách, phụ huynh phải hạn chế cơ hội và thời gian sử dụng các thiết bị điện tử…
Đặc biệt, cần tạo ra môi trường tích cực khuyến khích đọc sách. Cha mẹ cũng nên đọc sách cho con nếu con dưới 6 tuổi theo thời gian cố định để tập cho trẻ thói quen đọc sách. Đối với trẻ đã tự đọc được, cha mẹ trao đổi, nói chuyện với con về những cuốn sách con đang đọc...”.
Thực tế, thị trường Việt Nam dường như vẫn chưa có nhiều sự quan tâm và hứng thú để sẵn sàng đón nhận những dòng sách về kinh điển, dịch thuật, biên tập và hiệu đính sách. Những thể loại ngôn tình mùi mẫm hay tản văn, tự truyện của các ngôi sao, những người nổi tiếng… xem ra có thể dễ dàng được đón nhận hơn.
Đây là điều cũng đang trở nên phổ biến, không phải chỉ riêng Việt Nam, mà ngay ở các nước phát triển có bề dày truyền thống văn hóa nghệ thuật như Đức. Còn nhớ, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder từng bày tỏ quan ngại khi phần lớn dân Đức có thể kể chính xác tên của 11 cầu thủ chính thức trong đội hình của tuyển bóng đá quốc gia, nhưng khó có thể nêu quá số ngón trên hai bàn tay về tên của những triết gia, nhà tư tưởng, nhà khoa học và nghệ sĩ vĩ đại – những người ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của nước Đức..v..v.
Trong trang đầu tiên của cuốn Bàn về Tự do, John Stuart Mill đã viết: “Giá trị của đất nước, xét trong lâu dài, là giá trị của tất cả các cá nhân cấu thành”, nghĩa là muốn có một đất nước mạnh, độc lập, phải có những cá nhân mạnh và độc lập, thông qua tự rèn luyện và tự lực cánh sinh. Đây chính là điều kiện tiên quyết để nâng cao phẩm giá của dân tộc.
Đáng mừng là, thời gian qua, phong trào văn hóa đọc đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan chủ quản, các nhà làm chính sách. Và giới trẻ đang có cái nhìn tích cực hơn về văn hóa đọc, tham gia ngày càng nhiều các hoạt động có liên quan.
Đã có các cuộc thi như: “Nâng tầm văn hóa đọc”; “Đại sứ văn hóa đọc”; “Hội thi kể chuyện sách”... Ngoài ra cũng cần kể đến sự đầu tư của các xe thư viện lưu động trên pham vi cả nước, sự tự nguyện hình thành của hàng ngàn thư viện tư nhân hoàn toàn miễn phí đã góp phần rất lớn để duy trì văn hóa đọc.
Dẫu biết, một xã hội học tập và văn hóa đọc ở Việt Nam còn một chặng đường rất dài phải đi do thói quen và thị hiếu không phải ngày một ngày hai có thể thay đổi. Nhưng một điều cần phải nhắc đó là: Muốn xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh thì kinh tế chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải có một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, văn hóa đọc là một thành tố không thể thiếu.
Theo đó, người Việt Nam cũng cần trở nên ham học ham đọc. Phải trở nên khát khao muốn biết và muốn học để xây dựng nên một nền văn hóa lớn, một xã hội phú cường, nơi mọi người đều bình đẳng, có quyền được học như nhau, có quyền ước mơ và thăng tiến.
Có thể bạn quan tâm
02:02, 28/11/2020
02:30, 09/11/2020
14:11, 07/01/2021
05:28, 28/10/2020
04:04, 07/08/2020
05:18, 30/01/2020
10:51, 20/04/2019