Vận hội mới cho Đồng bằng sông Cửu Long

THY HẰNG 20/06/2022 02:00

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch cấp vùng đầu tiên của nước ta mở ra cơ hội cho doanh nghiệp định hướng phát triển kinh doanh.

>>>Logistics cho nông sản ĐBSCL: Liên kết phát triển logistics liên vùng

Ngày 21/6 tới đây, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Hội nghị Công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 sẽ được tổ chức với chủ đề "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới".

 tư duy, tầm nhìn, cơ hội mới sẽ tạo ra giá trị mới.

Tư duy, tầm nhìn, cơ hội mới sẽ tạo ra giá trị mới cho ĐBSCL.

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch cấp vùng đầu tiên của nước ta được thông qua trên cơ sở Luật Quy hoạch 2017. Theo tinh thần của Luật, Quyết định phê duyệt Quy hoạch phải được tổ chức công bố công khai, rộng rãi, để người dân, doanh nghiệp biết định hướng phát triển toàn vùng để nghiên cứu đầu tư và có kế hoạch phát triển kinh doanh hiệu quả.

Ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT) cho biết, 05 tư duy mới chính trong quy hoạch ĐBSCL là: Chủ động kiến tạo phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; Linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội; Đổi mới, cải cách mạnh mẽ, chuyển đổi nhanh mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng tập trung; Liên kết phát triển, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế thông qua liên kết trong và ngoài Vùng ở tất cả các cấp độ; Bền vững, chiến lược lâu dài, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng phát triển hạ tầng đi trước, tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của vùng, trước hết tập trung phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu.

"Còn về tầm nhìn mới, Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ giúp phát triển vùng nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư", ông Thắng nhấn mạnh.

Phân tích về những cơ hội mới, đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT đưa ra 06 triển vọng. Thứ nhất, đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp. Trong đó, tập trung triển khai tuyến đường bộ ven biển trở thành hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế vùng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. 

Thứ hai, phát triển nông nghiệp là thế mạnh, cũng là sứ mệnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển các sản phẩm chiến lược theo ba trọng tâm.

Phát triển hệ thống 08 trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kết nối với các đầu mối hạ tầng để cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thúc đẩy nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL

>>>ĐBSCL: Muốn liên kết vùng phải xây dựng "tư duy chủ động"

Thứ ba, phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, với công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gắn với kinh tế biển, kiểm soát tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển. Nâng cao tính tập trung, mật độ của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở gắn kết với khu vực đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết trong vùng, liên vùng, quốc tế để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.

phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả cho các trung tâm đầu mối về nông nghiệp

Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả cho các trung tâm đầu mối về nông nghiệp.

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả cho các trung tâm đầu mối về nông nghiệp; Phát triển mạnh kinh tế biển; Thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.

Thứ năm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Thứ sáu, giúp người dân vùng ĐBSCL sinh sống tại các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động, đẩy đủ việc làm và sinh kế, hạ tầng đồng bộ, dịch vụ công tiện lợi và môi trường sống bền vững, chất lượng sống, gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài của Vùng.

Cũng theo ông Đinh Trọng Thắng, tư duy, tầm nhìn, cơ hội mới sẽ tạo ra giá trị mới. Đó là quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long từ chỗ phát triển dưới tiềm năng thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Năm 2030, quy mô nền kinh tế lớn hơn 2 -2,5 lần so với hiện nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu. Môi trường sống được tạo dựng bền vững, chất lượng sống của người dân được nâng lên gắn liền với bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái. 

Được biết, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng vừa ký Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu thời gian tới là phát triển ĐBSCL nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; xác định "nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng", "chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp".

ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thúc đẩy nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL

    12:00, 18/06/2022

  • Tài liệu Diễn đàn "Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL"

    16:40, 02/06/2022

  • ĐBSCL: Muốn liên kết vùng phải xây dựng "tư duy chủ động"

    09:57, 02/06/2022

  • Đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ hoàn thành 760 km đường bộ cao tốc

    13:57, 31/05/2022

  • Logistics cho nông sản ĐBSCL: Liên kết phát triển logistics liên vùng

    06:51, 30/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vận hội mới cho Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO