Tiền lương dạy hợp đồng không trang trải nổi cuộc sống bản thân, huống chi là nuôi con cái đi học. Nếu không vì yêu nghề thì chắc cũng không ai muốn tiếp tục nghiệp “đưa đò”.
>>Nhiều trường mầm non tư thục “chật vật” tìm giáo viên
Từ khi còn học cấp 2, cấp 3, tôi đã từng ước ao có một ngày đứng trên bục giảng giống như người bác gái bên ngoại mà tôi dành mọi sự kính trọng, cũng như 3 chị nhà bác theo nghề (xin phép được giấu tên). Ở trong một môi trường quay đi, ngoảnh lại toàn thấy sách bút, bài giảng… ít nhiều thôi thúc tôi chăm chỉ học hành để thực hiện ước mơ.
Đến khi bước chân vào giảng đường đại học, tôi khá may mắn khi nhận được sự dạy dỗ, chỉ bảo của rất nhiều người thầy kỳ cựu, tâm huyết với nghề, kiến thức uyên thâm như: GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, ThS.GVC Hoàng Ngọc Vĩnh…
Sau này, vì nhiều lý do mà tôi không suôn sẻ trong việc tìm kiếm công việc trong ngành giáo dục. Nhưng phải thừa nhận, những người thầy mà tôi rất kính trọng đó đã ảnh hưởng, tác động rất nhiều đến tư tưởng, nhân cách của tôi bây giờ.
Với tôi, họ là người thầy vĩ đại, giống như Nhà văn William A. Warrd từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi chỉ biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng…”
Tôi cũng rất nhớ câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.
Tiếc rằng, đi cùng với sự phát triển của xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, thì những tiêu cực, các góc khuất trong ngành giáo dục được bóc ra nhiều, trần trụi hơn bao giờ hết.
Những hình ảnh thầy cô cặm cụi bên trang giáo án, đến lớp ngày nắng mưa mà trong các bài văn, bài thơ ngày xưa, ít nhiều đã bị thay thế bởi những vụ mua bán điểm số, gạ tình, lạm dụng, bạo lực học đường… Những điều này đã làm nghề giáo bị “méo mó” trong cách nhìn của xã hội, của phụ huynh, và đương nhiên, trong cả các em học sinh, sinh viên nữa.
Chưa nói đến chế độ đãi ngộ, lương bổng, hay áp lực công việc. Chỉ riêng sự coi thường của một số phụ huynh, và học sinh chỉ vì “những con sâu trong ngành”, cũng đủ để các giáo viên có tự trọng, nhân cách và liêm sỉ cảm thấy chán nản, ngọn lửa nghề cũng dần lụi tàn. Nên con số giáo viên bỏ nghề bỗng dưng càng nhiều trong thời gian gần đây.
>>Từ những vụ học sinh tự tử bàn về tư vấn học đường
>>COVID-19 khiến nhiều giáo viên bỏ việc, học sinh áp lực
>>Trường THCS Ngô Quyền Hải Phòng: Lời kêu cứu của giáo viên có vô vọng?
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này cho thấy, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc chiếm tỷ lệ khoảng trên 1% so với tổng số giáo viên mầm non và phổ thông trong cả nước”.
Được biết, số giáo viên nghỉ việc nhiều tập trung ở các khu đô thị, các khu công nghiệp lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương… Những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn như Sơn La, Gia Lai… cũng có hiện tượng giáo viên nghỉ việc nhiều hơn một chút so với các địa phương khác.
Cá nhân tôi cũng biết, có những người đằng đẵng 10 năm, 20 năm, dù dạy hợp đồng vẫn đến trường miệt mài với con chữ, gieo bao mầm xanh, đào tạo biết bao thế hệ học trò.
Nhưng cũng từng ấy năm, có ai biết rằng đồng lương họ nhận chỉ là vài triệu đồng. Không ít thầy cô phải sống lay lắt, phải làm thêm, làm thuê, giúp việc... để có thể duy trì cuộc sống. Khổ nhất là vào những tháng nghỉ hè, các thầy cô hợp đồng bị cắt hết lương. Không vì yêu nghề chắc cũng chẳng ai muốn tiếp tục với nghiệp “đưa đò”.
Đó là chưa nói đến góc khuất của cơ chế xin việc. Có một giáo viên đã nghỉ hưu nói rằng: “Đời giáo viên của tôi thương nhất là giáo viên dạy hợp đồng. Tôi thấy rất tội và thương những thầy giáo, cô giáo vùi tuổi thanh xuân dạy hợp đồng với đồng lương 3 đến 4 triệu, nghỉ hè lại không lương, thi tuyển thì gặp tiêu cực... Xin Bộ Giáo dục xem xét và có đề nghị trả lương xứng đáng cho họ”.
Có thể nói, thước đo lớn nhất của ngành giáo dục đó chính là sản phẩm chứ không phải phân biệt bởi những từ hợp đồng, biên chế. Vì đâu khoảng cách giữa 2 từ giáo viên hợp đồng, giáo viên biên chế lại có sự phân biệt như vậy? Điều đáng buồn sự phân biệt đó lại đến từ những cơ quan sử dụng lao động, đến từ Ban giám hiệu và đến từ chính những đồng nghiệp.
Để rồi, bây giờ chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên ở các cấp vì trong số 1% nghỉ việc kia đa phần là hợp đồng, thu nhập thấp, hoặc lòng tự trọng với nghề.
Để giải bài toán thiếu giáo viên trước thềm năm học mới, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ hằng năm bảo đảm về số lượng và chất lượng. Đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt, các nhà quản lý giáo dục sẽ xử lý ra sao với vấn đề này?
Vị Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nói rất hay: “Các thầy cô khi đã xác định chọn nghề nhà giáo - một nghề rất đặc thù, thì ngoài yếu tố về thu nhập, các thầy cô cũng luôn giữ cho mình tình yêu, sự tâm huyết với công việc giáo dục, dìu dắt thế hệ trẻ để có thêm động lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó với nghề”
Vâng! Dĩ nhiên rồi, nhưng thực tế cho thấy, học sinh muốn hạnh phúc thì trước tiên giáo viên phải hạnh phúc. Giáo viên không thể vui, không thể tạo được niềm vui cho lớp học khi sau giờ lên lớp vì những lo lắng, tính toán nan giải về cơm áo gạo tiền, học phí của con cái, viện phí… bên cạnh nỗi lo về chất lượng học tập và hạnh kiểm của học sinh.
Để giải được bài toán thiếu giáo viên trầm trọng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cũng như các nhà quản lý có trách nhiệm cần phải nhìn nhận lại vấn đề còn tồn tại hiện nay và giải được bài toán: Phận giáo viên hợp đồng: Thu nhập, vị trí trong lòng xã hội…!
Dẫu biết, nói ra đây cũng chẳng giúp được gì cho các thầy cô, nhưng tiếng lòng của họ, đáng để nói ra lắm. Ít ra để xã hội thấy được có những thầy cô đi dạy mà khổ như thế đấy? Để xã hội có thể phần nào cảm thông, trân trọng những người đứng trên bục giảng.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 18/04/2022
22:27, 17/01/2022
10:08, 11/11/2021
05:00, 18/09/2021