Vấn nạn sim rác còn đến bao giờ?

Diendandoanhnghiep.vn Bộ TT&TT đã từng quyết liệt thực hiện việc cắt bỏ các loại sim rác – sim không cung cấp đủ thông tin người dùng. Tuy nhiên, bây giờ vẫn còn lượng sim rất lớn đang tồn tại ở các kênh bán hàng.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa có văn bản chỉ đạo các Sở TTTT 63 tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng quản lý thị trường tiến hành thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trên phạm vi toàn quốc.

Trước tình trạng sim rác vẫn được bày bán công khai, Bộ TT-TT quyết định thanh tra quản lý thông tin thuê bao di động trên cả nước (ảnh minh họa)

Trước tình trạng sim rác vẫn được bày bán công khai, Bộ TT-TT quyết định thanh tra quản lý thông tin thuê bao di động trên cả nước (ảnh minh họa)

Kinh doanh sim rác lách luật

Theo đó, các Sở TTTT sẽ tiến hành thanh tra các doanh nghiệp viễn thông di động, tổ chức, cá nhân, cửa hàng, đại lí phân phối, bán SIM điện thoại trái pháp luật trên địa bàn.

Trong thời gian qua, tình trạng SIM rác vẫn được bày bán công khai, người dân không cần giấy tờ tùy thân vẫn có thể mua để sử dụng một cách dễ dàng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh.

Theo Bộ TTTT, các nghị định về mua và sử dụng SIM hiện nay không giới hạn số lượng SIM mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp được sử dụng.

Lợi dụng quy định này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã đăng kí thông tin cho hàng nghìn, hàng chục nghìn, thậm chí vài chục nghìn SIM thuê bao điện thoại di động nhưng không rõ các SIM này hiện đang ở đâu, do ai đang sở hữu sử dụng.

Nhiều doanh nghiệp còn ủy quyền cho các cá nhân không phải là nhân viên để thực hiện việc kí giao kết hợp đồng sử dụng thuê bao di động, với tần suất cách nhau một đến ba ngày/lần, để sử dụng vài ba trăm SIM.

Không những thế, để lách luật, kinh doanh SIM rác, các chủ đại lí còn dùng chứng minh nhân dân, thẻ căn cước của mình để đăng kí thông tin thuê bao cho hàng trăm SIM, khi bị kiểm tra thì báo đã bị mất.

Tình trạng một số doanh nghiệp viễn thông kí hợp đồng với các cá nhân bên ngoài để làm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền, dẫn đến việc đăng kí thông tin hết sức lỏng lẻo.

Do đó, vấn nạn SIM rác hiện đang gây đau đầu cho cơ quan quản lí thị trường. Việc ra quân thanh, kiểm tra của Bộ TTTT lần này, được cho là sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Trước đó, vào đầu năm 2019, Bộ TTTT cũng đã ban hành văn bản nêu rõ, khi phát hiện tình trạng SIM rác được bán, Bộ sẽ có công văn nhắc nhở chủ tịch, tổng giám đốc hai lần trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét chỉ đạo xử lí hành chính, kỉ luật.

Đợt thanh tra này được triển khai bắt đầu từ tháng 10/2019. Phối hợp cùng với Bộ TTTT sẽ có các cơ quan liên quan nhưu: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Công an và Bộ Công Thương.

Quy định "ngặt nghèo", sim rác vẫn tồn tại

Không phủ nhận kể từ khi xuất hiện tại thị trường di động Việt Nam, hình thức thuê bao di động trả trước đã tạo nên sự đột phá về số lượng thuê bao nhờ sự tiện lợi. Nhưng khi các nhà mạng chạy đua khuyến mại để tranh giành thuê bao, đã dẫn đến hệ quả là người dùng di động đổi SIM liên tục, mua SIM rác sử dụng để hưởng khuyến mại thay vì nạp thẻ cào.

Hệ quả, SIM rác tràn lan, các nhà mạng cạn kho 10 số phải xin cấp thêm đầu số thuê bao 11 số khiến việc quản lý đầu số di động trở nên phức tạp hơn. Đồng thời, tình trạng người dân bị “khủng bố” tin nhắn từ sim rác cũng xuất hiện.

Trên thực tế, tình trạng sim rác gây phiền toái cho người dùng đã diễn ra cách đây khoảng 7 đến 8 năm về trước. Mặc dù Bộ TTTT đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng sim rác đến nay vẫn tồn tại và ngày một biến tướng tinh vi.

Giữa năm 2017, Nghị định 49/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng sim rác, sim ảo. Trong đó, Nghị định này quy định rất nhiều điểm ràng buộc trách nhiệm nhà mạng. Thậm chí còn yêu cầu người sở hữu sim phải chứng thực thông tin, có ảnh chụp chân dung, giấy chứng minh thư mới được sử dụng.

Từ khi có Nghị định 49, trong các cuộc họp giao ban của Bộ TTTT, các đơn vị, cơ quan chức năng đều có báo cáo thành tích tốt khi hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác nhờ thu hồi được sim rác.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ TTTT đã ghi nhận gần 22.000 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian qua, Bộ cũng đã cắt giảm 1,85 triệu tài khoản viễn thông do không đủ thông tin thuê bao hoặc bị phát hiện là thuê bao kích hoạt sẵn. 

Bộ TT&TT cũng dự tính đến hết tháng 9/2019 sẽ thu hồi toàn bộ sim rác. Tuy nhiên, trước những quy định “ngặt nghèo” trên, sim rác vẫn tồn tại. Oái oăm là, những chiếc sim này giờ đây đã được đăng ký sẵn số chứng minh nhân dân, ảnh chân dung theo đúng quy định của Nghị định 49/2017.

Do đó, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng mua được một chiếc SIM phù hợp để sử dụng mà không phải khai báo thông tin thực và ảnh “chính chủ”, khiến cho việc kiểm soát thuê bao trả trước vẫn còn rất phức tạp.

Hơn nữa, bất cứ nhà mạng nào cũng hỗ trợ người dùng chuyển từ sim rác sang sim chính chủ, miến là người dùng có nhu cầu chuyển. Thủ tục rất đơn giản, chỉ cần ra một điểm giao dịch của nhà mạng, cung cấp chứng minh thư và 6 số điện thoại thường xuyên liên hệ là được.

Do đó, Nghị định 49/2017/NĐ-CP, dường như chặt, nhưng lại lỏng lẻo.

Đây thực sự là một thực trạng nhức nhối còn tồn đọng mà vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Phải chăng vì lợi nhuận còn rất cao nên nhiều doanh nghiệp vẫn "phớt lờ" quy định này, sử dụng chiêu trò để “lách luật” (?!). Và phải chăng công tác quản lý thuê bao di động trả trước vẫn tiếp tục bị buông lỏng?

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Vấn nạn sim rác còn đến bao giờ? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711616596 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711616596 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10