Vay 13%/năm, doanh nghiệp “lời lãi” ở đâu?

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT 25/05/2023 14:20

Có những thông tin cho rằng, doanh nghiệp vay thực tế vẫn hơn 13%/năm. Với mức lãi suất cao như vậy thì doanh nghiệp sản xuất còn “lời lãi” ở đâu?

>>Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Cần ủy quyền “mạnh hơn” cho địa phương

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhấn mạnh tại phiên thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, ngày 25/5.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Việt

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Việt

Nêu câu hỏi: “Phải làm thế như nào “thúc” tăng trưởng của 6 tháng cuối năm 2023, để bù vào sự “chậm chạp” của 6 tháng đầu năm? Đại biểu Trần Văn Lâm đề xuất một số kiến nghị sau.

Thứ nhất, phải tiếp tục duy trì các chính sách nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng và tăng trưởng có hiệu quả, thì yếu tố vĩ mô vẫn là khâu then chốt. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng, chúng ta không thể “nóng vội” vì việc 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp mà vội vàng tung ra các chính sách quá nới lỏng để tạo ra nguy cơ mất ổn định vĩ mô.

“Không nên suy nghĩ vì lạm phát hiện nay vẫn thấp mà tăng các khoản cung tiền cho vay của ngân hàng tín dụng rộng mở một cách dễ dãi”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Vì, lập tức sẽ đẩy chỉ số lạm phát lên cao, khi lạm phát lên cao thì huy động tiền vào ngân hàng sẽ phải cao lên, tức là huy động lãi suất huy động sẽ phải tăng lên. Bởi không ai thấy lạm phát cao mà đi gửi ngân hàng với mức lãi suất thấp.

Khi lãi suất cao thì phải cho vay cao, từ đây xuất hiện mâu thuẫn lãi suất cao thì làm sao doanh nghiệp có thể vay được với mức lãi suất thấp để tăng trưởng? Do đó, yếu tố then chốt là kiên trì giữ vững được ổn định vĩ mô với mức tỉ số lạm phát ở mức hợp lý, không nên quá thấp để bị thiểu phát nhưng cũng không thể quá cao để gây cản trở với các dòng vốn, dòng tiền huy động vào các lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế.

Thứ hai, đối với chính sách tiền tệ phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được dòng tiền. Hiện nay doanh nghiệp tiếp cận dòng tiền khó khăn là do lãi suất cao. Lãi suất cao có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố cuối năm 2022 NHNN phải thắt chặt tín dụng để kiểm soát lạm phát, cũng như giữ hạn mức tín dụng trong room quy định.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát ổn định mà lãi suất ngân hàng tăng rất cao là điều bất hợp lý. Hiện nay đang điều chỉnh nhưng chỉ ở mức rất “nhỏ giọt” khoảng 0,5%.

>>Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Cần ủy quyền “mạnh hơn” cho địa phương

>>Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Nguyễn Việt

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Nguyễn Việt

Thứ ba, có những thông tin cho rằng, doanh nghiệp vay thực tế vẫn hơn 13%/năm. Với mức lãi suất cao như vậy thì doanh nghiệp sản xuất còn “lời lãi” ở đâu? Làm thế nào để giảm được lãi xuất là bài toán rất “phức tạp”, cần có sự phối hợp đồng bộ. Ngân hàng phải tính toán để giảm lãi suất, không thể duy trì mức lãi suất cao như hiện nay.

“Do đó, để giảm lãi suất, điều quan trọng nhất là duy trì một nền kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát thấp tương đối, không phải thấp đến mức độ thiểu phát”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Thứ tư, phải thực hiện giảm các chi phí của ngân hàng, lãi suất đi vay và cho vay về mức hợp lý. Thời gian vừa qua, mặc dù doanh nghiệp khó khăn nhưng ngân hàng vẫn báo lãi “khủng”, vì chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay bị “giãn ra”.

Trong báo cáo giám sát nguồn lực huy động phòng chống Covid-19 vừa qua có dòng thông tin cho thấy, trong thời gian dịch Covid-19 thì lãi suất đi vay (tiền gửi tiết kiệm) giảm nhưng giảm chậm hơn lãi suất cho vay.

Lãi suất giãn ra tức đồng nghĩa với việc ngân hàng “lãi đậm”. Khoản lãi này đến từ lãi suất tiết kiệm của người dân giảm và tăng từ phía các doanh nghiệp đi vay. Nền kinh tế khó khăn nhưng ngân hàng không chia sẻ, hỗ trợ mà lại còn “tranh thủ” ở đây.

Đây là vấn đề cần phải được xem xét để thực sự các ngân hàng làm sao gắn kết lợi ích thực sự của mình với nền kinh tế và sự sống còn của doanh nghiệp, mà không phải chỉ có “một mình một chợ” độc quyền.

“Do đó, chính sách tiền tệ thời gian tới đây cần làm sao thực sự phải có sự gắn kết giữa lợi ích của ngân hàng với lợi ích của doanh nghiệp và nền kinh tế, để cùng hỗ trợ nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Cần ủy quyền “mạnh hơn” cho địa phương

    11:56, 25/05/2023

  • Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

    00:20, 25/05/2023

  • Chiều 24/5, Quốc hội họp về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%

    00:06, 24/05/2023

  • Quốc hội thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

    01:39, 23/05/2023

  • Ông Lê Quang Mạnh giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội

    17:07, 22/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vay 13%/năm, doanh nghiệp “lời lãi” ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO