Vay tiền qua App (Bài 2): “Vòng xoáy” không lối thoát

NGUYỄN GIANG 29/11/2021 11:00

Lợi dụng tình cảnh khó khăn của nhiều người, những đối tượng lập website, dựng các App... quảng cáo cho vay lãi suất thấp, giải ngân nhanh. Thế nhưng, "miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột"…

>> Vay tiền qua App (Bài 1): Nghìn lẻ một bẫy lừa

Tin nhắn nhắc nợ của một nạn nhân tại TP.HCM

Tin nhắn nhắc nợ của một nạn nhân tại TP.HCM

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong bài viết trước, hình thức vay tiền qua App được coi là giải pháp nhanh chóng có thể đáp ứng nhu cầu tài chính của nhiều người. Không cần thế chấp, lãi suất 0 đồng - là những cam kết mà đơn vị cung cấp các App vay tiền đưa ra. Thế nhưng, ít người biết, phần lớn là những tổ “tín dụng đen” núp bóng với lãi suất cắt cổ, thậm chí cao hơn hàng trăm lần so với lãi suất ngân hàng.

Sự nở rộ của các ứng dụng vay tiền mọc lên như nấm sau mưa trong thời quan qua, hàng trăm App cho vay tiền đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu “nóng” của nhiều người. Cùng với đó là quy trình vay chóng vánh, không cần thế chấp, đặt cọc mà chỉ cần căn cước công dân, số điện thoại hoặc một vài thông tin về gia đình, người thân là có thể vay đến hàng chục triệu đồng, thậm chí còn có thể cùng lúc vay ở nhiều App khác nhau.

Một tin nhắn đe dọa khi chưa trả nợ của một nạn nhân tại Hà Nội

Một nạn nhân tại Hà Nội bị đe dọa khi chậm nợ

“Bẫy lừa” tín dụng đen

Cuối tháng 7/2021, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Tuyên Quang) đã tiếp nhận, xử lý tin báo của chị T.H.Y- trú tại huyện Yên Sơn. Theo đơn trình báo, tháng 3/2021, chị Y. có vay 3 triệu đồng qua App “Sieudong” với thủ tục đơn giản: Gửi ảnh CMND và cho phép App truy cập vào danh bạ điện thoại. Tuy nhiên, chị Y chỉ nhận được 1,2 triệu đồng do các đối tượng giải thích thu lãi, gốc, phí dịch vụ và yêu cầu chị phải trả đủ số tiền 3 triệu đồng trong vòng 7 ngày, nếu chậm nộp sẽ phải chịu phí phạt.

Đến hạn, chị Y. chưa có tiền trả, các đối tượng tiếp tục giới thiệu chị vay tiền qua các App khác để trả. Đến ngày 9/6, chị Y. đã vay của 39 App, như: “Cây phát tài”, “Vay tốt”, “Ví vui vẻ”, “Trạm tiền”, “Ví chanh”… với 164 giao dịch vay tiền. Tổng số tiền chị Y. phải trả cho các App lên tới gần 480 triệu đồng. Ngoài ra, các đối tượng liên tục dùng số điện thoại lạ gọi khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng, nhắn tin quấy rối bạn bè, người thân, đồng nghiệp, gây sức ép để chị Y. trả tiền.

Do lo sợ, chị Y. đã vay tiền của bạn bè, người thân được 124 triệu đồng để trả cho các App, nhưng vẫn còn nợ 355,2 triệu đồng. Số tiền lãi liên tục tăng khiến chị Y. không đủ khả năng trả nợ. Trong khi đó, các đối tượng lại tiếp tục khủng bố, đe dọa tính mạng chị và người thân trong gia đình với nhiều hình thức khác nhau. Sau nhiều ngày mất ăn, mất ngủ và không thể chịu được áp lực từ các đối tượng cho vay, chị Y. đã phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan Công an…

>> Biến tướng “tín dụng đen” trực tuyến: Vá “lỗ hổng” từ đâu?

Tương tự, trường hợp anh Trần Văn Mạnh (trú tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội) kể lại cú lừa cay đắng mà anh vừa trải qua khi trót vay tiền từ một App. Gần một năm nay, công việc của anh phập phù lúc có lúc không. Đúng lúc này, bố anh lại bị bệnh nặng phải nhập viện điều trị. Vay mượn khắp nơi mà không đủ tiền đóng viện phí, anh Mạnh thấy trên mạng có App Money... nói rằng cho vay tiền đơn giản, chỉ cần số điện thoại và giấy CMND là được giải ngân. Quan trọng hơn là được miễn phí lãi suất.

Vậy là anh Mạnh cài đặt ứng dụng và làm theo hướng dẫn, lập lệnh vay 5 triệu đồng trong vòng 7 ngày. Chỉ khoảng 5 phút sau, tiền đã chảy vào tài khoản của anh. Tuy nhiên, đến ngày thứ 5 đã có người gọi điện yêu cầu anh Mạnh trả nợ, cả gốc và lãi là 8,5 triệu đồng. Anh Mạnh thắc mắc thì đối tượng nói rằng chỉ miễn phí... đăng ký, còn phí bảo hiểm và lãi suất thì người vay vẫn phải trả bình thường. Đối tượng còn lớn tiếng nạt nộ, yêu cầu anh phải trả gấp không thì sẽ đến tận nhà... “xin tí huyết!”

Cực chẳng đã, anh Mạnh tiếp tục vay một ứng dụng khác. Số tiền là 10 triệu đồng lãi suất 10%/ngày, vay trong 6 ngày. Nghe thì có vẻ đơn giản, song chỉ trong vòng khoảng một tháng, anh Mạnh đã không còn khả năng chi trả khi số tiền gốc và lãi phải trả lên đến gần 100 triệu đồng, gấp 20 lần so với số tiền ban đầu anh vay.

Mỗi ngày tôi nhận được cả trăm cuộc gọi đòi nợ, đe dọa; những người thân của tôi cũng bị “khủng bố” điện thoại với hàng chục cuộc gọi mỗi ngày. Những người bạn bè, đối tác chỉ liên hệ 1-2 lần cũng bị liên lụy theo. Tôi muốn xin giãn nợ vì không còn khả năng chi trả nhưng nhóm người trên đe dọa sẽ giết cả nhà tôi” – anh Mạnh cho biết.

hihihi

Hình ảnh một nạn nhân, gia đình và đồng nghiệp bị khủng bố khi chậm nợ

Vòng xoáy nợ nần, không lối thoát

Theo các chuyên gia, đa số người vay tiền qua App không thể trả đúng như cam kết ban đầu. Bởi, lãi suất trên thực tế luôn khác xa so với lãi suất niêm yết trên những ứng dụng vay tiền online hoặc hợp đồng vay vốn. Đơn cử, có trường hợp lãi suất niêm yết trên ứng dụng vay online là 16%, trong khi hợp đồng tín dụng lãi suất vay lên tới hơn 20%/năm; thậm chí mức phí phạt chậm trả cũng luôn cao ngất ngưởng, nhiều trường hợp cao gấp 3 lần.

Đặc biệt, tuy nói thủ tục “nhanh gọn”, nhưng khi nhận tiền, người vay bị các đối tượng tính thêm rất nhiều loại phí, như: Phí thẩm định hồ sơ, phí vay lần đầu, phí chậm trả… Các khoản phí này sau khi cộng với lãi suất niêm yết trên website sẽ tăng cao hơn rất nhiều. Thay vì thu lãi theo định kỳ, nhiều App đã trừ thẳng tiền lãi kỳ đầu vào số tiền giải ngân của khách.

Hậu quả vay qua App đã được cảnh báo nhiều lần để người dân nâng cao cảnh giác. Với đường dây “tín dụng đen” cho vay qua ứng dụng, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, người dân dễ dàng nhận được tiền vay chỉ trong vòng vài phút, nhưng đó cũng chính là cái bẫy do phía cho vay giăng ra để đưa người vay rơi vào vòng xoáy nợ nần, không lối thoát. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều người dân tiếp tục sập bẫy.

Điều đáng nói, sau khi trót vay trên App, nhiều nạn nhân đã phải cầu cứu cơ quan chức năng do bị đe dọa đến tính mạng. Không những gọi điện “khủng bố”, các đối tượng cho vay còn đưa hình nạn nhân lên các trang mạng xã hội để bêu xấu, dọa nạt. Có nhiều trường hợp do quá sợ hãi đã phải tìm đến cái chết, để lại nỗi đau không gì bù đắp nổi cho người thân.

Còn nhớ cuối tháng 3/2020, một nữ công nhân 23 tuổi ở Biên Hòa (Đồng Nai) tự tử do sa vào tín dụng đen. Trong thư tuyệt mệnh gửi cho mẹ, cô gái cho hay mình mắc nợ từ hơn 10 App cho vay tiền online, vì không có khả năng trả nên đi vào bước đường cùng. Điều tàn nhẫn là sau khi con gái qua đời, gia đình nạn nhân vẫn liên tục bị các App gọi hàng trăm cuộc điện thoại khủng bố, yêu cầu trả nợ thay…

Hay như cái chết của giảng viên một trường CĐ ở phía Nam vào ngày 10/5/2020 do vướng đến vay tiền online khiến nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng. Chỉ vay có 5 triệu đồng để chi tiêu, đến hạn 7 ngày không trả kịp, số tiền phạt và tiền lãi liên tục tăng. Sau đó, App cho vay giới thiệu các App khác để anh vay tiếp, trả nợ khoản vay trước. Cứ thế, mấy tháng sau, số tiền vay online tăng lên hơn 200 triệu đồng. Liên tục bị đe dọa, khủng bố tinh thần, lại bị đe dọa bôi nhọ và làm mất uy tín, khiến người này phải tìm đến cái chết để được giải thoát.

Còn nữa…

Có thể bạn quan tâm

  • Vay tiền qua App (Bài 1): Nghìn lẻ một bẫy lừa

    Vay tiền qua App (Bài 1): Nghìn lẻ một bẫy lừa

    11:06, 25/11/2021

  • Biến tướng “tín dụng đen” trực tuyến: Vá “lỗ hổng” từ đâu?

    Biến tướng “tín dụng đen” trực tuyến: Vá “lỗ hổng” từ đâu?

    11:00, 29/10/2020

  • Ám ảnh “tín dụng đen”: Lằn ranh quan hệ dân sự - hình sự

    Ám ảnh “tín dụng đen”: Lằn ranh quan hệ dân sự - hình sự

    04:00, 16/07/2020

  • Đại biểu kiến nghị đánh giá lại các công ty tài chính để hạn chế tín dụng đen

    Đại biểu kiến nghị đánh giá lại các công ty tài chính để hạn chế tín dụng đen

    13:30, 05/11/2019

  • TP.HCM: Liệu có… “xóa sổ” được tín dụng đen?

    TP.HCM: Liệu có… “xóa sổ” được tín dụng đen?

    11:16, 21/08/2019

  • Tránh

    Tránh "bẫy" tín dụng đen!

    06:00, 31/03/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vay tiền qua App (Bài 2): “Vòng xoáy” không lối thoát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO