Theo TS. Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, VCCI đã đi tiên phong đổi mới, đưa ra những kiến nghị sắc sảo thúc đẩy mạnh mẽ sự bình đẳng,
hoàn thiện hệ thống pháp luật, thổi bùng khát vọng, mở đường cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
TS. Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh: Với vai trò tập hợp, cầu nối cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN), trong thời gian qua VCCI đã chủ động, đổi mới sáng tạo trong các hoạt động của mình, đóng góp rất lớn vào sự thành công của các DN và sự trưởng thành của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, góp phần hình thành các trụ cột kinh tế.
- Việt Nam đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân “tỷ USD” trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế của đất nước, theo ông đâu là “điểm nghẽn”?
Phải thẳng thắn nhìn nhận khối DN tư nhân trong nước hiện nay chưa thực sự phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng. Số lượng DN tư nhân lớn chưa nhiều và các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, DN tư nhân quy mô nhỏ và vừa vẫn gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình phát triển. Dẫn tới, số lượng DN tư nhân trong nước từ quy mô nhỏ vươn lên quy mô vừa, từ quy mô vừa vươn lên quy mô lớn còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế của đất nước.
Nguyên nhân là: Việc xác định vai trò của DN tư nhân, nhất là DN tư nhân lớn trong chiến lược phát triển DN của quốc gia chưa tương xứng; Môi trường kinh doanh vẫn thiếu thuận lợi; DN gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và các nguồn lực khác, kèm theo các bất lợi về thuế, hải quan; Những thay đổi chính sách và pháp luật kinh doanh chồng chéo, thiếu bình đẳng, thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn với nhau, hình sự hóa quan hệ kinh tế; Việc ban hành chính sách giật cục, “trên mở dưới thắt” dẫn đến các DN thiếu an tâm khó nắm bắt và thích nghi…
Bên cạnh đó tầm nhìn của các DN việt còn hạn chế, không ít các DN chỉ tập trung vào các tài nguyên hữu hình như đất đai, khoáng sản… thiếu tầm nhìn đột phá, sáng tạo về các cơ hội mới trong cuộc CM 4.0.
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VCCI trong nhiệm kỳ 2021- 2026 là chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, vậy đâu là giải pháp để thực thi hiệu quả mục tiêu trên thưa ông?
Để hỗ trợ cộng đồng DN, doanh nhân tốt hơn, theo tôi VCCI nên có nhiều cuộc khảo sát về thực tiễn hoạt động của cộng đồng DN để nắm bắt và phản ánh nhiều chiều nhận thức, tâm tư nguyện vọng trong từng khu vực, từng ngành nghề, từng địa phương. Từ đó, hình thành và công bố nhiều hơn các báo cáo chuyên đề phản ánh thực trạng và đưa ra các giải pháp, kiến nghị đối với Đảng và Chính phủ.
VCCI mở rộng và tăng cường hơn nữa các bộ chỉ số việc chấm điểm, xếp hạng tín nhiệm, bình chọn của cộng đồng DN với các cơ quan bộ, ngành, địa phương để cải thiện, thúc đẩy sự liêm chính môi trường đầu tư, kinh doanh. Tăng cường hơn các hoạt động tham mưu, phản biện, thúc đẩy, giám sát chương trình cải cách thể chế và thủ tục hành chính của Chính phủ. Cần tiếp tục triển khai nghiên cứu độc lập và toàn diện để có bức tranh tổng thể hơn về chi phí không chính thức này.
VCCI cũng cần phát triển hệ thống các hiệp hội DN trong toàn quốc, để góp phần hỗ trợ và tạo liên kết cũng như nâng cao năng lực hoạt động của các hiệp hội DN. Mở rộng các chương trình, dự án về đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn cho DN, doanh nhân để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
- Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình này như thế nào thưa ông?
Tính đến nay, Việt Nam đang có khoảng gần 7 triệu doanh nhân, trên 870 nghìn DN. Khu vực này cũng đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo ra việc làm cho 14,7 triệu lao động, chiếm gần 28% lực lượng lao động của toàn xã hội.
Cộng đồng DN là trụ cột của nền kinh tế, chính vì vậy sự tham gia chủ động tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng DN sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!