Các chương trình của VCCI hỗ trợ, trong đó có các khoá đào tạo, tập huấn dành cho các hộ nông dân nuôi biển rất thiết thực và tạo tác động bền vững.
Trong năm 2022, VSA và VCCI đã phối hợp đào tạo cán bộ quản lý và kỹ thuật viên trại nuôi biển công nghiệp, tại Kiên Giang và Quảng Ninh về tập huấn nuôi biển công nghiệp, tổ chức sản xuất nuôi cá biển quy mô công nghiệp.
Tại chương trình này VCCI đã hỗ trợ cung cấp các chuyên gia cao cấp cùng VSA xây dựng những tài liệu đào tạo, tập huấn, liên kết với các doanh nghiệp đầu chuỗi như Australia, cũng như phối hợp với các trường đại học và cao đẳng, nghề ngành thủy sản để thiết kế đưa ra được chương trình đào tạo thiết thực nhất nhằm chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh đối với các hộ nông dân nuôi biển.
Tài liệu hướng dẫn tổ chức sản xuất nuôi cá biển quy mô công nghiệp được biên soạn rất công phu, chuyên sâu về kỹ thuật nuôi biển từ trước đến nay chưa có tại Việt Nam.
Tại các khóa tập huấn các chuyên gia đã hướng dẫn nuôi biển công nghiệp, làm lồng bè có ứng dụng công nghệ mới trên biển như thế nào, để làm sao giảm được chi phí, tăng năng xuất, giảm giá thành nhưng lại đáp ứng được tiêu chí cao về chất lượng của các nhà mua, các doanh nghiệp đầu chuỗi thu mua xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.
Một điểm đáng lưu ý là công nghệ mới giúp tăng độ bền của lồng nuôi lên tới 25-30 năm thay vì 5 – 10 năm như các lồng gỗ của nông dân đang sử dụng hiện tại, giảm lượng lớn rác thải trên biển sau khi các lồng nuôi này hết thời hạn sử dụng.
Về kỹ thuật, trên cùng một diện tích nuôi nếu áp dụng công nghệ nuôi mới thì sản lượng tăng lên rất nhiều, giảm chi phí, hạ giá thành giúp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Với gần 300.000 ha diện tích nuôi biển trên cả nước, VSA hy vọng thời gian tới VCCI cũng sẽ nghiên cứu để hỗ trợ truyền thông nhiều hơn để bà con nông dân biết, hiểu và áp dụng vào sản xuất từ chương trình này.
Theo Chủ tịch Hiệp hội VSA PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Việt Nam hiện mới đang hướng đến việc nuôi biển xa bờ với tiềm năng lớn, và Nhà nước cũng đã đề ra nhiều chính sách phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, để nghề nuôi biển đủ sức vươn xa thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến hải sản đầu tư xây dựng trại nuôi biển công nghiệp; mở rộng chuỗi giá trị theo hướng tạo nguồn nguyên liệu và hậu cần dịch vụ phục vụ nuôi biển công nghiệp.
Ðồng thời, các hộ nuôi cũng cần đẩy mạnh liên kết ngang với nhau, liên kết dọc với viện, trường, địa phương và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hướng đến sự phát triển hiện đại và bền vững.
Qua 60 năm hoạt động, các hội viên của VCCI trong đó có VSA đã có sự gắn kết và tạo ra sự tác động lan toả đến toàn xã hội. Hy vọng, VCCI tiếp tục là cầu nối với các tổ chức, chương trình, dự án quốc tế cho các hội viên của mình.