Trong năm 2024, VCCI miền Trung - Tây Nguyên xác định triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong khu vực với định hướng đồng hành, sẻ chia và liên kết.
>>Cải cách thể chế tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển
Theo báo cáo của VCCI chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng… Trong đó, với tình hình khó khăn của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng không thuận lợi đến hoạt động của Chi nhánh.
Dù vậy, Chi nhánh luôn chú trọng hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cũng như hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai sát với nhu cầu, mang lại nhiều lợi ích cho địa phương nơi tổ chức, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động trong bối cảnh còn nhiều khó khăn dẫn đến một số chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đề ra như chỉ tiêu thu hội phí, phát triển hội viên, một số chương trình đào tạo dài hạn dự kiến sử dụng nguồn thu từ doanh nghiệp không triển khai được.
Theo báo cáo của VCCI miền Trung – Tây Nguyên, hoạt động thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính đã thực hiện ký kết và triển khai 04 hợp đồng tư vấn DDCI cho 03 địa phương là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông đạt 100% kế hoạch năm (Đắk Nông triển khai 02 hợp đồng DDCI 2022 và 2023). Đồng thời, tổ chức 06 hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến PCI/ DDCI cho cán bộ 03 tỉnh Quảng Nam, Đắc Nông và Kon Tum.
VCCI miền Trung – Tây Nguyên cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức 04 hội thảo PCI cho các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Thừa Thiên Huế. Góp ý 25 dự thảo văn bản pháp luật theo đề nghị của các địa phương trong địa bàn phụ trách.
Song song, tổ chức 84 lớp đào tạo, hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao năng lực quản trị, chuyên môn nghiệp vụ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp (bằng 115% so với năm 2022, đạt 105% kế hoạch năm). Trực tiếp thực hiện và phối hợp với các Ban đầu mối thực hiện 09 khảo sát doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên cho hay đơn vị đã hỗ trợ tư vấn cho nhiều lượt doanh nghiệp khu vực các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực pháp lý, pháp luật lao động, thuế, hội nhập kinh tế quốc tế… thông qua hoạt động của Mạng lưới tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, Nhóm tư vấn về hội nhập, Mạng lưới tư vấn pháp luật lao động. Cùng với đó là đã cấp 11.200 bộ C/O, tham gia 5 cuộc khảo sát đánh giá thực trạng và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Quang cho biết, đơn vị đã phát triển 62 hội viên mới, bằng cùng kỳ năm ngoái, thu 1,04 tỷ hội phí và tổ chức gặp mặt các đơn vị đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả nhất định trong sản xuất kinh doanh và đóng góp tích cực cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường hoạt động kết nối, phối kết hợp với các Sở, ngành, hiệp hội/hội doanh nghiệp khu vực trong triển khai các chương trình đào tạo nâng cao năng lực, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
“Đơn vị cũng đã hỗ trợ tư vấn cho nhiều doanh nghiệp khu vực miền Trung Tây Nguyên về các quy định, cam kết trong các FTA như quy tắc xuất xứ, TBT, SPS..., hỗ trợ doanh nghiệp phân tích, khai thác dữ liệu các thị trường xuất khẩu tiềm năng, xác minh thông tin đối tác xuất khẩu thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước đặt tại Việt Nam... Đồng thời, thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới thông qua việc nghiên cứu, đổi mới, chi tiết các nội dung, chương trình phối hợp cụ thể.”, ông Nguyễn Tiến Quang cho hay.
Theo Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên, sau thời gian triển khai đấu thầu tại các địa phương thông qua phương thức ủy quyền đấu thầu thay mặt VCCI tại khu vực, trong quá trình đàm phán, các đối tác có tâm lý e ngại và băn khoăn về tính pháp lý của ủy quyền, nên tiến độ đàm phán, ký kết hợp đồng bị kéo dài hơn so với dự kiến. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng nhất định đến tiến độ khai các hoạt động có nguồn từ ngân sách địa phương.
Mặc dù, Chi nhánh nhận thức đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên kết vùng là thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và phù hợp với xu thế, xu hướng. Tuy nhiên, trong năm 2023, Chi nhánh chưa đẩy mạnh triển khai việc này vì tình hình kinh tế, doanh nghiệp tại khu vực gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn lực triển khai hoạt động này là nguồn từ xã hội hóa.
Vì vậy, năm 2024, Chi nhánh sẽ đẩy mạnh triển khai hoạt động liên kết vùng tập trung vào 2 vùng chính là vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Cùng với đó, tiếp tục triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của Mạng lưới tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, Nhóm tư vấn về hội nhập và Mạng lưới tư vấn pháp luật lao động.
Dự kiến trong năm 2024, VCCI miền Trung – Tây Nguyên sẽ cấp 10.000 bộ C/O. Cùng với đó là phát triển 70 hội viên mới (tăng 13% so với năm 2023), đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp lý, pháp luật lao động, tư vấn hội nhập qua đây vừa góp phần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, vừa góp phần phát triển hội viên.
“Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng chương trình, giải pháp phát triển, chăm sóc hội viên. Tiếp tục hoàn thiện dữ liệu hội viên để quản trị và đánh giá mức độ tương tác, cũng như mức độ hài lòng của hội viên đối với các hoạt động và dịch vụ Chi nhánh thực hiện, cung cấp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ hội viên, phát triển hội viên”, ông Quang cho hay.
Trong năm 2024, VCCI miền Trung - Tây Nguyên sẽ thăm và làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức hội nghị hội viên theo khu vực nhằm tăng cường kết nối, tìm hiểu, nắm bắt khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp nhận ý kiến góp ý, kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp;. Đồng thời, thăm và làm việc với 300 doanh nghiệp, tổ chức 02 hội nghị gặp mặt doanh nghiệp khu vực để tìm hiểu, nắm bắt những khó khăn vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
Đặc biệt, VCCI miền Trung – Tây Nguyên sẽ tăng cường liên kết hợp tác các Hiệp hội doanh nghiệp khu vực nhằm thúc đẩy liên kết Hiệp hội, doanh nghiệp góp phần cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy tốt vai trò là cơ quan đại diện, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương và các Hiệp hội sẽ là “cánh tay nối dài” của VCCI trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong đó, nghiên cứu chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết của các tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên, xây dựng, đề xuất các hoạt động với chính quyền các tỉnh. Tăng cường các hoạt động đào tạo với chủ đề Xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và tiếp tục đưa nội dung đào tạo về xây dựng văn hóa kinh doanh vào chương trình đào tạo Giám đốc điều hành.
Cũng trong năm 2024, VCCI miền Trung – Tây Nguyên sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp,... từ đó gợi mở cho doanh nghiệp các thị trường mới, kết nối với các đối tác mới để tận dụng các cơ hội. Đồng thời, nghiên cứu các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đặc biệt, hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ không chỉ hướng tới mục tiêu giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp thị trường nước ngoài mà có thể giúp kết nối các doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn để thực hiện xuất khẩu gián tiếp hoặc làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn này. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện hoạt động tư vấn hội nhập quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA thế hệ mới, cụ thể tư vấn về quy tắc xuất xứ, lộ trình cắt giảm thuế, các qui định về TBT, SPS, tìm kiếm mặt hàng, thị trường xuất khẩu tiềm năng,...
Có thể bạn quan tâm
VCCI luôn đồng hành và thúc đẩy kinh doanh tuân thủ pháp luật
14:09, 11/01/2024
VCCI khẳng định vị thế, tầm vóc mới
15:04, 09/01/2024
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Năm 2024 là cơ hội để VCCI đổi mới và lớn mạnh hơn
10:30, 05/01/2024
Đảng ủy VCCI tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024
17:25, 03/01/2024
VCCI Nghệ An: Đổi mới phương thức hoạt động trong công tác phục vụ doanh nghiệp
14:05, 27/12/2023