"Tự do", "bình đẳng", "riêng tư", "thịnh vượng"...được xem là một trong những thành tố làm nên "giá trị Mỹ". Bây giờ, điều đó đang bị hao mòn nghiêm trọng.
Có hàng chục cuốn sách viết về nước Mỹ, đa phần đều thuộc hạng “best seller”. Bạn có thể chiêm ngưỡng sự thú vị kiểu Mỹ trong “Có một nước Mỹ rất khác”, hoặc chân dung những người đàn ông quyền lực trong “44 đời Tổng thống Mỹ”...
Nhưng cuốn sách “Đại gia Gatsby” của Scott Fitzgerald sẽ cho chúng ta thấy được những ám ảnh thường trực về địa vị, danh vọng hào nhoáng. Song, đồng thời là nỗi âu lo trước thói sùng bái vật chất vô độ và sự thiếu vắng đạo đức đang ngày một lên ngôi.
Là lời cảnh tỉnh để đời của Scott Fitzgerald về cái gọi là “giá trị Mỹ”, “Đại gia Gatsby” không chỉ là một tượng đài văn học, một cánh cửa cần mở ra cho những ai quan tâm tới văn học và lịch sử tinh thần nước Mỹ thời hiện đại. Mà còn là nan đề không thể giải quyết của mấy chục đời Tổng thống.
Bản thân “giá trị Mỹ” không có lỗi, bởi những “tự do”, “độc lập”, “bình đẳng”, “hiệu quả”, “cạnh tranh”, “riêng tư”..., là những giá trị phổ quát được nhân loại sủng ái.
Nhưng vấn đề ở chỗ, “giá trị Mỹ” luôn bị kinh tế, chính trị và địa vị của Mỹ chi phối thông qua chính sách đối nội và đối ngoại. Tính giai cấp của kinh tế và chính trị đã làm méo mó các giá trị cốt lõi làm nên danh giá nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ 45 là một tỷ phú bất động sản, ông khoác tấm áo chính trị gia bên ngoài thân thế một nhà buôn cự phách. Và như thế, nước Mỹ lao đầu vào các cuộc tranh giành mang màu sắc kinh tế, trong khi đó “giá trị Mỹ” 300 năm nay đều xuất phát từ lĩnh vực nhân văn.
Trước Trump, đã có hàng chục đời Tổng thống Mỹ sử dụng vũ lực khắp nơi trên toàn cầu. Điều này không bao giờ là “giá trị Mỹ” mà chính là để thực hiện tham vọng bá chủ.
Không nơi nào hấp dẫn bằng ở Mỹ, cũng chẳng có dân tộc nào khát khao thịnh vượng, tự do lớn hơn hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhưng cũng không có dân tộc nào nhiều kẻ thù như Mỹ. Rút cuộc, “giá trị Mỹ” tồn tại vì điều gì?
Tôi không cho rằng, hình ảnh bà Chủ tịch Hạ viện Pelosi xé nát bản thông điệp Liên bang sau lưng ngài Tổng thống trong buổi lễ được cả thế giới theo dõi là biểu hiện của “tự do”. Không phải cứ nhìn xuống đường là thấy “dân chủ”.
Càng không cho rằng, cuộc đấu buộc tội, tranh ghế trường kỳ giữa lưỡng đảng, lưỡng viện Quốc hội là điều gì đó cho thấy nước Mỹ “thật thoải mái”. Đúng hơn, đó là một biểu hiện cụ thể cho sự hỗn loạn của nước Mỹ!
Năm 2019, ở Mỹ xảy ra 41 vụ xả súng vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu xuất phát từ bức bí cá nhân, làm 211 người chết. Lạ lùng thay, không một vụ biểu tình phản đối nào xảy ra!
Nhưng cái chết của người đàn ông da đen mang tên George Floyd ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota làm dấy lên cuộc biểu tình, bạo loạn, hôi của phức tạp bậc nhất trong lịch sử xứ cờ hoa. Vì sao?
Đã một tháng trôi qua kể từ khi cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra sau cái chết của Floyd, hàng nghìn người vẫn tập trung tuần hành đòi bình đẳng sắc tộc tại hơn 150 thành phố ở Mỹ. Vì sao? Và, vì sao lại là người da màu?
Còn nhớ năm 2009, khi ông Obama, một người da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ trở thành Tổng thống, tất cả đều hy vọng “thời đại của người da màu đã đến và kỷ nguyên của chủ nghĩa Apacthai chính thức kết thúc”.
Nhưng không phải, người da màu tuy là mảnh ghép không thể thiếu cho sự thịnh vượng ở Mỹ, song số phận của họ thỉnh thoảng được “sử dụng” trong những thời khắc quyết liệt nhất trên chính trường Mỹ.
“Khi hôi của bắt đầu, tiếng súng sẽ vang lên”, Tổng thống Trump cảnh báo với người biểu tình như thế. Bỏ qua các nguyên tắc dân chủ để thiết lập trật tự xã hội là cách làm không hề hiếm. Ông Duterte và công cuộc chống ma túy là điển hình.
“Nhưng cách thức này có hợp với Trump hay không? Bởi Mỹ là một câu chuyện khác” - Steven Levitsky, nhà khoa học chính trị tại Đại học Harvard đặt câu hỏi và gợi mở câu trả lời như vậy.
“Nước Mỹ trên hết” là slogan ăn khách bậc nhất đưa tỷ phú Trump vào Nhà trắng. Khi xuất phát điểm bằng chính sách mạnh mẽ thì ngài Tổng thống không thể trưng ra hình ảnh “yếu đuối”; Là Tổng thống Mỹ, bạn luôn là nhân vật đầu tiên trong danh sách những người đàn ông quyền lực nhất hành tinh do tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn....
Tất cả điều đó cuốn lấy Mỹ. Quăng quật họ vào những cuộc đấu đá bên trong, giành giật bên ngoài không bao giờ kết thúc. Phải chăng, đấy mới thực sự là “giá trị Mỹ” đương đại?
Còn tiếp...
Có thể bạn quan tâm
18:30, 01/06/2020
11:20, 01/06/2020
07:00, 04/03/2020
06:00, 06/02/2020
06:00, 16/09/2019
04:30, 08/11/2018