“Vén màn” xung đột thương mại Mỹ - Trung

HÀN DIỆU MY 13/04/2018 11:35

Với khẩu khí mạnh mẽ như hiện tại và thái độ "ăn miếng trả miếng" của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, nguy cơ cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 quốc gia ngày càng lớn. Tuy nhiên, thương mại chỉ là nguyên cớ và chẳng bên nào chịu thua cuộc.

Sau khi ông Trump đe dọa áp thuế bổ sung trị giá 100 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, và Trung Quốc tuyên bố đáp trả sẽ “chơi đến cùng”, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt lao dốc, trong đó chỉ số Dow Jones giảm tới 2,3%.

p/Ông Trump cho biết, ông và ông Tập Cận Bình sẽ luôn là những người bạn, bất chấp những bất đồng thương mại hiện nay giữa 2 quốc gia.br class=

Ông Trump cho biết, ông và ông Tập Cận Bình sẽ luôn là những người bạn, bất chấp những bất đồng thương mại hiện nay giữa 2 quốc gia.

Tổn hại của Trung Quốc

Lò nướng bánh, tivi màu độ phân giải cao, máy ép hoa quả, máy phóng tên lửa,... đều nằm trong danh sách khoảng 1.300 sản phẩm Trung Quốc mà Mỹ đang cân nhắc đánh thuế 25%. Ngoài ra, nhiều mặt hàng trong danh sách này thuộc các ngành công nghiệp như hàng không vũ trụ và kỹ thuật - lĩnh vực đổi mới mà Trung Quốc muốn trở thành số một thế giới trong thập kỷ tới.

Hoa Kỳ đã mua gần 75 tỷ USD máy móc và máy tính của Trung Quốc trong năm 2017. Con số này dự kiến sẽ tăng lên gần 80 tỷ USD vào năm 2018 và 2019. Đây là những mặt hàng chiếm phần lớn nhất hàng của Trung Quốc được nhập khẩu vào Mỹ nằm trong danh sách bị đánh thuế. Ông Tony Nash, nhà nghiên cứu của Complete Intelligence, nói: "Điều then chốt là mức thuế nhắm đến nhiều mặt hàng giá trị gia tăng đang được Trung Quốc giao dịch”.

Tâm điểm của "trận đánh" này là Hoa Kỳ cảm thấy không công bằng, và cho rằng chính công nghệ của Mỹ đã tạo cho Trung Quốc một lợi thế không công bằng trong cuộc chơi đổi mới toàn cầu. Nhưng thực tế là Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua mà không cần sự cho phép của Mỹ.

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 công bố năm 2016, Trung Quốc tuyên bố tầm nhìn của nước này trở thành một "quốc gia của những sáng chế" vào năm 2020, một "quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sáng chế quốc tế" năm 2030, và một "siêu cường thế giới về khoa học và sáng chế công nghệ năm 2050". Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn cho nghiên cứu và phát triển, và đang đăng ký cấp hàng ngàn bằng sáng chế.

Những động thái mới từ Mỹ

Trong dòng trạng thái đăng ngày 8/4/2018 trên Twitter, ông Trump viết: "Trung Quốc sẽ gỡ bỏ hàng rào thuế quan thương mại của nước này bởi đây là điều đúng cần làm. Chính sách thuế sẽ có qua có lại và sẽ có thỏa thuận về sở hữu trí tuệ. Tương lai tươi sáng cho cả hai nước". Đây vẫn là cách nói ngắn gọn như mọi khi và vẫn theo kiểu đi cụ thể vào nội dung đang được mọi người chú ý. Nếu như trong mấy ngày qua, cả hai bên chỉ công khai đe dọa thực thi/đáp trả qua lại về chính sách thuế thì nay ông Trump lại công khai luôn cả về quyền sở hữu trí tuệ vốn là một trong những nguyên nhân chính yếu và sâu xa nhất gây ra căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Theo Reuters, nhà lãnh đạo Mỹ nhận định rằng đây sẽ là cái kết tốt đẹp vì tương lai của cả hai nước. Ông Trump cũng nói ông và ông Tập Cận Bình sẽ luôn là những người bạn, bất chấp những gì xảy ra liên quan tới bất đồng của hai bên về thương mại.

Có thể thấy cách thức "đàm phán" của ông Trump và đội ngũ của ông trong thương mại khá giống nhau: tung ra biện pháp thực thi, khẳng định tính quyết tâm, rồi kêu gọi đàm phán riêng mà chắc chắn nhằm đem lại lợi ích nhiều hơn cho Mỹ so với những thỏa thuận đã có trước đó.

Ông Larry Kudlow, cố vấn Kinh tế của ông Trump, cho rằng hai nước không phải đang ở trong một cuộc chiến thương mại nhưng có căng thẳng và chuyện này có thể được giải quyết trong 3 tháng.
Ảnh hưởng đến Việt Nam

Mỹ luôn là thị trường hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp Việt và cơ cấu sản phẩm vẫn tập trung ở các mặt hàng nông nghiệp giống như Trung Quốc. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ- Trung xảy ra, nhiều khả năng nhu cầu các mặt hàng nông nghiệp ở Mỹ sẽ tăng cao và đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam nhảy vào chiếm lĩnh thị phần.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro đến từ Trung Quốc hơn so với Mỹ. Bởi, lượng hàng dư thừa của Trung Quốc sẽ dễ dàng chuyển hướng sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, xung đột thương mại do Mỹ phát động nhằm vào ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chủ yếu do các sản phẩm công nghiệp. Do vậy, sản phẩm công nghiệp Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam.

Tóm lại, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung sẽ mang lại nhiều tác động tiêu cực hơn không chỉ cho Việt Nam mà còn cả nền kinh tế toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Vén màn” xung đột thương mại Mỹ - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO