VEPR cho rằng gói cứu trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết, bởi khi gói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả thì việc đưa ra gói cứu trợ lần hai chỉ mang tính dân túy.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tính từ đầu năm tới hết tháng 9/2020, Ngân hàng nhà nước đã ba lần hạ các công cụ lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ VND vẫn đang được các ngân hàng thương mại triển khai.
Về chính sách tài khóa, từ đầu năm cho tới nay, bên cạnh gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ VND hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn vì dịch COVID-19, các biện pháp hỗ trợ về mặt pháp lý cũng được ban hành để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và kinh doanh như gia hạn nợ, giảm lãi vay, không phân loại lại nhóm nợ, giảm phí, cụ thể, giảm 30% thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Đồng thời kéo dài thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, đồng thời giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Quốc hội đã quyết nghị chuyển đổi phương thức đầu tư của 3 dự án thành phần trong dự án đường cao tốc Bắc-Nam, từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước.
Với công tác an sinh xã hội, vào tháng Tám, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất gói hỗ trợ lần hai ước tính trị giá 15.000 tỷ VND cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn; đề xuất gói hỗ trợ 3,6 nghìn tỷ VND trợ cấp trực tiếp cho các cá nhân đến hết năm 2020, đồng thời kiến nghị xem xét giảm lãi suất với các khoản vay từ ngân hàng chính sách xã hội.
Cuối tháng 9, Bộ kiến nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng gói 62 nghìn tỷ VND, hỗ trợ người lao động trong ngành giáo dục và hỗ trợ chi phí chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.
Sau nhiều tháng triển khai, các chính sách này đã bước đầu cho thấy ảnh hưởng. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang cho thấy nhiều bất cập trong việc thực thi, khi doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn, như lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại nợ,…
“Với các thủ tục nói trên, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm cần hỗ trợ nhất, có thể lại là nhóm khó tiếp cận chính sách nhất”, báo cáo của VEPR nêu rõ.
Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho đến giữa tháng 9, chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói 250.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng này là có sự đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai, khiến tiến độ hỗ trợ bị chậm trễ. Chính sách hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp cũng kém hiệu quả do thủ tục phức tạp và các điều kiện ngặt nghèo.
Cụ thể, theo nghị quyết 42, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì mới được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.
Điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho người lao động cũng không hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp, khi mà để được vay ngân hàng chính sách với lãi suất 0%, doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên; doanh nghiệp phải trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01/04/2020 đến hết ngày 30/06/2020.
“Việc thiết kế chính sách như vậy không giúp giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp, và không khuyến khích doanh nghiệp duy trì việc làm. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động cũng chưa cho thấy hiệu quả trong thực tế”, VEPR nêu rõ.
Theo đó, tính đến giữa tháng 08/2020, chỉ hơn 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng lao động nhận được hỗ trợ, với tốc độ giải ngân chỉ đạt hơn 17.000 tỷ đồng (chiếm 19%). Trong đó, nhóm được hỗ trợ đa phần là nhóm lao động thuộc khối bảo trợ, lao động là người có công, hộ nghèo.
Trong khi đó, lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được với hỗ trợ này. Việc thực thi các chính sách hỗ trợ trực tiếp gặp rào cản lớn do chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý thông tin về người được hưởng hỗ trợ, dẫn đến việc thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ được thiết kế quá phức tạp, gây bất tiện cho người dân.
Đặc biệt, VEPR khuyến nghị, do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.
Thêm vào đó, việc phòng chống dịch COVID19 và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách. “Ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động”, VEPR nhấn mạnh.
Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc khoanh/ngưng, miễn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp như lãi vay, tiền thuê đất cần tiếp tục được triển khai, bên cạnh đó, cần rà soát để cắt giảm mọi gánh nặng có thể cho doanh nghiệp.
Trong các phương án có thể, thì cần ưu tiên cắt giảm kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, nên khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành.
Trong trường hợp có các ý tưởng chính sách để hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cụ thể, thì các chính sách này cần đi theo hướng kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ của hãng, thay vì tài trợ trực tiếp cho hãng.
“Chúng tôi cho rằng việc giãn/giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế TNDN, vì giảm thuế TNDN chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn”, VEPR đề xuất. Bởi từ đó, việc giảm thuế TNDN còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
VEPR lưu ý, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là khả năng giải ngân các gói cứu trợ xã hội, do mạng lưới thực thi kém hiệu quả và thủ tục hành chính phức tạp, khó tiếp cận. Việc thiết kế lại kế hoạch thực thi chính sách là vô cùng cần thiết để các gói cứu trợ thực sự có hiệu quả.
“Chúng tôi cho rằng gói cứu trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết, bởi khi gói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả thì việc đưa ra gói cứu trợ lần hai chỉ mang tính dân túy, đồng thời nhiều khả năng chỉ gây thêm gánh nặng cho ngân sách thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế và xã hội”, VEPR đề xuất.
Trên phương diện sản xuất, cả khi bệnh dịch trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn lâu dài một khi bệnh dịch còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế – tài chính quan trọng trên thế giới. Do vậy, VEPR cho rằng, đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí vốn thực hiện trong các tháng còn lại của năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc.
Đồng thời, cắt giảm ngân sách thường xuyên (tiêu dùng) tối thiểu 10% nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra. Chính sách tiền tệ, cụ thể là công cụ lãi suất trong thời điểm hiện nay sẽ ít hiệu quả. Khi dịch bệnh còn tồn tại thì nhu cầu cho một số ngành đặc thù sẽ biến mất, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm vào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ, vì chính sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về lạm phát và tỷ giá.
Gần đây, việc Mỹ chính thức điều tra Việt Nam thao túng tỷ giá cũng yêu cầu NHNN cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Với các diễn biến địa chính trị phức tạp đang xảy ra trong khu vực, cần thận trọng với khả năng các cáo buộc thao túng tiền tệ (và kèm theo đó có thể là các đòn trừng phạt thương mại) của Mỹ gây ảnh hưởng đến các quyết định mang tính chiến lược khác của quốc gia. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.
Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn. Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì.
“Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu COVID– 19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này, trong những năm tới”, VEPR khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
16:00, 20/10/2020
14:03, 15/10/2020
11:00, 15/09/2020
05:00, 28/08/2020