Lên sàn niêm yết với nhiều kỳ vọng, nhưng không ít doanh nghiệp vì kinh doanh thua lỗ, có vấn đề về tài chính nên phải rời sàn, để lại "trái đắng" cho cổ đông và sự mất mát niềm tin của NĐT đại chúng.
5 tháng, 18 cổ phiếu rời sàn
Tuần cuối tháng 5/2019, Sở GDCK Hà Nội (HNX) ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với 30 triệu cổ phiếu PVV của CTCP Vinaconex 39 do bị lỗ 3 năm liên tiếp 2016, 2017 và 2018 lần lượt là 41 tỷ đồng, 34,3 tỷ đồng và gần 51 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 là hơn 251 tỷ đồng.
Một ngày trước đó (23/5) là ngày chính thức hủy niêm yết 150 triệu cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư cao su Quảng Nam trên HOSE cũng do lỗ 3 năm liên tục từ 2016 đến 2018. Theo VHG, việc Công ty liên tục chịu lỗ những năm qua là do tác động của quá trình tái cấu trúc. Tính đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế của VHG là hơn 1.276 tỷ đồng.
Cổ phiếu SDP của CTCP SDP buộc phải hủy niêm yết trên HNX (từ 21/2) do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2017 về một loạt vấn đề như hàng tồn kho, công nợ, tiền thuê và sử dụng đất... Tương tự, cổ phiếu DCS của CTCP Tập đoàn Đại Châu bị hủy niêm yết (từ 24/5) do đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2018 liên quan tới các khoản phải thu, trích lập dự phòng...
Có thể bạn quan tâm
05:01, 13/12/2018
22:28, 15/09/2018
06:30, 14/09/2018
04:09, 21/08/2018
04:28, 26/06/2018
Là doanh nghiệp niêm yết, việc công bố thông tin định kỳ về hoạt động kinh doanh, hoạt động giao dịch cổ phiếu... là bắt buộc, nhưng nhiều doanh nghiệp vì không tuân thủ quy định này nên phải rời sàn. Đơn cử, CTCP CMISTONE Việt Nam (mã CMI) đã phải rời sàn HNX từ ngày 6/6 do chậm nộp báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp 2016, 2017 và 2018.
Tại CTCP Hàng tiêu dùng ASA (mã ASA), tính đến 12/4/2019, ASA vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2018, báo cáo tài chính quý III/2018, báo cáo tài chính quý IV/2018 và báo cáo tài chính năm 2018. Đây là lý do khiến HNX phải đưa cổ phiếu ASA vào diện tạm ngừng giao dịch từ tháng 9/2018, trước khi ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu này.
Với CTCP Xi măng Sài Sơn (SCJ), sau khi xem xét hồ sơ thay đổi đăng ký niêm yết của SCJ đối với 18,323 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ để hoán đổi công nợ theo Nghị quyết Đại hội cổ đông bất thường 2018, HNX nhận thấy cổ phiếu SCJ thuộc diện bị huỷ niêm yết bắt buộc.
Cụ thể, sau phát hành, vốn điều lệ của SJC đã tăng từ 195,16 tỷ đồng lên 378,39 tỷ đồng, tức là phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng trên 50% vốn điều lệ thực góp so với trước khi phát hành, nằm trong diện bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Nghị định 60/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012 về hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán...
Trong trường hợp khác, CTCP Công nghệ mạng và truyền thông (mã CMT) tự nguyện hủy niêm yết 8 triệu cổ phiếu trên HOSE để chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM nhằm mục đích tập trung tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhưng bản chất vấn đề nằm ở 3 nguyên nhân: Doanh nghiệp thua lỗ quá nặng; báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vấn đề và/hoặc doanh nghiệp không minh bạch thông tin. Theo thống kê của HNX, trong 5 tháng qua, có 14 doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc, trong đó riêng tháng 5 có tới 7 doanh nghiệp phải rời sàn. Trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE), con số buộc phải hủy niêm yết là 4 doanh nghiệp.
Trong tháng 6 này, sẽ có thêm một số cổ phiếu phải rời sàn HNX như cổ phiếu ASA của CTCP Hàng tiêu dùng ASA (từ 13/6), ALV của CTCP Đầu tư và phát triển hạ tầng ALV (từ 14/6) do chậm công bố báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp; KHB của CTCP Khoáng sản Hòa Bình (từ 18/6), LTC của CTCP Điện nhẹ viễn thông (từ 27/6) do đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2017, 2018...
Trên sàn HOSE, nhiều doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Chẳng hạn, tại CTCP Đầu tư và xây dựng bưu điện (mã PTC), mặc dù đã giảm lỗ trong năm 2018 và đã có lãi trong quý I/2019, nhưng rủi ro hủy niêm yết vẫn đang "treo lơ lửng" do PTC có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2017 là âm 14,13 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2018 là âm 52,25 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2018 là âm 66,18 tỷ đồng, đồng thời có ý kiến kiểm toán ngoại trừ và nhấn mạnh.
Với CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (mã AGF), Công ty đã phát sinh khoản lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp và lỗ lũy kế trong 2 năm liên tiếp, gồm năm tài chính 1/10/2016 - 30/9/2017 và 1/10/2017 - 30/9/2018.
Tại một doanh nghiệp thủy sản khác là CTCP Thủy sản Mekong (mã AAM), rủi ro hủy niêm yết liên quan đến việc vốn điều lệ giảm xuống dưới mức 120 tỷ đồng (vì hủy bỏ hơn 2,7 triệu cổ phiếu quỹ) - không đảm bảo mức vốn điều lệ đối với doanh nghiệp niêm yết trên HOSE. Để khắc phục tình trạng này, AAM đã phát hành phát hành hơn 2,41 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Hiện cổ phiếu AAM vẫn đang nằm trong diện kiểm soát của HOSE.
"Trái đắng" khó nuốt trôi
Trong xu hướng phát triển chung của thị trường, sự đào thải là điều tất yếu để loại ra những cổ phiếu kém chất lượng. Dù vậy, đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi doanh nghiệp bị hủy niêm yết vẫn là các cổ đông và nhà đầu tư đại chúng.
Thực tế cho thấy, những vấn đề liên quan đến thị giá cổ phiếu, cổ tức... luôn là điều khiến các cổ đông phải lo lắng sau khi cổ phiếu rời sàn, bởi hầu hết trong số này đều rơi vào tình trạng bế tắc do thị giá tụt dốc không phanh, thanh khoản èo uột.
Đơn cử, thị giá cổ phiếu CMI hiện chỉ còn 600 đồng/cổ phiếu trong khi chào sàn với giá 47.300 đồng/cổ phiếu. Niềm vui ngày chào sàn khác hẳn hiện trạng giao dịch hiện nay: thanh khoản gần như "bất động", mỗi phiên chỉ được giao dịch trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) do nằm trong diện bị kiểm soát.
Vấn đề của CMI trong những năm qua là thiếu vốn hoạt động, vay nợ nhiều dẫn đến chi phí tài chính lớn. Tính đến 31/9/2018, tổng nợ của CMI lên tới hơn 331 tỷ đồng (trong đó nợ ngắn hạn 212 tỷ đồng), vượt quá tổng tài sản là 251 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 80 tỷ đồng.
Các cổ phiếu VHG, PPI, PVV, SDP, DLR... cũng trong tình trạng tương tự khi thị giá giảm về mức 500 - 1.500 đồng/cổ phiếu, hoạt động giao dịch ảm đạm, trong đó SDP và DLR nhiều phiên liên tiếp không có cổ phiếu nào được khớp lệnh.
Một số cổ phiếu có hiện tượng “lóe sáng” trước khi hủy niêm yết. Chẳng hạn, cổ phiếu VHG đã tăng trần 24 phiên liên tục (từ 18/3 - 25/4/2019) giúp thị giá tăng tới 341% chỉ trong hơn 1 tháng, thanh khoản cũng tăng vọt, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 1 triệu đơn vị/phiên, thậm chí có phiên khớp tới gần 5 triệu đơn vị.
Không tăng "khủng" như VHG, song các mã PPI, PVV, DCS... cũng liên tục biến động với nhiều phiên tăng trần, giảm sàn liên tiếp, đi kèm với đó là mức thanh khoản cao hàng trăm nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.
Việc thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp đối diện với án hủy niêm yết bắt buộc do kinh doanh thua lỗ vẫn tăng “phi mã” như VHG, PPI, PVV... đi cùng với những đồn đoán về câu chuyện thâu tóm, đổi chủ, tái cấu trúc… Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, đây là “chiêu trò” cuối cùng của người tạo dựng cuộc chơi niêm yết trước khi doanh nghiệp tắt lịm trên sàn chứng khoán cũng như trên thương trường.
Theo quy định hiện hành, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu có thanh khoản hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng “sống dậy” của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp đã rỗng về tài chính và khả năng hoạt động, tức là tồn tại chỉ còn cái tên thì đưa lên sàn UPCoM chẳng khác gì chất thêm rác vào sàn này.
Ngoài lý do chủ quan từ doanh nghiệp, dư luận cũng đặt câu hỏi, phải chăng chất lượng thẩm định niêm yết khi doanh nghiệp nộp hồ sơ lên Sở chưa đủ tốt, nên mới dẫn đến hệ quả là hiện tượng hủy niêm yết ngày càng nhiều như hiện nay?