LTS: Nếu có một dân tộc nào khát khao và xứng đáng ở vị trí đặc sắc trong con mắt của thế giới thì đó nên là Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp xin giới thiệu quan điểm của bà Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minhchâu Âu và tại Bỉ; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam).
Nền kinh tế Việt Nam đang cần rất nhiều doanh nghiệp tư nhân có tham vọng lớn lên, sẵn sàng đón nhận các cơ hội để thực hiện khát vọng hùng cường của dân tộc.
Nuôi dưỡng khát vọng dân tộc
Mọi thành quả đều phải có quá trình, có logic của nó, logic của thế và lực. Với Việt Nam, lực của đất nước đã được tích luỹ qua đổi mới kinh tế, phát triển xã hội. Còn thế chính là quá trình hội nhập mấy chục năm qua. Nếu chỉ là một trong hai thì sẽ không thể tạo ra một Việt Nam như ngày hôm nay.
Và chúng ta đã đạt được những gì? Thứ nhất, Việt Nam là đối tác, thành viên đáng tin cậy. Thứ hai, Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia có thể dự đoán được. Tức thế giới không quá khó để giải mã Việt Nam.
Tôi nghĩ là may mà dân tộc ta nói chung đa số có khát vọng. Sợ nhất là sự thờ ơ, cứ bình bình, sao cũng được miễn là ngày mai vẫn có cái ăn. Nếu không có bất cứ khát vọng, tham vọng gì thì đó mới là thảm hoạ của dân tộc. Còn có thì phải nói là điều đáng mừng.
Nhưng phải lưu ý rằng khi khát vọng đó không được đáp ứng từng bước ở một mức độ nhất định, nó sẽ trở thành sự thất vọng, chán nản.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 13/01/2020
05:00, 06/01/2020
05:00, 04/01/2020
11:00, 03/01/2020
06:32, 03/01/2020
05:20, 02/01/2020
06:05, 27/12/2019
05:00, 15/12/2019
13:29, 10/12/2019
Vậy ở đây phải đặt ra câu hỏi về vai trò của những người lãnh đạo. Họ phải biết hun đúc, nuôi dưỡng khát vọng dân tộc bằng những đường lối, chính sách để tạo điều kiện cho mọi người. Để người dân đem khao khát đó cùng với năng lực, nỗ lực đưa còn thuyền đất nước tiến lên.
Thành thử bài toán là gì? Một là liệu lãnh đạo đã có chính sách phù hợp hay chưa. Hai là họ đã là đội dẫn đầu, gương mẫu và tạo cảm hứng tối đa chưa? Chính sách mà “lạnh lùng”, kể cả tốt đi nữa cũng không được vì luôn phải có nhân tố con người. Đất nước cần những lãnh đạo tạo được sự tin tưởng, hứng khởi đó mới được.
Việt Nam đang trở thành nhân tố dẫn đầu ở ASEAN. Nhìn lại khối này, có thời kỳ Indonesia phất ngọn cờ của ASEAN, có thời là Thái Lan, rồi thì Malaysia trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Mahathir và giờ đây các cường quốc khu vực đều đang hướng tới Việt Nam, để Việt Nam đóng vai trò trụ cột trong ASEAN.
Và khát vọng thời đại
Tại Quỹ Hoà bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh mà tôi là Chủ tịch, tôi có đưa ra một số giá trị cốt lõi, chỉ mấy chữ thôi. Đầu tiên là bản sắc và nhân văn – bản sắc là của người Việt, nhân văn là thuộc về nhân loại.
Thứ nhất phải có khát vọng. Khát vọng đó nên là sự kết hợp giữa khao khát cho cuộc sống bản thân, cho gia đình với cái rộng lớn của đất nước. Bài toán đặt ra là sự kết hợp của hai yếu tố đó chứ không ai đòi hỏi phải hi sinh khát vọng cá nhân cho cái chung.
Nhưng nếu đa số doanh nhân chỉ chăm chăm làm giàu cho cá nhân, cho gia đình thì điều đó không đủ để làm nên một đất nước hùng cường như chúng ta mong muốn.
Thứ hai là phải giỏi, phải rất chuyên nghiệp. Bạn là thợ đóng giày, người bán hàng, hay nhà khoa học không quan trọng, quan trọng là phải giỏi, phải lành nghề. Làm gì cũng được, đã không làm thì thôi, làm phải giỏi.
Thứ ba, tôi nghĩ đã là thanh niên của đất Việt, một nước châu Á với truyền thống lâu đời, có một số giá trị truyền thống tốt đẹp thì nên trân trọng, gìn giữ, phát huy và sáng tạo trên nền tảng đó. Như tôi nói lúc nãy, không thể vì sáng tạo mà phá di sản. Bài toán cho thanh niên là như thế. Các bạn cũng phải luôn trả lời được câu hỏi “Tôi là ai” và ngược lại, phải tự hào nói được “Tôi là người Việt Nam”.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập nêu rõ dân tộc Việt cần độc lập – tự do – hạnh phúc thì đó chính là định hướng lâu dài. Trên thế giới chưa nước nào đưa vào phương châm định hướng của quốc gia dân tộc là có hạnh phúc. Độc lập, tự do thì có, nhưng hạnh phúc thì tôi chưa thấy. Mà điều này Bác nói từ những năm cuối thập niên 40. Đến mãi gần đây, thế giới mới xét đến chỉ số hạnh phúc với nhiều chiều kích, nhân tố cấu thành.
Nên tôi nghĩ cứ đúng 3 vế này thì chúng ta đi đúng đường. Độc lập thì chúng ta đang bảo vệ, tự do thì đang phải tiếp tục phát triển, và hạnh phúc thì cũng đang bước đầu khám phá những phức hợp của nó.
Làm thế nào để Việt Nam không chỉ là hùng cường, vì hùng cường chỉ là một vế, phải làm cho mọi người dân được sung túc mới đầy đủ hơn. Một quốc gia dù hùng cường nhưng bên trong người dân còn bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo lớn thì đó là hùng cường không bền vững.
Dấu ấn Việt Nam trong chiến tranh cả thế giới đã biết, nhưng nếu dừng lại ở đó thì sẽ không hay. Tôi muốn thế giới biết đến dấu ấn Việt Nam thời bình và trong phát triển!