Những kiến nghị của Bộ Công an gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương “không phát triển thêm dự án condotel, không hợp thức các loại hình này thành nhà ở”.
Điều này thể hiện sự lo ngại về tính pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Theo đó, Bộ Công an đã đưa ra những bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort) và văn phòng kết hợp lưu trú (officetel).
Theo số liệu của Bộ Công an, hiện nay cả nước đang có khoảng 82.902 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch, 12.617 phòng khách sạn, 15.663 căn shophouse tập trung tại một số tỉnh thành, trong đó tập trung chủ yếu là Hà Nội, TP.HCM...
Việc hoạt động đầu tư, kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng các loại hình bất động sản trên diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp, nhưng quy định pháp luật liên quan chưa đầy đủ, tồn tại nhiều bất cập gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước, rủi ro cho người mua, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh trật tự…
Cũng theo Bộ Công an, những Quyết đinh, Thông tư và hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng hay Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian gần đây về các mô hình condotel, resort, officetel… đều chưa đủ tính pháp lí để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, khách hàng.
Mặc dù, hiện các bộ cho rằng đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để quản lý condotel, resort, officetel. Do đó, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, quy định rõ tên gọi, hình thức quản lý, điều kiện kinh doanh, mua bán, cho thuê condotel, officetel, tourist villa.
Luật Kinh doanh BĐS đã quy định, các điều kiện bán BĐS hình thành trong tương lai, nhưng hiện nay, chưa có quy định về các điều kiện huy động vốn, bán căn hộ condotel hình thành trong tương lai.
Nhận xét về kiến nghị của Bộ Công an, ông Nguyễn Hữu Vinh – Giám đốc Cty TNHH Nhật Quang cho rằng: Việc Bộ Công an lo ngại về những bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến căn hộ condotel, biệt thự du lịch và văn phòng kết hợp lưu trú, là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, trên thực tế, khi chưa có cơ sở pháp lí đầy đủ mà đã đưa condotel hay biệt thự du lịch… ra thị trường thì rủi ro đầu tiên khách hàng sẽ gánh chịu.
Lấy ví dụ về, dự án The Arena Cam Ranh tại tỉnh Khánh Hòa xây chui suốt 2 năm, và đã mở bán cho nhiều khách hàng. Việc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định đình chỉ xây dựng dự án The Arena Cam Ranh vì xây dựng dự án không có giấy phép đã đẩy hàng nghìn khách hàng hững chịu hậu quả.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định: Ngay từ những năm đầu xuất hiện loại hình Codontel, HoREA đã liên tục cảnh báo về việc có “lỗ hổng” pháp luật và thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh loại hình căn hộ condotel.
Vì vậy vừa qua, HoREA đã có Văn bản số 14/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ VH-TT&DL. Theo đó, HoREA đề nghị Bộ TN&MT bổ sung Văn bản số 703 để hướng dẫn cấp “sổ đỏ” cho nhà phố du lịch trong khu du lịch nghỉ dưỡng.
HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng hoàn thiện “quy chuẩn xây dựng nhà chung cư” xác định khái niệm “căn hộ du lịch (condotel)”, thay thế khái niệm “căn hộ lưu trú (condotel)” và giải thích khái niệm “căn hộ du lịch (condotel)”...
Đặc biệt, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ quy định các điều kiện về huy động vốn, bán căn hộ condotel hình thành trong tương lai, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng (nhà đầu tư thứ cấp).
Có thể bạn quan tâm
06:00, 16/07/2020
06:00, 29/02/2020
11:40, 28/02/2020
11:02, 28/02/2020
18:35, 27/02/2020