Những cái tên quen thuộc như Samsung, LG, Tập đoàn Hoan Hai, hay GoerTek - nhà cung cấp của Apple đã có kế hoạch thuê đất, mở rộng đầu tư và chuyển dịch địa điểm đầu tư sang Việt Nam.
Việt Nam - cứ điểm sản xuất lớn
Mở đầu cho hoạt động đổ bộ của các “ông lớn” điện tử vào Việt Nam có thể kể đến là Samsung khi đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại thứ ba tại Việt Nam với công suất lên đến hơn 100 triệu máy. Quyết định này đến ngay sau khi Samsung Electronics vận hành dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Các nhà máy này sản xuất 150 triệu điện thoại di động, chiếm nửa tổng lượng sản xuất của Samsung trên toàn cầu.
Theo đó, ông Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, cam kết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và xem đây tiếp tục là cứ điểm sản xuất lớn nhất để cung cấp các dòng điện thoại thông minh đi khắp thế giới của hãng này.
Còn nhớ, năm 2018, Samsung Electronics đã công bố dừng hoạt động nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc. Trong khi, ở Việt Nam, tỷ lệ sản xuất nội địa nhảy vọt từ 34% tổng giá trị sản phẩm trong năm 2014, lên 57% trong năm 2017. Theo đó, đã có 29 công ty Việt Nam đóng vai trò là nhà cung cấp số 1 của Samsung.
Ngoài ra, một trong những "ông lớn" khác cũng trong chuỗi cung ứng điện thoại thông minh, đó là Tập đoàn Hoan Hai - một trong những công ty lớn chuyên lắp ráp iPhone của Apple được biết đến với tên gọi là Foxconn hồi đầu năm nay đã bày tỏ mong muốn trả tới 16,5 triệu USD cho một công ty để được quyền sử dụng 250.000 m2 đất tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang.
Mặc dù chưa có được kết quả chính thức từ thoả thuận thuê đất, tuy nhiên, quy mô của diện tích đất nếu thương thảo thành công cũng cho thấy đây cũng sẽ tiếp tục là một trong những dự án “khủng” của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Gần đây nhất là LG đã gây “chấn động” thị trường đầu tư, khi quyết định dừng sản xuất điện thoại di động ở Hàn Quốc và chuyển sản xuất sang nhà máy tại Hải Phòng. Theo đó, với quyết định này, công suất sản xuất tại nhà máy Việt Nam của LG sẽ lên 83%, đạt 11 triệu thành phẩm tính từ nửa cuối năm 2019.
Đáng chú ý là đã có nhiều khu công nghiệp hình thành thu hút các nhà đầu tư Samsung và các nhà cung ứng của Samsung, Kyocera Milta, Nestle, Panasonic, Toto… do sự hình thành của các đường cao tốc phía Bắc.
Xu hướng tất yếu
Những động thái từ các nhà đầu tư này trùng với dự báo của đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản (CBRE) nhận định, sự gia tăng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Xu hướng này không quá mới khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng, khiến cho việc di dời dường như trở thành một sự lựa chọn khả thi về mặt tài chính đối với nhiều nhà sản xuất.
Cụ thể, bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc phòng nghiên cứu thị trường của CBRE – cho biết: “Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều từ việc di dời này. Việt Nam duy trì tốt các chỉ số tăng trưởng, lạm phát thấp, đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng, nhiều hiệp định thương mại được ký kết… là các yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư di dời nhà máy sang Việt Nam”.
Quay lại trường hợp chuyển dịch đầu tư của LG, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định rằng, động thái của LG cũng là xu hướng chung của các công ty Hàn Quốc ngày càng ưa thích chuyển dịch nhà máy vào Việt Nam.
Theo đó, nhiều tập đoàn của Hàn Quốc ngày nay đang chạy các dây chuyền sản xuất tại Việt Nam để cắt giảm chi phí cũng như muốn tăng doanh thu bán hàng tại nước sở tại. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khá tốt với GDP gần 7% đã giúp hỗ trợ mức tăng doanh thu cho các công ty Hàn Quốc.
Những động thái chuyển dịch trên cho thấy, các hãng điện thoại lớn đang đặt niềm tin cho việc sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ “cẩn trọng” hơn, GS-TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đánh giá, bên cạnh mặt tích cực, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài. Song cần tránh để xảy ra trường hợp để một số doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn với nền kinh tế, có thể dễ bị gây sức ép để tăng ưu đãi và nếu không đáp ứng, doanh nghiệp đó có thể chuyển sang các nước khác.
Do đó, GS-TS Trần Thọ Đạt kiến nghị: “Việt Nam phải chủ động nắm bắt cơ hội để doanh nghiệp trong nước có sự trưởng thành về khả năng quản lý, trưởng thành về khoa học công nghệ… từ hoạt động thu hút FDI thay vì chỉ giải quyết công ăn việc làm với giá nhân công tương đối rẻ”.