Các đại tập đoàn đa ngành đang nối đuôi nhau chia tách thành các công ty chuyên ngành riêng biệt. Nguyên nhân là gì?
Mô hình tập đoàn đa ngành không còn được ưa chuộng. Ở một nơi từng có rất nhiều đại tập đoàn đa ngành như Mỹ giờ đây gần như vắng bóng mô hình này. Gần đây nhất, Honeywell, một trong số ít tập đoàn công nghiệp còn lại của Mỹ, thông báo kế hoạch tách ra thành ba công ty riêng biệt, theo bước những tập đoàn lớn khác như General Electric hoặc Alcoa.
Honeywell thông báo họ sẽ tách hai mảng công nghệ tự động hóa và hàng không vũ trụ ra thành hai công ty riêng biệt. Trước đó họ cũng công bố kế hoạch tách mảng vật liệu tiên tiến. Như vậy, Honeywell giờ đây sẽ chia thành ba công ty nhỏ.
Ông Vimal Kapur, chủ tịch kiêm CEO của Honeywell, tuyên bố rằng việc thành lập ba công ty độc lập dựa trên nền tảng vững chắc mà họ đã xây dựng sẽ giúp mỗi công ty theo đuổi chiến lược tăng trưởng riêng, linh hoạt hơn trong kinh doanh và tạo thêm giá trị cho cổ đông cùng khách hàng.
Thông báo chính thức được đưa ra khoảng một tháng sau khi quỹ Elliott Investment Management hé lộ khoản đầu tư hơn 5 tỷ đô vào mảng hàng không vũ trụ, tự động hóa và vật liệu. Chính Elliott cũng là bên thúc đẩy Honeywell tách các mảng tự động hóa và hàng không vũ trụ.
Honeywell là tập đoàn đa ngành lớn mạnh và nổi tiếng của Mỹ. Họ sản xuất rất nhiều thứ, từ dung dịch nhỏ mắt cho đến máy quét mã vạch. Họ cũng sản xuất rất nhiều bộ phận quen thuộc trên máy bay. Tuy nhiên trong thời gian gần đây tập đoàn này đang tìm cách để kinh doanh linh hoạt hơn, và lựa chọn phù hợp nhất là tách riêng từng mảng thành công ty độc lập.
Trong vòng một năm rưỡi qua, sau khi ông Kapur tiếp nhận vị trí CEO, Honeywell đã công bố kế hoạch tách mảng vật liệu tiên tiến, ký thỏa thuận bán mảng thiết bị bảo hộ cá nhân và thực hiện một số thương vụ mua lại.
Việc tách mảng công nghệ tự động hóa và hàng không vũ trụ dự kiến hoàn tất vào nửa cuối năm 2026. Trong khi đó quá trình tách mảng vật liệu tiên tiến dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay hoặc đầu năm mới.
Honeywell không phải là cái tên duy nhất tách lẻ từng mảng kinh doanh của mình. Trước đó vào năm 2015, tập đoàn sản xuất kim loại Alcoa tuyên bố tách thành hai công ty độc lập trong hai mảng: khai thác boxit, nhôm, đúc; và kỹ thuật, vận tải, sản phẩm cán toàn cầu. Hoặc năm 2021, General Electric (GE) thông báo chia thành ba công ty đại chúng, tập trung vào ba mảng hàng không, chăm sóc sức khỏe và năng lượng.
Những động thái của Alcoa, GE và Honeywell đều là dấu hiệu cho thấy mô hình tập đoàn lớn đa ngành (conglomerat) đang dần hết thời. Vậy nguyên nhân do đâu?
Mô hình tập đoàn đa ngành nổi lên vào những năm 1960 với niềm tin rằng các công ty trong cùng một tập đoàn sẽ kinh doanh trong những ngành khác nhau, từ đó sẽ phát triển và suy thoái ở những thời điểm khác nhau, giúp công ty mẹ sẽ có quỹ đạo phát triển ổn định và nhà đầu tư sẽ sẵn sàng trả giá cổ phiếu cao hơn. Ngược lại, các công ty con cũng được hưởng ké nền tảng vững mạnh từ tập đoàn lớn.
Tuy nhiên mọi chuyện dần đi xa với mong đợi này. Nếu muốn có một danh mục đầu tư đa dạng, các nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phiếu của nhiều công ty đơn lẻ theo ý thích, chứ chẳng cần tập trung vào một tập đoàn. Trong khi đó, nếu mua cổ phiếu của tập đoàn đa ngành, đôi khi họ phải gánh thêm những lĩnh vực mà mình không thích, không quan tâm. Từ đó, thay vì được định giá cao hơn tổng giá trị các bộ phận/công ty con cấu thành, cổ phiếu tập đoàn đa ngành lại bị định giá thấp hơn.
Thế nhưng một thực tế không thể chối cãi là mô hình tập đoàn đa ngành vẫn tồn tại trong suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên sự tồn tại này phần lớn dựa vào GE, tập đoàn được xem là biểu tượng của Mỹ. Năm 1980, Fortune từng có cuộc khảo sát với các CEO trong danh sách Fortune 500, hỏi rằng họ ngưỡng mộ công ty nào nhất, và người chiến thắng là GE.
Ở thời điểm ấy, GE là một tập đoàn đa ngành điển hình, mở rộng sang rất nhiều lĩnh vực như tên lửa dẫn đường, máy tính, thậm chí là khai thác uranium. Đến năm 1980, Allied (tiền thân của Honeywell) xuất hiện và noi gương GE. Trong những năm tiếp theo, họ mở rộng mạnh mẽ, có những giai đoạn kinh doanh tốt, cũng có những giai đoạn kinh doanh không như mong đợi.
Những năm gần đây mô hình tập đoàn đa ngành dần tàn. Từ GE, Alcoa, United Technologies hay Danaher rồi Honeywell đều chia tách. Nguyên nhân đến từ việc mô hình này đã lỗi thời.
Giờ đây, các nhà đầu tư đều mong muốn các tập đoàn đơn giản hóa cấu trúc, giúp từng mảng có thể vận hành linh hoạt hơn và thích ứng với những thay đổi trong thị trường riêng của họ. Không chỉ vậy, các nhà đầu tư cũng muốn có cái nhìn rõ ràng hơn về các ưu tiên của từng mảng kinh doanh. Mà điều này thì không thể thực hiện nếu tập đoàn càng mở rộng.
Dĩ nhiên, xu hướng lụi tàn này không đồng nghĩa với việc tập đoàn đa ngành là một mô hình tệ, không thể thành công. Thế giới đã từng chứng kiến rất nhiều đại tập đoàn thành công, như là GE, và ngay cả bây giờ vẫn còn một số ít tập đoàn đa ngành như Berkshire Hathaway. Tuy nhiên, cần nhớ rằng người dẫn dắt GE trong thời kỳ hoàng kim là nhà lãnh đạo Jack Welch huyền thoại, người được coi là CEO vĩ đại nhất thế kỷ 20, còn người điều hành Berkshire là tỷ phú thiên tài đầu tư Warren Buffett. Hay nói cách khác, mô hình tập đoàn đa ngành vẫn có thể là món đầu tư hấp dẫn nếu nó được lãnh đạo bởi các thiên tài. Tuy nhiên thiên tài thì làm gì có nhiều để các tập đoàn chiêu mộ?