Sau nhiều tháng liên tiếp lập kỷ lục xuất siêu, cán cân thương mại trong nửa đầu tháng 12/2019 đổi chiều, thâm hụt 299 triệu USD.
Tổng cục Hải quan vừa cho biết, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 492,71 tỷ USD, tăng 7,1% (tương ứng tăng 32,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ này thâm hụt 299 triệu USD.
Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2019 đạt thặng dư 10,61 tỷ USD.
Trong 15 ngày đầu tháng, nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trị giá xuất nhập khẩu đạt 12,02 tỷ USD, giảm 9,9%, tương ứng giảm 1,32 tỷ USD so với nửa cuối tháng 11/2019.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12 nhóm doanh nghiệp FDI có trị giá xuất nhập khẩu 309,9 tỷ USD, tăng 2,9%, tương ứng tăng 8,7 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt thặng dư 820 triệu USD trong nửa đầu tháng 12/2019 và tính đến hết ngày 15/12 đạt 32,97 tỷ USD.
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 đạt 10,02 tỷ USD, giảm 14,5% so với 15 ngày cuối tháng 11/2019. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 251,66 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.
So với nửa cuối tháng 11, xuất khẩu trong kỳ 1 giảm ở một số mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép các loại; hàng dệt may; máy vi tính điện tử và linh kiện; hàng thủy sản...
Về nhập khẩu, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ này đạt 10,32 tỷ USD, tăng 1,2% (tương ứng tăng 119 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 11/2019. Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 241,05 tỷ USD, tăng 6,4% (tương ứng tăng 14,58 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
So với nửa cuối tháng 11/2019, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 12 biến động tăng ở một số mặt hàng: dầu thô tăng 127 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 74 triệu USD, tương ứng tăng 70,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 64 triệu USD, tương ứng tăng 4,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 43 triệu USD, tương ứng tăng 2,1%...
Bên cạnh đó có một số mặt hàng có biến động giảm như: xăng dầu các loại giảm 97 triệu USD, tương ứng giảm 30%; ô tô nguyên chiếc giảm 64 triệu USD, tương ứng giảm 40,6%; quặng và khoáng sản khác giảm 38 triệu USD, tương ứng giảm 47,9%...
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 492,71 tỷ USD, tăng 7,1% (tương ứng tăng 32,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12 thâm hụt 299 triệu USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 12 đạt thặng dư 10,61 tỷ USD.
Nhìn lại năm qua, năm 2019 đánh đấu một mốc quan trọng về hoạt động xuất nhập khẩu khi lần đầu tiên tổng kim vượt mốc 500 tỷ USD. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng cao và xuất khẩu đạt 300 tỷ USD trong năm 2020 là áp lực lớn. Kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc, chủ nghĩa bảo hộ vẫn diễn biến phức tạp sẽ tác động mạnh tới xuất khẩu của nước ta. Trong nước, năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực còn thấp, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp còn hạn chế...
Doanh nghiệp ở một số lĩnh vực vẫn cho rằng, mặc dù đã đạt được kết quả tốt nhưng hoạt động xuất khẩu không hoàn toàn là “màu hồng” đối với tất cả các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Bảo Khánh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty May Sơn Hà nhận định, năm 2019 là thời gian khó khăn đối với ngành dệt may bởi ít đơn hàng, lại bị ảnh hưởng bởi sức mua giảm của hầu hết đối tác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc. Không ít đơn vị phải chấp nhận hạ giá để có đơn hàng, chủ động tiết giảm chi phí, duy trì sản xuất, giữ chân người lao động.
Về nhập khẩu, đại diện Bộ Công thương cho rằng nên theo dõi và có biện pháp quản lý nhập khẩu hợp lý, chú trọng nhập khẩu theo hướng lành mạnh, giảm nhập hàng tiêu dùng; khuyến khích doanh nghiệp theo dõi diễn biến giá các mặt hàng cần nhập khẩu để quyết định nhập hàng vào thời điểm giá giảm.