Đây là trường hợp chưa có tiền lệ và nhiều người băn khoăn liệu nhà nước có đứng ra mua lại giống lúa này không?
Liên quan đến câu chuyện có 6 doanh nghiệp nước ngoài đã “nhanh tay” đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ và Úc, ông Hồ Quang Cua cho biết, đã rất mệt mỏi trong những ngày qua và bày tỏ bản thân chuyên tâm nghiên cứu mà chưa chuyên tâm nhiều đến bảo hộ thương hiệu.
“Tôi kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp mang tính gia đình, tài chính có hạn, hiểu biết về luật kinh doanh ở nước ngoài hạn chế. Bản thân tôi cả đời dồn tâm huyết, sức lực nghiên cứu nên tôi có nguyện vọng nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước để cùng giữ gìn bản sắc và phát triển”, ông Cua bày tỏ thông tin.
Bỏ ngỏ số tiền phải trả để có thể sở hữu bản quyền giống lúa này, ông Cua mong muốn thành quả của mình được trả công xứng đáng khi được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sắp tới sẽ có chi phí đầu tư cho lĩnh vực giống cây trồng.
PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá, kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo được giống lúa tốt như ST25 là điều rất đáng quý, tuy nhiên điều đáng tiếc là giống lúa này mới chỉ được nhân giống trong phạm vi một công ty gia đình (Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí) với số lượng rất thấp, chừng 1.000-2000 tấn.
Công ty muốn giữ độc quyền giống lúa ST25 để bán ra thị trường nhưng cái dở của việc này chính là: bởi đây là lúa thuần, bán giá rất cao nên khi nông dân/hợp tác xã trồng, họ để giống lại, tự nhân giống, chất lượng hạt giống không thể bằng các công ty chuyên kinh doanh hạt giống làm, không ai kiểm soát, chứng nhận dẫn đến chất lượng lúa gạo sụt giảm.
Với mong muốn nhượng quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước của kỹ sư Hồ Quang Cua, PGS.TS Dương Văn Chín băn khoăn: Nhà nước chỉ đưa ra chủ trương, chính sách, còn ai sẽ đứng ra nhân giống, kinh doanh hạt giống? Bộ NN-PTNT không thể đứng ra nhân giống ST25 rồi bán, tiền nộp vào quỹ của Bộ. Chưa kể, Nhà nước lấy đâu tiền để trả cho kỹ sư Hồ Quang Cua?
“Việc này chỉ có thể do các doanh nghiệp đảm nhận. Dẫu có nhượng quyền cho Nhà nước thì Nhà nước cũng phải giao cho doanh nghiệp làm.
Trước đây, tôi đã từng đề nghị anh Cua nhượng quyền cho các công ty lớn để họ nhân giống lên rồi bán, như vậy được rất nhiều cái lợi. Các doanh nghiệp kinh doanh hạt giống có lời vì bán với khối lượng lớn hàng chục ngàn tấn. Khi ấy giống ST25 tràn đồng, người nông dân dễ dàng mua được giống xác nhận bất cứ lúc nào, ở tận xã, tận ấp với giá rẻ hơn nhiều so khi chỉ có doanh nghiệp Hồ Quang Trí. Còn anh Cua cũng có tiền nhờ nhượng quyền cho các công ty lớn, và có thể dùng tiền đó lai tạo ra các giống lúa khác, phát triển thêm nữa", PGS.TS Dương Văn Chín nói, đồng thời lưu ý giống lúa ST25 đã được cấp bằng bảo hộ.
Theo đó, khi kỹ sư Hồ Quang Cua không nhượng quyền cho công ty nào nhân giống, doanh nghiệp nào tự ý làm sẽ bị xử lý, còn muốn trồng lúa giống ấy thì bắt buộc phải mua giống xác nhận của công ty Hồ Quang Trí. Tương tự, nông dân tự ý nhân giống lúa ST25, đóng bao trắng, bán với giá rẻ cũng là vi phạm pháp luật.
Đó là chuyện giống lúa, còn với gạo ST25, theo quan điểm của nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, khi đã có giống ST25 bán ngoài thị trường, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có quyền trồng giống lúa này để làm ra gạo ST25. Đó cũng là gạo thật, không phải chỉ có gạo của công ty Hồ Quang Trí làm ra mới là gạo thật.
"Doanh nghiệp mua lúa giống ST25 là giống xác nhận bán ngoài thị trường về trồng ở vùng nguyên liệu, kiểm soát quy trình, chà gạo, gạo đó là gạo ST25 thật và đó là sản phẩm của riêng doanh nghiệp trồng loại lúa đó. Họ có quyền đóng bao bì bằng nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp mình, có thể là Hương Lài, Hoa Sứ... còn ghi hay không ghi gạo ST25 trên bao bì là quyền của doanh nghiệp", PGS.TS Dương Văn Chín cho biết.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 28/04/2021
16:16, 21/12/2019