Vì sao chưa thể bỏ trần giá vé máy bay?

BẢO LAM 20/05/2023 17:24

Việc bỏ trần giá vé máy bay nội địa lúc này sẽ khiến Nhà nước không còn công cụ điều tiết và giảm khả năng tiếp cận giá vé hợp lý của người dân.

>>Đề nghị giữ quy định giá trần, không áp giá sàn vé máy bay

Lâu nay, giá trần vé máy bay bên cạnh mục đích giám sát, điều tiết để bảo vệ người tiêu dùng thì ở một góc độ khác nhiều ý kiến đã coi đây như "vòng kim cô" đè nặng lên vai các hãng bay. Vì thế, trong bối cảnh các hãng hàng không thua lỗ liên miên như hiện tại, nhiều người đã đề xuất ý kiến Nhà nước nên bỏ quy định giá trần vé máy bay nội địa.

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, việc bỏ quy định giá trần sẽ là bước ngoặt căn bản, cần thiết để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bằng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng và theo đúng hướng kinh tế thị trường.

Khi bỏ quy định giá trần, ngoài việc cung cấp chất lượng dịch vụ tương xứng và phù hợp định hướng phát triển, các hãng hàng không sẽ được chủ động cân nhắc mức giá sao cho thị trường chấp nhận.

VV

Chính phủ cho rằng bỏ giá trần vé máy bay sẽ không còn công cụ để điều tiết giá.

Tại báo cáo giải trình Luật Giá (sửa đổi) gửi Quốc hội ngày 17/5, Chính phủ cho biết một số ý kiến đề nghị bỏ giá trần với dịch vụ cảng biển, vé máy bay, thậm chí có quan điểm đề nghị áp giá sàn vé máy bay.

Tuy nhiên, Chính phủ cho biết Luật Hàng không dân dụng và dự thảo Luật Giá hoàn chỉnh cơ chế định giá vé máy bay tới đây được chuyển từ khung giá sang giá tối thiểu, tức bỏ quy định giá sàn. Việc này nhằm khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ.

"Nếu bỏ giá trần sẽ dẫn tới không còn công cụ điều tiết giá với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa", báo cáo giải trình của Chính phủ nêu.

>>Chưa thoát khó, doanh nghiệp kiến nghị bỏ trần giá vé máy bay

Ngoài ra, dịch vụ hàng không nội địa là dịch vụ thiết yếu, tác động tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh. Nếu bỏ giá trần, các hãng sẽ đưa ra giá vé rất cao, nhất là một số tuyến cạnh tranh sẽ hạn chế vé trong giai đoạn cao điểm. Điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực xã hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, với mặt bằng thu nhập bình quân của người Việt hiện nay, giá vé tăng cao sẽ làm giảm mức độ tiếp cận dịch vụ hàng không của người dân. Do đó, khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ bỏ giá trần vé máy bay.

Hiện, mỗi nước đưa ra cách quản lý giá vé máy bay khác nhau. Như Trung Quốc quản lý gián tiếp, trực tiếp với dịch vụ hàng không. Còn Indonesia lại đưa ra giá tối đa, hay cũng có nước để tự thị trường điều tiết.

Về dài hạn, theo Chính phủ, khi thị trường có nhiều hãng tham gia, cạnh tranh thực chất bằng vé giá rẻ, chất lượng dịch vụ và hành khách được quyền chọn mức giá theo nhu cầu, khả năng chi trả, khi đó mới phù hợp để bỏ trần giá vé.

Thực tế, việc Bộ Giao thông vận tải quy định giá trần nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Đặc biệt là các đối tượng có thu nhập thấp sẽ được tiếp cận các dịch vụ hàng không, qua đó giảm chi phí xã hội cho các nhu cầu vận chuyển của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trường hợp khi không còn quy định giá trần, Chính phủ cho rằng các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé ở mức cao.

Đặc biệt là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế hoặc trong giai đoạn cao điểm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến xã hội. So với mức thu nhập bình quân của người Việt Nam thì việc giá vé máy bay tăng cao sẽ càng thu hẹp điều kiện để người dân được tiếp cận dịch vụ hàng không.

Theo Chính phủ, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy có một số nước có biện pháp quản lý với dịch vụ vận tải hành khách hàng không bằng phương thức gián tiếp hoặc trực tiếp khác nhau.

Về dài hạn, Chính phủ cho rằng khi khả năng cung ứng của vận tải hàng không đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội, thị trường có sự tham gia đa dạng của nhiều hãng hàng không, thúc đẩy cạnh tranh thực chất bằng giá vé, chất lượng; khi đó đề xuất bỏ quy định giá trần với vé máy bay trên các đường bay nội địa là phù hợp.

Dự kiến Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận lần hai tại kỳ họp khai mạc ngày 22/5.

Có thể bạn quan tâm

  • Chưa thoát khó, doanh nghiệp kiến nghị bỏ trần giá vé máy bay

    11:30, 25/02/2023

  • Giá vé máy bay có còn là nỗi lo trong mùa du lịch hè 2023?

    02:30, 18/05/2023

  • Đề nghị giữ quy định giá trần, không áp giá sàn vé máy bay

    02:30, 16/05/2023

  • Doanh nghiệp du lịch lo ngại vì giá vé máy bay tăng cao

    04:00, 05/04/2023

  • Giá vé máy bay trong nước đắt đỏ, khách du lịch đổ xô xuất ngoại

    03:30, 23/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao chưa thể bỏ trần giá vé máy bay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO