Tài chính doanh nghiệp

Vì sao cổ phiếu RDP bị đình chỉ giao dịch?

Đình Đại 21/11/2024 04:08

Cổ phiếu RDP của Công ty CP Rạng Đông Holding sẽ bị đình chỉ giao dịch do vi phạm về công bố thông tin khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

rdp.jpg
Cổ phiếu RDP sẽ bị đình chỉ giao dịch do vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán - Ảnh minh họa.

Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) cho biết, đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-SGDHCM ngày 17/10/2024 về việc chuyển cổ phiếu RDP từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch kể từ ngày 24/10/2024 (chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận) do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên năm 2024 (riêng và hợp nhất) quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Sau khi đưa vào diện hạn chế giao dịch, RDP tiếp tục vi phạm công bố thông tin, HoSE đã có công văn số 1720/SGDHCM-NY ngày 01/11/2024 nhắc nhở lần 1 và công văn số 1739/SGDHCM-NY ngày 06/11/2024 nhắc nhở lần 2 về việc Công ty chậm công bố thông tin BCTC quý III/2024 (riêng lẻ và hợp nhất). Đến thời điểm hiện tại, HoSE vẫn chưa nhận được BCTC soát xét bán niên năm 2024 và BCTC quý III/2024 của RDP.

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam: “1. Chứng khoán bị đình chỉ giao dịch khi xảy ra một trong các trường hợp sau: c) Tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch", cổ phiếu RDP đã rơi vào trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch. Do đó, HoSE sẽ thực hiện chuyển cổ phiếu RDP từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch theo quy định.

Liên quan đến việc chậm công bố BCTC quý III/2024, vào ngày 13/11 vừa qua, RDP đã có văn bản giải trình nguyên nhân. Cụ thể, lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, hiện tại, Công ty gặp khó khăn về nhân sự, đặc biệt là nhân sự kế toán nghỉ việc nhiều. Do vậy Công ty không hoàn thành nộp BCTC quý III/2024 đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

Về kết quả kinh doanh, theo BCTC quý II/2024, doanh thu của RDP sụt giảm mạnh 68% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn hơn 246 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhãn lỗ gần 66 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 10 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ nặng nhất của doanh nghiệp ngành nhựa này trong vòng 15 năm qua.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của RDP giảm 45% so với cùng kỳ, xuống còn gần 766 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 64,5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 11 tỷ đồng, qua đó nâng lỗ lũy kế lên hơn 266 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2024.

cprdp.jpg
Thị giá cổ phiếu RDP hiện chỉ còn hơn 1.500 đồng/cp, giảm gần 84% so với hồi đầu năm.

Không những kết quả kinh doanh bết bát, thị giá cổ phiếu RDP trên thị trường cũng sụt giảm thê thảm khi chỉ đang giao dịch quanh vùng giá hơn 1.500 đồng/cổ phiếu, giảm gần 84% so với thị giá hồi đầu năm. Với hơn 49 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, vốn hóa của doanh nghiệp này cũng đã “bốc hơi” hơn 83% từ mức hơn 456 tỷ đồng hồi đầu năm, xuống chỉ còn hơn 77 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh ảm đạm của RDP và một số doanh nghiệp ngành nhựa trong bối cảnh các sản nhựa của Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều thách thức liên quan đến vấn đề ô nhiễm nhựa, cũng như chính sách giảm thiểu sử dụng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế trên toàn cầu tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và EU trong thời gian tới sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành nhựa.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn và nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với nhựa tái chế đang tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp này chuyển sang hướng phát triển bền vững, mang đến nhiều thách thức và cơ hội mới cho doanh nghiệp.

Theo "Mordor Intelligence, 2024", thị trường nhựa Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 10,92 triệu tấn vào năm 2024 lên 16,36 triệu tấn vào năm 2029 với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 8,44%. Xuất khẩu nhựa trong nửa đầu năm 2024 đã tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,15 tỷ USD.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu nhựa vào Việt Nam trong tháng 9/2024 giảm 10,6% về lượng và giảm 12,4% về kim ngạch và giảm 2,1% về giá so với tháng 8/2024, đạt 678.691 tấn, tương đương 936,64 triệu USD, giá trung bình 1.380 USD/tấn; so với tháng 9/2023 thì tăng 11,6% về lượng tăng 11,9% về kim ngạch và tăng 0,33% về giá.

Tính chung trong cả 9 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu nhóm hàng này đạt 6,08 triệu tấn, tương đương gần 8,47 tỷ USD, giá trung bình 1.393 USD/tấn, tăng 22% về lượng, tăng 18% về kim ngạch nhưng giảm 3,2% về giá so với 9 tháng đầu năm 2023.

Để ngành nhựa Việt Nam tiếp cận được yêu cầu đối với sản phẩm nhựa trên thế giới, các doanh nghiệp nhựa, các nhà sản xuất cần tìm kiếm công nghệ mới, nguyên vật liệu mới phù hợp, thân thiện với môi trường để có thể đáp ứng được xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến các sản phẩm nhựa bền vững và thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao cổ phiếu RDP bị đình chỉ giao dịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO