Vì sao “đại gia” phân phối công nghệ “lấn sân” thị trường tiêu dùng nhanh?

Linh Nga 05/03/2019 10:17

Trong khi phân khúc smartphone, hàng điện tử tiêu dùng tại Việt Nam đang “quá chật chội”, các “đại gia” phân phối công nghệ như MWG, FRT, DGW…đang chuyển hướng tới thị trường tiêu dùng nhanh.

fasfa

Kỳ vọng tìm động lực tăng trưởng sang hàng tiêu dùng của MWG có lẽ là lớn nhất với chuỗi Bách Hóa Xanh

Số liệu thống kê gần đây cho thấy, doanh số smartphone toàn cầu giảm khoảng 1% trong năm 2018, đảo ngược xu hướng tăng liên tục kể từ khi loại điện thoại này ra đời. Theo IDC, từ năm 2019, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục nhưng chỉ với tốc độ hằng năm khoảng 3% sẽ tiếp tục đến năm 2022.

Tại thị trường Việt Nam, thị trường này cũng đang bão hòa. Điều này được thể hiện bằng nhiều nhà phân phối sản phẩm này có doanh thu chững lại trong năm qua. Đó là chưa kể họ gặp phải những trở ngại từ những thương hiệu lớn như Huawei, OnePlus, Asus hay gần đây là Vinsmart.

Dưới áp lực tăng trưởng như vậy, các “ông lớn” phân phối công nghệ tại Việt Nam như Thế Giới Di Động (MWG), Thế Giới Số (DGW), FPT Retail (FRT) đã có những bước chuyển hướng tìm “vùng đất mới” cho doanh thu. Điều đặc biệt là các hãng này đang dấn sâu hơn vào mảng tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods - FMCG).

Với MWG là việc đầu tư và mở rộng cho Bách Hóa Xanh; FRT với kế hoạch mở 400 nhà thuốc vào năm 2021. Hay như với DGW đã bắt đầu phân phối hàng tiêu dùng nhanh từ tháng 9/2017 và đang phát triển toàn diện đối với mảng hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm chức năng gồm phân tích thị trường, dịch vụ phát triển thị trường, logistics, phân phối và bán hàng, dịch vụ sau bán hàng. 

Thị trường tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods - FMCG) tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm đến năm 2025.

Với 70% dân số trong độ tuổi từ 15 - 64, tổng mức chi tiêu của người Việt Nam dự kiến đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020. Một phần ba dân số thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2020 với mức thu nhập tăng khoảng 8,8%/năm, cùng dự báo FMCG tăng khoảng 20%/năm là hấp lực để nhiều doanh nghiệp tập trung phát triển ngành hàng.

Theo Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, mức chi tiêu đầu người Việt Nam cho sản phẩm FMCG vẫn còn thấp so với các thị trường mới nổi khác nên tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn.

Một chuyên gia phân tích của CTCK VDSC từng cho rằng, hiện tại, ngành bán lẻ công nghệ hay điện máy vẫn là cỗ máy sản xuất lợi nhuận cho 3 công ty này. Nhưng trong 1-2 năm tới, bức tranh thị trường hàng tiêu dùng sẽ có sự phân chia giữa các công ty niêm yết trên sàn như sau: MWG sẽ bán hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và thực phẩm, FRT sẽ bán thuốc và DGW thì bán thực phẩm chức năng và đồ gia dụng.

Nếu như chiến lược sản phẩm mới của Masan trong vòng 5 năm tới với sữa, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc gia đình và cá nhân thì DGW đã nhanh chân hơn khi năm 2017 "lấn sân" sang lĩnh vực này. Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DGW từng nói: "Với quy mô 6 tỷ USD của ngành thực phẩm chức năng, đây là một thị trường đang tăng trưởng và trong lĩnh vực này, doanh nghiệp nào đi đúng hướng, nhanh chân hơn và làm tốt hơn sẽ chiếm được phần lớn hơn".

Để thâm nhập thị trường FMCG, chiến lược của DGW là bắt tay với các công ty có sản phẩm cao cấp nhưng mới gia nhập thị trường hoặc chưa được xây dựng hình ảnh thương hiệu đúng tiềm năng, như đã mua 50,3% cổ phần Công ty Lion Corporation của Nhật Bản và trực tiếp phân phối hàng FMCG cao cấp của Nhật như kem đánh răng Kodomo, kem tẩy trắng răng Zact Lion, bàn chải đánh răng Systema, nước giặt quần áo Essense, bột giặt Bio Zip, nước rửa chén Bubbi King...

Kỳ vọng tìm động lực tăng trưởng sang hàng tiêu dùng của MWG có lẽ là lớn nhất với chuỗi Bách Hóa Xanh dù mảng Điện Máy Xanh vẫn có thể đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian tới. Tại Việt Nam, tổng dung lượng thị trường của ngành hàng thực phẩm có thể gấp 10 lần thị trường điện tử, điện gia dụng (60 tỷ USD so với 6-7 tỷ USD). MWG nhắm mục tiêu đến phân khúc chuỗi siêu thị nhỏ. Hiện nay, trên thị trường có 4 chuỗi minimart lớn: Bách Hóa Xanh, Co.op Food, Satrafoods và VinMart+. 

Ngành bán lẻ hiện đại cần sự kết nối với nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng cần sự thuận tiện trong quá trình mua sắm thì việc chuyển đổi dần các nhà bán lẻ hiện đại thành các công ty công nghệ không phải là câu chuyện của tương lai. Nhu cầu áp dụng công nghệ vào ngành bán lẻ để không chỉ giải quyết các vấn đề về logistics, tài chính, kiểm soát chất lượng mà cả quá trình thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng.

DGW, MWG, FRT với bản chất là những công ty công nghệ cũng có thể tận dụng được những lợi thế đó.

Chắc chắn rằng những khó khăn ban đầu khi chuyển từ kinh doanh công nghệ thông tin sang hàng tiêu dùng là không hề nhỏ thậm chí là gặp rủi ro đối với doanh nghiệp. Song câu chuyện các doanh nghiệp công nghệ chuyển sang bán lẻ là một xu hướng đang được hiện hữu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao “đại gia” phân phối công nghệ “lấn sân” thị trường tiêu dùng nhanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO