Vì sao đất nước ta còn nghèo? Vì sao Việt Nam chưa bằng được các đất nước khác kể cả các nước có cùng điều kiện khí hậu, địa lý?
Trong suốt 4.000 - 5.000 năm lịch sử, để so sánh các dân tộc, các nền văn hóa, thông thường người ta chỉ có thể so sánh thông qua những di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, bởi đấy là những vật thể duy nhất còn sót lại từ hàng trăm, hàng nghìn năm.
Đó cũng là những thứ duy nhất để các con cháu đời sau kết nối với cha ông, tổ tiên mình, có cảm nhận về hơi thởi, sự tồn tại của cha ông, tổ tiên mình.
Dưới góc độ ấy, tôi đi tìm các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc của các quốc gia, các nền văn hóa trên thế giới.
Một sự thật đáng buồn là dân tộc Việt Nam chúng ta đã từng có những công trình lớn, nhưng qua thời gian và do chiến tranh liên miên, cùng khí hậu khắc nghiệt và cả con người tác động, giờ không còn chứng tích vật chất hoàng tráng.
Không so sánh với các nước Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, không so sánh với các nền văn hóa như May (Trung Mỹ), Ba Tư (Trung Đông), La Mã (Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức, Ý…), Olmec (Trung Mỹ), Inca (Peru), Ai Cập, Mông Cổ, Trung Hoa… mà chỉ cần so sánh với Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Campuchia… cũng dễ dàng nhận ra điều đó.
Chùa Vàng (Golden Buddha), chùa Phật Ngọc, chùa Doi Suthep, cung điện Hoàng Gia của Thái Lan; chùa Vàng Shwedagon (Yangon), đền Shwesandaw, đền Mahamuni (Mandalay) của Myanmar; đền thờ Prambanan, quần thể đền thờ Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur của Indonesia; quần thể Angkor Thom, Angkor Wat của Campuchia. Đến cả dân tộc Chăm (nay đã thành một phần của nước Việt) cũng có những công trình đồ sộ lưu lại đến ngày nay.
Đất nước chúng ta có giai đoạn 21 năm chia cắt hai miền Nam – Bắc (1954-1975). Thời ấy thông tin ít, trong dân gian vẫn truyền tụng rằng thời 1954-1975, kinh tế Nam Việt Nam phát triển rực rỡ, vượt cả Singapore, Maylaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines…, chỉ thua duy nhất Nhật Bản.
Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu chỉ mong Singapore phát triển như Sài Gòn; các công tử nhà giàu Singapore, Malaysia, Thái Lan còn sang Sài Gòn du học và cuối tuần sang Sài Gòn chơi.
Nếu quả thật đấy là hiện thực thì rất mừng cho đất nước Việt chúng ta, nó chứng tỏ dân tộc Việt có những tố chất ưu tú, đã có một giai đoạn ngắn trong lịch sử đưa kinh tế Việt Nam vượt trội so với các nước khác trong khu vực ASEAN và châu Á.
Tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu lịch sử của các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (UN), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác để tìm bằng chứng khách quan khẳng định trình độ phát triển của kinh tế Việt Nam.
Thật đáng tiếc không có bất cứ một tài liệu của bất cứ tổ chức quốc tế nào khẳng định điều đó. Ngược lại, có nhiều tài liệu khẳng định rằng, trước năm 1975 kinh tế Nam Việt Nam chỉ hơn có Lào, Campuchia, Myanmar. Duy nhất một số năm từ 1960-1965 là hơn Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc. Sau năm 1965 thì chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanmar, kém Thái Lan, Indonesia, Philippines, kém xa Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia.
Vậy, đâu là nguyên nhân?
Theo tôi có hai nguyên nhân:
Nguyên nhân khách quan: Chiến tranh liên miên, thiên tai địch họa đã hủy hoại nhiều dấu ấn văn minh vật chất của dân tộc, và không cho chúng ta cơ hội hưởng thái bình lâu dài để phát triển. Bên cạnh đó, nền kinh tế tiểu nông, manh mún, thô sơ, chậm phát triển, phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết.
Nguyên nhân chủ quan: Nhìn tại thời điểm hiện tại, theo tôi, người dân Việt hiện đại có bốn yếu điểm cố hữu cản trở sự phát triển đó là: Dễ hài lòng. Tư duy nhỏ trong kinh té. Suy nghĩ chủ quan. Nền tảng triết lý cho sự phát triển yếu.
Để làm rõ hơn, tôi sẽ lần lượt phân tích chi tiết bốn điểm yếu cố hữu trên. Tuy nhiên, đây chỉ là cảm nhận hoàn toàn chủ quan, bởi lẽ muốn thực sự hiểu rõ bản chất của vấn đề thì cần phải có cách tiếp cận liên ngành như dân tộc học, tâm lý học, văn hóa học…Vậy xin bạn đọc lưu ý. Những điều tôi nói là nhận xét, quan sát của riêng cá nhân tôi.
(Còn nữa)