Nguyên nhân yếu kém của các DNNN là do chưa có sự thống nhất về quan điểm nhận thức với quản trị DNNN.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá chia sẻ tại Hội thảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Australian Aid tổ chức gần đây.
Ông Bá đặt câu hỏi, vì sao vấn đề này đã nói hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất? Phải chăng nội hàm này quá khó để kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa thể hiểu?
Nguyên nhân được ông Bá mổ xẻ là chính sách pháp luật chồng chéo, không đồng bộ. Ông Bá thắc mắc tại sao lại chồng chéo và không đồng bộ. Như ngành xây dựng “đá vào chân” ngành kế hoạch đầu tư? Đầu tư “đá” tài chính? tài chính “đá” Công thương?
Hay nguyên nhân yếu kém của DNNN thường được nhìn nhận là do khâu tổ chức thực hiện. Ông Bá bày tỏ, việc gì cũng “đổ tội” cho người tổ chức thực hiện kém. Ông Bá đánh giá, có cái đúng nhưng có những điều chưa hẳn đã như vậy.
Ông Bá nêu ví dụ về 12 đại dự án ngành công thương, ở đây có phải nguyên nhân do tổ chức thực hiện kém hay không? Theo ông Bá, cũng có, nhưng điều quan trọng hơn đó là chủ trương đầu tư 12 dự án này có vấn đề.
“Do đó, vấn đề này cần được xem xét thấu đáo và chỉ ra được nguyên nhân gốc dễ. Nếu không quyết tâm sửa chữa thì sẽ còn phải bàn lâu dài”, ông Bá bày tỏ.
Ông Bá đưa ra số nguyên nhân dẫn đến yếu kém của DNNN.
Thứ nhất, liệu có còn tư duy bảo thủ, giáo điều hay không. Tư tưởng cần phải có nhiều DNNN, HTX chính là nguyên nhân dẫn đến sự phân biệt “con nuôi, con đẻ” giữa DNNN, HTX với các thành phần kinh tế khác.
“Vậy cần xem có còn có tư tưởng này hay không. Nếu còn và không bị loại bỏ thì câu chuyện đổi mới DNNN sẽ không bao giờ có hồi kết”, ông Bá thẳng thắn.
Ông Bá cho rằng, bây giờ cần xác định cái gì là mục tiêu, cái gì là phương tiện. Theo quan điểm của ông Bá, DNNN hay HTX cũng chỉ là một phương tiện để đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Thứ hai, là nhà nước lo mất quyền, nếu giao quyền tự chủ cho DNNN thì quyền kiểm soát sẽ bị “tuột khỏi tay”. Ông Bá đặt câu hỏi có tư duy này hay không, và cho rằng điều này là có.
Ông Bá dẫn chứng trường hợp Vinashin một thời oanh liệt nhưng đến nay hậu quả của doanh nghiệp này để lại vẫn còn rất nặng nề. Nguyên nhân yếu kém của doanh nghiệp này, theo ông Bá là do đã giao cho Vinashin quá nhiều quyền. Khi các cơ quan các bộ ngành không quản lý được, dẫn đến doanh nghiệp này đổ vỡ đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến nền kinh tế.
Thứ ba, năng lực, phẩm chất một bộ phận cán bộ làm việc trong bộ máy chủ sở hữu nhà nước có thể cũng “có chuyện”. Vì theo ông Bá, khi chuyển đổi cơ chế, đã có một bộ phận muốn níu kéo lại cách làm cũ, vì liên quan đến lợi ích cá nhân.
Tuy nhiên, theo quan sát của ông Bá, có một số bộ phận cán bộ quản lý DNNN mặc dù không muốn níu kéo, nhưng do trình độ quản lý yếu kém nên không biết quản lý theo kiểu mới như thế nào.
“Như vậy, có nguyên nhân sâu xa từ phẩm chất đạo đức, năng lực của số người làm trong bộ máy nhà nước liên quan đến chủ sở hữu chưa đạt yêu cầu cho nên chưa thể yên tâm để giao quyền tự chủ cho DNNN”, ông Bá nói.
Thứ tư, là lợi ích nhóm. Việc quản lý chồng chéo, không đồng bộ, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau có thể xuất phát từ lợi ích nhóm.
“Vấn đề lợi ích nhóm còn khá nặng nề ở Việt Nam là nguyên nhân quan trọng nên không muốn trao quyền tự chủ cho DNNN. Hoặc có trao nhưng chỉ mang hình thức nửa vời. Điều này dẫn đến hệ quả nặng nề đến nền kinh tế”, ông Bá thẳng thắn.
Thứ năm, chế tài và thực hiện chế tài không nghiêm.
Nêu đề xuất giải pháp cho những bất cập này, theo ông Bá, phải tiếp tục giảm số lượng DNNN, và chỉ cần số DNNN đóng góp khoảng 15% vào GDP. Việc giảmDNNN ông Bá gợi ý 2 cách thực hiện.
Một là CPH, bán khoán, cho thuê, thoái vốn... Hai là tập trung phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời lấy hiệu quả tài chính làm thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả DNNN, đi cùng đó là một chế tài mạnh, thưởng phạt nghiêm minh.
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), để DNNN hoạt động hiệu quả và minh bạch, chỉ cần thuê tư vấn nước ngoài “lập trình” cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường... với giá khoảng 2 triệu USD thì không có gì khó khăn, thậm chí rất đơn giản.
“Tuy nhiên, việc này lại trở nên khó khăn khăn vì ai cũng muốn dành thêm một ít quyền, chia thêm một ít lợi nên mới dẫn đến sự nhùng nhằng”, ông Cung chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phần hóa DNNN: Khó về đích!
04:00, 19/10/2020
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng: "Xác định đúng vai trò DNNN để có chính sách phù hợp"
18:17, 12/10/2020
Cổ phần hóa DNNN: "Đòn bẩy" tăng trưởng giữa dịch COVID-19
11:00, 04/08/2020
Hà Nội được "quản" toàn bộ tiền từ sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn DNNN
09:00, 19/06/2020