Vì sao giá điện không dễ giảm?

HÀ THU 05/02/2024 04:00

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá mới đây, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay. 

Theo đó, việc điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để EVN có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Đại diện Bộ Công thương cho hay, sẽ hướng dẫn EVN điều hành phương án giá điện theo đúng quy định.

EVN kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành về việc tiếp tục tăng giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh - Ảnh minh họa: ITN

EVN kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành về việc tiếp tục tăng giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh - Ảnh minh họa: ITN

Các thông tin gần đây cho thấy việc EVN lỗ gần 38.000 tỷ đồng trong năm 2022-2023 do chi phí đầu vào (than, dầu, khí) biến động. Tuy nhiên, để có chính xác số lỗ của năm 2023, phải chờ công bố của Đoàn kiểm tra liên ngành về chi phí sản xuất - kinh doanh điện hoặc Báo cáo soát xét tài chính của doanh nghiệp.

Năm ngoái, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên 2.092,78 đồng một kWh, sau khi được nhà chức trách điều chỉnh hai lần vào tháng 5 và 11.

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Gần nhất, giá điện tăng 4,5% vào tháng 11/2023.

Với đề xuất của Bộ Công Thương, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào tháng 5 năm nay.

Nêu nguyên nhân dẫn đến việc xin tăng giá điện, EVN cho biết dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá điện bán lẻ được điều chỉnh 2 lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao. Do đó, năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.

Với mức tăng giá điện bán lẻ điện bình quân thêm 4,5% ngày 9/11 lên 2.006,79 đồng/kWh (trước đó đã tăng 3% vào ngày 4/5), EVN cho biết mức tăng này chỉ giúp tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng, chưa bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của tập đoàn này. Các khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng của các năm trước đây cũng không được tính toán trong giá điện.

Sau 2 đợt tăng giá điện trong năm 2023, EVN vẫn ghi nhận khoản lỗ ước tính là 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng, trong năm 2023. Tính chung 2022 - 2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước (khoảng 14.000 tỷ đồng).

Theo lý giải của EVN,  giá nhiên liệu đầu vào dù giảm so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao so với trước.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết nhận xét, không tăng giá điện thì không giải quyết được lỗ luỹ kế và các vấn đề khác cũng khó theo.

“Quan điểm của chúng tôi là Thủ tướng cho phép rồi, Bộ cũng có cơ chế rồi, thì Ủy ban chỉ đạo Tập đoàn phải làm, nếu không giải quyết trong những năm tới và để tình trạng vẫn lỗ lũy kế như này, thì chúng ta không có cách nào vượt qua được và mãi mãi vẫn xảy ra”, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nói.

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN cho rằng, nếu tình hình tài chính không sớm cải thiện thì đời sống người lao động ảnh hưởng, nhiều cán bộ lương thấp quá sẽ rời ngành ra đi.

Ở góc độ chuyên gia, ông Đào Nhật Đình cho rằng, chuyện giá điện theo thị trường nói thì dễ, nhưng không dễ làm, bởi với thực trạng EVN đang phải gánh lỗ khi mua cao, bán thấp như hiện nay, thì giá điện khi tính đúng, tính đủ sẽ chỉ có tăng trong trước mắt.

Về lâu dài, theo Quy hoạch Điện VIII, dự kiến bổ sung khoảng 10 dự án điện từ khí trong nước với tổng công suất 7.900 MW; 13 dự án điện từ khí LNG nhập khẩu với tổng công suất 22.824 MW và 6.000 MW điện gió ngoài khơi. “Các dự án điện mới này đều tính toán giá điện cỡ 12-13 USCent/kWh, nên nếu bổ sung nguồn cung lớn này vào hệ thống, thì chi phí sản xuất điện chắc chắn tăng so với giá bán lẻ điện bình quân cho nền kinh tế như hiện nay”, ông Nhật Đình nói.

Trong khi đó, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, lấy việc tăng giá điện để xử lý các khoản lỗ của EVN là không thỏa đáng.

Theo TS Ngô Đức Lâm, trong các đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN trước đây, mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí, như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, hay việc giảm tổn thất và hạ giá thành của hệ thống.

Theo Luật Giá năm 2012, ngành điện đã đủ mọi điều kiện để đầu tư và tái phát triển vì tất cả chi phí đều được tính vào giá thành. Ngoài giá thành, Nhà nước còn tính định mức hợp lý cho số lãi để cho ngành điện phát triển và đảm bảo phúc lợi.

TS Ngô Đức Lâm cho rằng, năm 2024, giá điện cần sự ổn định để giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, bởi giá điện khác với các sản phẩm khác, như xăng dầu, chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới, không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần đẩy nhanh các dự án nguồn thay vì tăng giá điện

    04:00, 08/01/2024

  • Nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi khi EVN tăng giá điện?

    03:50, 14/11/2023

  • Chuyển sang điện xanh sẽ không tránh khỏi việc tăng giá điện

    01:10, 21/09/2023

  • Kiến nghị tăng giá điện lần 2: Chưa… phù hợp

    04:00, 02/08/2023

  • Yêu cầu EVN làm rõ việc tăng giá điện có phải do thua lỗ?

    17:10, 26/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao giá điện không dễ giảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO