Vì sao HAGL Agrico bán con "át chủ bài" cho Thadi?

Nguyễn Việt 20/06/2019 06:00

HAGL Agrico (HNG) vừa có quyết nghị về việc chuyển nhượng Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương cho CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp (Thadi). 

HNG sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp tại Cao su Đông Dương cho Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (thuộc Thaco).

HNG sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp tại Cao su Đông Dương cho Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (thuộc Thaco).

Được biết, Cao su Đông Dương là công ty con do HAGL Agrico sở hữu 100% vốn cổ phần, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng cây cao su và chế biến các sản phẩm từ cao su, trồng rừng và chăm sóc rừng, xây dựng nhà, công trình dân dụng, buôn bán may móc thiết bị và phụ tùng khác, vận tải hàng hóa. Công ty có vốn điều lệ 1.465 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • HAGL Agrico chưa hết long đong

    11:30, 04/05/2019

  • HAGL lấy trái cây làm động lực bứt phá

    04:37, 28/04/2019

  • HAGL và vòng xoáy nợ nần

    06:30, 14/08/2018

Trước đó, vào ngày 14/5, chỉ một ngày sau khi CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) chi ra hơn 970 tỷ đồng để sở hữu 7,86% vốn điều lệ của HAGL Agrico, HĐQT công ty đã ra quyết định bầu Chủ tịch HĐQT Thadi là ông Đỗ Xuân Diện giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách chiến lược HAGL Agrico. Ngoài ra, ông Diện còn đang là Thành viên HĐQT của CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco). Ngay sau khi Thaco trở thành cổ đông lớn của HAGL Agrico, một cổ đông lớn khác là CTCP Hưng Thắng Lợi Gia Lai lập tức mua vào 37 triệu cổ phiếu HNG trong hai ngày 15 – 16/5, nâng tỉ lệ sở hữu từ 5,6% lên 9,8% vốn điều lệ, vượt tỉ lệ nắm giữ của Thaco. 

Điều đáng nói, HAGL Agrico và Hưng Thắng Lợi Gia Lai đều thuộc quyền chi phối của công ty mẹ - CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 57,81% và 98% vốn cổ phần. Chưa dừng lại ở đó, ngày 17/6 vừa qua, Hưng Thắng Lợi Gia Lai tiếp tục mua thêm 6 triệu cổ phần HNG. Như vậy, công ty này hiện chính thức sở hữu 10,49% vốn điều lệ của HAGL Agrico, trở thành cổ đông lớn thứ hai chỉ sau HAGL. Trên thị trường, cổ phiếu HNG giao dịch lình xình trong ba tháng gần đây với thanh khoản sụt giảm. Đóng cửa phiên 19/6, giá cổ phiếu dừng ở 15.350 đồng/cp.

Nhìn lại, mảng kinh doanh cao su đã từng là con bài chiến lược được bầu Đức kỳ vọng đưa Hoàng Anh Gia Lai lên nấc thang mới. Nhưng mọi thứ tiêu tan vì giá cao su đã tăng không như kỳ vọng, đẩy công ty của ông vào gánh năng tài chính. Thế nên, sau nhiều năm chịu đựng và từng dọa bán hết lĩnh vực cao su cho đối tác nước ngoài, bầu Đức chính thức chuyển nhượng mảng cao su cho Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), để dành nguồn lực làm chuyện khác.

Tại báo cáo tài chính 2018, về mảng cao su, HAGL cho biết đã và đang duy trì ổn định và chăm sóc 47.122 ha cao su, trong đó 20.361 ha tại Lào, 4.972 tại Việt Nam và 21.789 ha tại Campuchia. HAGL đang vận hành một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác nếu giá mủ cao su phục hồi.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng diễn ra trong bối cảnh giá cao su liên tục phá đỉnh. Cụ thể, từ cuối năm 2018 giá cao su quay đầu và hiện đang trong xu hướng tăng khá mạnh, hiện đạt đỉnh 8 tháng tại mức 236 JPY/kg, tăng 27% tính từ đầu năm 2019. Những nguyên nhân khiến giá cao su thiên nhiên tăng mạnh trong thời gian qua có thể kể đến các nguyên nhân sau. Thứ nhất, giá dầu tăng trong mấy tháng đầu năm - mức tăng tới 35%. Thứ hai, một số nước sản xuất cao su chủ chốt kiềm chế sản lượng. Thứ ba, thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới sản lượng và tồn trữ cao su, nhất là cơn bão nhiệt đới ở Thái Lan, mùa Đông đến sớm ở một số nước Đông Nam Á và hạn hán ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)…

Còn trong báo cáo thường niên 2018 của HAGL Agrico, công ty đang chuyển đổi chiến lược kinh doanh, khẳng định lĩnh vực cốt lõi là sản xuất cây ăn trái với quy mô thị trường tiêu thụ lớn, thời gian thu hoạch nhanh và hiệu quả kinh tế cao. Giá mủ cao su có tăng trở lại nhưng không nhiều nên công ty chỉ khai thác ở mức vừa phải để duy trì chi phí chăm sóc vườn cây. Công ty sẽ chờ cơ hội giá mủ cao su phục hồi, hoặc tối thiểu là khai thác gỗ trong tương lai để thu hồi vốn đầu tư. Doanh thu bán cao su năm ngoái chỉ đạt 345 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao HAGL Agrico bán con "át chủ bài" cho Thadi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO