Vì sao Hòa Phát tăng doanh thu nhưng giảm lợi nhuận?

Nguyễn Việt 16/05/2019 11:30

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Tập đoàn Hòa Phát tổ chức mới đây, Chủ tịch Trần Đình Long đã dự báo, năm 2019 sẽ là một năm khó khăn của Hòa Phát vì giá nguyên vật liệu tăng cao.

Đại gia lớn nhất ngành thép là CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng không thoát khỏi xu thế sụt giảm chung, do giá nguyên vật liệu lên cao.

Đại gia lớn nhất ngành thép là CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng không thoát khỏi xu thế sụt giảm chung, do giá nguyên vật liệu lên cao.

Cụ thể, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu tăng 22% lên 70.000 tỉ đồng. Ngược lại, mục tiêu lợi nhuận ròng chỉ ở mức 6.700 tỉ đồng, giảm 22% so với thực hiện năm 2018. Nếu đạt kết quả đúng như kế hoạch, đây sẽ là lần đầu tiên trong 7 năm, lợi nhuận Hòa Phát sụt giảm. Hòa Phát thống nhất phương án chia cổ tức năm 2018 là 30% bằng cổ phiếu nhưng sang năm 2019 cổ tức sẽ giảm xuống chỉ còn 20%.

Lợi nhuận giảm do giá quặng tăng cao

Tại Đại hội, vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm nhất là tại sao lợi nhuận Hòa Phát năm nay lại giảm mạnh cho dù doanh thu vẫn tăng. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ, có nhiều nguyên nhân khiến lợi nhuận Hòa Phát năm nay chỉ dừng ở mức 6.700 tỷ đồng. Trong đó, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là giá quặng sắt tăng cao sau thảm họa vỡ đập hồ chứa chất thải khoáng sản tại Brazil. Vụ vỡ đập này đã khiến Tập đoàn khai thác mỏ Vale bị tước giấy phép khiến nguồn cung quặng sắt bị ảnh hưởng và giá tăng vọt.

Có thể bạn quan tâm

  • Thép Hòa Phát đạt hơn 200.000 tấn trong tháng Tết

    Thép Hòa Phát đạt hơn 200.000 tấn trong tháng Tết

    14:17, 07/03/2019

  • Thép Hòa Phát đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

    Thép Hòa Phát đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

    14:12, 07/01/2019

Trong năm 2018, giá quặng sắt dao động trong khoảng 65 USD/tấn thì sang năm 2019 đã tăng vọt lên khoảng 85 USD/tấn, thậm chí có thời điểm lên tới 90 USD/tấn, tương ứng với mức tăng khoảng 30-35%. Giá tăng khiến chi phí đầu vào của thép tăng cao bởi để làm ra 1 tấn thép, Hòa Phát cần 1,6 tấn quặng sắt, tương ứng chi phí đầu vào đội thêm khoảng 800.000 đồng/tấn thép.

Bên cạnh giá quặng sắt tăng, các loại chi phí của Hòa Phát được dự báo cũng sẽ tăng. Đáng chú ý, chi phí tài chính từ mức hơn 700 tỷ đồng năm 2018 sẽ tăng gấp 3 lần, lên hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2019. Trước đây, khi dự án Dung Quất trong thời gian xây dựng, chi phí lãi vay được hạch toán vào vốn hóa. Tuy nhiên, kể từ tháng 6 tới đây, khi dự án Dung Quất chính thức đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ phải tính lãi vay vào chi phí tài chính. 

Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết, dự án Dung Quất có tổng vốn đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có khoảng 25.000 tỷ đồng. Số còn lại sẽ phải đi vay và lãi suất hiện nay đang dao động trong khoảng 7,5-9%. Cùng với chi phí tài chính, chi phí sản xuất năm nay được dự đoán cũng sẽ tăng sau khi giá điện vừa bất ngờ tăng 8% còn các loại chi phí khác cũng sẽ tăng theo tỷ lệ lạm phát.

Bên cạnh ngành kinh doanh chủ lực là thép gặp khó khăn về chi phí, Hòa Phát còn đối mặt với khó khăn tại 2 mảng tôn mạ và chăn nuôi. Đối với tôn mạ, nhà máy đi vào hoạt động trong giai đoạn khó khăn, tổng công suất thị trường gấp đôi so với nhu cầu. Các nước cũng dựng hàng rào với sản phẩm này khiến lợi nhuận tôn mạ năm 2018 chỉ đạt 17 tỷ đồng trên tổng số doanh thu 2.700 tỷ đồng. Năm 2019, mảng tôn mạ đặt mục tiêu doanh thu 4.400 tỷ đồng và lãi 178 tỷ đồng.

Với mảng chăn nuôi, ông Long dùng từ "thảm cảnh" khi nhắc đến dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại Việt Nam. Cho dù các trang trại chăn nuôi lợn của Hòa Phát không bị nhiễm dịch, nhưng dịch bệnh này khiến người tiêu dùng giảm tiêu thụ thịt lợn, khiến giá lợn hơi giảm sâu mà vẫn khó bán. Theo ông Long, nếu tình trạng này kéo dài, mảng chăn nuôi lợn khả năng sẽ thua lỗ.

Thép vẫn là cốt lõi 

Vẫn theo chia sẻ của ông Long, xu hướng toàn cầu mọi người đều biết là Tổng thống Trump với triết lý nước Mỹ trên hết, lợi ích quốc gia, quyền lợi dân tộc, việc làm của người Mỹ đã làm dấy lên chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu. “Chưa bao giờ thế giới dựng hàng rào khủng khiếp như bây giờ, tháng 3 Hoà Phát xuất khẩu sang Malaysia 50.000 tấn thép mà có tăng lên 55.000 tấn là họ làm hồ sơ kiện luôn. Do đó Hoà Phát không đặt mục tiêu xuất khẩu quá cao", ông Long cho biết.

Hoà Phát đang gặp những khó khăn trong giai đoạn này, nhưng ông Long vẫn rất tự tin: "Mọi người hãy cứ tin tôi đi, từ quý 2/2019 thì Hoà Phát sẽ rất tốt. HPG vẫn là một cổ phiếu tốt, tôi là cổ đông lớn nhất và lợi ích cổ đông là trên hết. Cũng giống như Tổng thống Trump, lợi ích quốc gia trên hết. Không có lý do gì để xếp lợi ích của chính mình phía sau, tôi còn dự định mua vào tiếp cổ phiếu HPG".

Vị doanh nhân cho biết, hiện nay công ty đã dành 35.000 tỷ đồng để đầu tư dự án Hoà Phát - Dung Quất, suất đầu tư khoảng 400 USD/tấn thép, thấp hơn mức bình quân của thế giới. Thiết bị nhập của các nước G7. "Chủ tịch của Formosa khi tiếp xúc cứ hỏi đi hỏi lại vì sao suất đầu tư của Hoà Phát thấp như thế. Suất đầu tư thấp bởi Hoà Phát làm dự án đúng thời điểm trũng của ngành thép. Giai đoạn 2 công ty sẽ làm thép cuộn cán nóng - doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất được. Đồng thời công ty cũng sản xuất các loại thép dùng trong công nghiệp phụ trợ cơ khí, ôtô", ông Long khẳng định ngành thép vẫn là cốt lõi, dù Hoà Phát có mở rộng lĩnh vực nào thì cốt lõi đó không thay đổi.

Về lo ngại tiêu thụ thép khi sản lượng năm 2022 của Hoà Phát lên tới 12-13 triệu tấn/năm trong khi thị trường bất động sản đang khá trầm lắng, ông Long cho rằng đây cũng là một lo ngại nhưng trong lịch sử Hoà Phát sản xuất đến đâu bán hết đến đó, thậm chí có lúc không đủ hàng để bán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Hòa Phát tăng doanh thu nhưng giảm lợi nhuận?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO