Tài chính doanh nghiệp

Vì sao NBP bị phạt và truy thu thuế gần 5 tỷ đồng?

Đình Đại 22/09/2024 04:00

Với hành vi vi phạm nhiều lần về thuế giá trị gia tăng (GTGT) và sử dụng hóa đơn, NBP đã bị phạt và truy thu thuế tổng số tiền gần 4,7 tỷ đồng.

Cụ thể, Cục thuế tỉnh Ninh Bình đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế và sử dụng hóa đơn đối với Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế GTGT là gần 4,7 tỷ đồng, liên quan đến 02 hành vi, đồng thời áp dụng tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần.

ndninhbinh.jpg
Vi phạm nhiều lần về thuế và sử dụng hóa đơn, Nhiệt điện Ninh Bình bị phạt và truy thu thuế gần 4,7 tỷ đồng - Ảnh: NBP.

Về thuế GTGT, theo Cục Thuế Ninh Bình, NBP đã kê khai không đúng kỳ phát sinh của một số hóa đơn đầu vào và đầu ra khi xác định số thuế phải nộp trên hồ sơ kê khai thuế GTGT năm 2022, năm 2023 dẫn đến: Số thuế phải nộp tăng gần 3,2 tỷ đồng, trong đó số tiền phải nộp năm 2023 tăng hơn 3,3 tỷ đồng, và số tiền thuế phải nộp năm 2022 giảm hơn 106 triệu đồng.

Bên cạnh đó, số tiền thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau tăng với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp kê khai sai các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trên tờ khai thuế GTGT nhưng không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp của 09 tháng năm 2022 và của 12 tháng năm 2023.

Về quản lý và sử dụng hóa đơn, Cục Thuế Ninh Bình cho biết, NBP đã lập 12 hóa đơn không đúng thời điểm, trong đó: Lập 11 hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế; Lập 01 hóa đơn không đúng thời điểm dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế năm 2022. Các nghiệp vụ kinh tế đã được đơn vị phản ánh đầy đủ trên hệ thống số kế toán, hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Với những hành vi vi phạm nêu trên, NBP đã bị Cục Thuế tỉnh Ninh Bìnhxử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 809 triệu đồng. Trong đó, phạt 20% trên số tiền thuế GTGT khai thiếu năm 2022, số tiền hơn 660,6 triệu đồng.

Phạt tiền theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần) đối với hành vi khai sai chỉ tiêu trên tờ khai thuế GTGT liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế nhưng không dẫn đến thiếu số thuế GTGT phải nộp, số tiền hơn 99,4 triệu đồng;

Phạt tiền theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP (áp dụng tình tiết tăng nặng vì phạm nhiều lần) đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, số tiền là 43,6 triệu đồng;

Phạt tiền theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, số tiền 6 triệu đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị truy thu thuế GTGT gần 3,2 tỷ đồng; Tiền chậm nộp tiền thuế GTGT hơn 648 triệu đồng. Thuế GTGT còn được khẩu trừ chuyển kỳ sau tăng, số tiền là hơn 5,4 tỷ đồng, được tính đến hết ngày 17/9/2024. NBP có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp, tiền thuế kể từ sau ngày 17/9/2024 đến ngày liền kề ngày thực nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

cpnbp.jpg
Trên thị trường, cổ phiếu NBP đang giao dịch quanh mức giá 12.400 đồng/cp, giảm hơn 17,3% so với đầu năm.

Về kết quả kinh doanh, theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên, trong 6 tháng đầu năm 2024, NBP mang về gần 781 tỷ đồng, tăng gần 100% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn cũng tăng mạnh hơn 116% so với cùng kỳ, lên gần 762 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp bán niên của doanh nghiệp này giảm hơn 51% so với cùng kỳ, xuống còn gần 19 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 92,5% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn gần 1,2 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh là do tăng trưởng tổng chi phí cao hơn so với tổng doanh thu, cùng với đó là đơn giá điện giảm đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo EVN, sản lượng và tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2024 tương ứng với thủy điện là 28,63 tỷ kWh, chiếm 18,9%; nhiệt điện than là 86,34 tỷ kWh, chiếm 56,9%; tua bin khí là 13,12 tỷ kWh, chiếm 8,6%; năng lượng tái tạo là 20,73 tỷ kWh, chiếm 13,7% (trong đó điện mặt trời đạt 13,91 tỷ kWh, điện gió đạt 6,15 tỷ kWh); điện nhập khẩu là 2,56 tỷ kWh, chiếm 1,7%.

Sản lượng truyền tải lũy kế 6 tháng năm 2024 đạt 121,47 tỷ kWh, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó công suất, sản lượng truyền tải điện từ khu vực miền Trung, miền Nam ra miền Bắc thường xuyên duy trì mức cao để tăng cường cung cấp cho miền Bắc.

Đánh giá về triển vọng ngành điện trong nửa cuối năm 2024, Chứng khoán VCBS cho rằng, nhiệt điện than hưởng lợi nhờ sản lượng tiếp tục được huy động cao. Theo VCBS, các nhà máy nhiệt điện tại miền Bắc sẽ có triển vọng tăng trưởng cao hơn trong nửa đầu năm do khu vực này đang có nguy cơ thiếu điện rất cao.

Công suất lắp đặt tại miền Bắc không tăng trưởng trong khi nhu cầu phụ tải ngày càng gia tăng. Miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện than. Thủy điện thiếu ổn định và ảnh hưởng của El Nino trong nửa đầu năm 2024 sẽ giúp nhiệt điện than tiếp tục duy trì ở mức cao.

“Bộ Công thương và các ban ngành liên quan đã lên kế hoạch để đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện năm 2024 như khai thác tối đa nguồn than trong nước, đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu để đảm bảo đủ than đầu vào cho nhà máy điện vận hành ổn định và đáp ứng kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện quốc gia”, VCBS đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao NBP bị phạt và truy thu thuế gần 5 tỷ đồng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO