Vì sao ngân hàng ngoại "dứt áo" ra đi?

Hà Phương-Nguyễn Long 04/01/2018 09:00

Mới đây, BNP Paribas đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương với 18,68% vốn điều lệ của Ngân hàng Phương Đông (OCB) sau 10 năm đổ vốn vào đây. Điểm lại các thương vụ này trong năm 2017, cho thấy một số ngân hàng lớn tại VN cũng bị các cổ đông ngoại "dứt áo "ra đi sau một thời gian gắn bó...

Cổ đông ngoại BNP Paribas thoái toàn bộ 18,68% vốn khỏi OCB

Cổ đông ngoại BNP Paribas thoái toàn bộ 18,68% vốn khỏi OCB.

Cuộc chia tay đầy bất ngờ

Theo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cổ đông ngoại BNP Paribas đã chính thức thoái toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương với 18,68% vốn điều lệ của ngân hàng. Giao dịch này đã được thực hiện vào ngày 26/12/2017. Hiện thông tin về bên nhận chuyển nhượng hơn 74 triệu cổ phiếu của BNP Paribas chưa được công bố.

BNP Paribas là nhà đầu tư chiến lược, đầu tư 10% vốn vào OCB kể từ năm 2007 và tăng dần tỷ lệ sở hữu lên 20% vốn điều lệ kể từ năm 2011. Việc BNP Paribas thoái vốn khỏi OCB là một thông tin khá bất ngờ với thị trường, nhất là trong xu thế nhiều nhà đầu tư ngoại muốn nhảy vào lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam như hiện nay.

Cuối tháng 12/2017, OCB thông báo chốt tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng là 23,66% vốn. Theo công bố mới nhất của OCB, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB là 4,98% vốn điều lệ.

Mới đây, Vietcombank đã đấu giá thành công bán được 13,3 triệu cổ phiếu OCB trong gần 19 triệu cổ phiếu rao bán. Mức giá đấu thầu bình quân là 13.005 đồng/cp. 

Bên cạnh đó, OCB cũng vừa công bố những thông tin khá khả quan về tình hình hoạt động của Ngân hàng. Được biết, OCB đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017 sau 9 tháng đầu năm. Lợi nhuận 11 tháng đầu năm ghi nhận 960 tỷ đồng và Ban lãnh đạo OCB ước tính cả năm 2017 sẽ vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ngân hàng cho biết đã hoàn tất việc triển khai dự án Basel II, qua đó trở thành ngân hàng đầu tiên của VN đáp ứng được Basel II phương pháp tiêu chuẩn từ cuối năm 2017. Gần đây nhất, NHNN cũng đã chấp thuận cho OCB tăng vốn thêm hơn 805 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc.

Nhìn lại trong năm 2017 đã có một số thương vụ như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Được biết, CBA Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động vào năm 2008. Hai năm sau, ngân hàng mẹ CBA đã đầu tư vào VIB với phần vốn góp 15% và sau đó nâng tỷ lệ lên 20%. Hiện CBA là nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn nhất của VIB. Ngân hàng đến từ Úc cũng đang giữ 2 ghế trong HĐQT và 1 ghế trong BKS của VIB.

Như vậy, sau gần chục năm hoạt động tại thị trường VN, CBA đã bắt đầu có động thái chuyển giao. Theo một số chuyên gia, về bản chất, đây là sự thu hẹp hoạt động tại Việt Nam của ngân hàng.

Đầu tháng 6/2017, Techcombank đã có thông báo về việc xin ý kiến cổ đông thông qua đề xuất mua lại 19,41% vốn mà HSBC nắm giữ sau 12 năm gắn bó. Với mức giá mua đề xuất không thấp hơn 23.455 đồng/cổ phần, ước tính giá trị thương vụ sẽ lên đến hơn 4 nghìn tỷ đồng.

Việc thoái vốn của HSBC đã gây áp lực cho Techcombank tìm đối tác có đủ tiềm năng để bán lại số cổ phần này, cũng như khiến ngân hàng phải hoãn kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 8.878 tỷ đồng lên mức 14.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Mới đây, ngân hàng ANZ Việt Nam đã chuyển giao đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho một đối tác nước ngoài là ngân hàng Shinhan VN.

Thỏa thuận với ngân hàng Shinhan Việt Nam bao gồm chuyển giao 8 chi nhánh và phòng giao dịch của ANZ VN tại Hà Nội và Tp.HCM, cũng như nhân viên khối dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Theo các chuyên gia, việc thu hút được nguồn lực từ các cổ đông chiến lược nước ngoài là rất cần thiết trong giai đoạn tái cấu trúc của ngân hàng nội. Việc thu hút cổ đông chiến lược đồng thời, nâng cao năng lực tài chính và tiếp cận các kinh nghiệm quản trị tiên tiến đang được nhiều ngân hàng đặt ra.

Chia tay vì bất đồng quan điểm?

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải tất cả các đối tác chiến lược nước ngoài đều có thể mang lại sự hỗ trợ như kỳ vọng. Tại Eximbank, trong hơn 7 năm đồng hành, đối tác chiến lược SMBC (Nhật Bản) đã giúp ngân hàng trong việc nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch và quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. SMCB hỗ trợ Eximbank tiếp cận nguồn vốn quốc tế với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, dù có đối tác ngoại nhưng nợ xấu của Ngân hàng gia tăng, lợi nhuận sụt giảm. Do vậy năm 2015  họ đành chia tay nhau...

Từ thực tế thị trường cho thấy, việc thu hút đối tác ngoại tham gia vào hoạt động ngân hàng đem lại nhiều lợi thế cho ngân hàng nội, song cũng không hẳn tất cả các thương vụ mua bán sẽ phát huy hiệu quả sau thời kỳ hậu M&A. Ngược lại, không ít cổ đông ngoại đã nói lời chia tay do bất đồng quan điểm với cổ đông trong nước.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây đã có hiện tượng ngân hàng nước ngoài dần dần rút vốn đầu tư khỏi các ngân hàng trong nước, nhường lại cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hoặc các ngân hàng châu Á từ Hàn quốc, Singapore, Nhật Bản. Có lẽ các ngân hàng phương ngoại đang dần thấy hoạt động kinh doanh ngân hàng VN và không tạo lợi nhuận trong khi có rất nhiều thị trường béo bở khác thu hút dòng vốn của họ...

Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng ngoại, quy trình quản trị doanh nghiệp rất quan trọng. Họ đã quen với việc quản trị theo chuẩn mực quốc tế trong khi ngân hàng cổ phần VN lại thường điều hành theo kiểu “gia đình”, được điều hành bởi những cổ đông lớn. Chính vì vậy, "cơm không lành canh không ngọt" nên đành chia tay là điều dễ hiểu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao ngân hàng ngoại "dứt áo" ra đi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO