Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, dự kiến thực hiện thu ngân sách năm 2019 ước đạt 15.500,3 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, mới đây khi đưa dự kiến thực hiện thu ngân sách toàn tỉnh năm 2020 để trình HĐND thông qua, mục tiêu này đã sụt giảm xuống còn 15.216 tỷ đồng khiến nhiều đại biểu, cử tri quan tâm.
Thu vẫn bằng gần ½ chi ngân sách
Qua báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An cho thấy, liên tiếp trong các năm gần đây 2017, 2018 thì năm 2019 dự kiến thực hiện thu ngân sách trên địa bàn đã có dấu hiệu tăng nhưng con số tăng không đáng kể. Số liệu về mức thu ở các lĩnh vực, ngành nghề vẫn chưa tương xứng và còn khoảng cách khá xa nhau.
Cụ thể, thu nội địa trên địa bàn Nghệ An trong năm 2019 ước thực hiện 13.800,3 tỷ đồng, đạt 117% dự toán và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, loại trừ thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết thì thu nội địa đạt 10.278,3 tỷ đồng, đạt 109,2% dự toán và tăng 14,4% so với năm 2018.
Riêng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Nghệ An ước thực hiện đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng quan tâm là trong năm 2 019, Nghệ An vẫn chưa thể hoàn thành 2/15 khoản thu không đạt dự toán HĐND tỉnh giao gồm: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 280 tỷ đồng mới chỉ đạt 88,5% dự toán; Thu từ xổ số kiến thiết 22 tỷ đồng, chỉ đạt 78,% dự toán được giao.
Trong khi đó, chi ngân sách của địa phương trong năm 2019 vẫn ở mức gần gấp đôi so với con số thu ngân sách của Nghệ An. Đây cũng là con số “điệp khúc” thu – chi mà Nghệ An đang duy trì từ những năm qua.
Dẫn chứng là trong năm 2019, Nghệ An đã thực hiện chi ngân sách địa phương 24.945,4 tỷ đồng, đạt 102,5% mức dự toán HĐND tỉnh giao.
Nguồn chi chủ yếu tập trung ở lĩnh vực chi thường xuyên (18.878,3 tỷ đồng); Chi đầu tư phát triển (5.656,3 tỷ đồng); Chi từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương (407,8 tỷ đồng); Chi trả nợ gốc (716,9 tỷ đồng).
Cũng vào thời điểm này năm 2018, thu ngân sách của Nghệ An ước thực hiện cả năm chỉ đạt hơn 13 nghìn tỷ nhưng địa phương này đã phải chi ngân sách tới hơn 24 nghìn tỷ.
Có thể bạn quan tâm
10:23, 11/12/2019
04:30, 11/12/2019
11:00, 07/12/2019
10:30, 06/12/2019
Trước đó, vào năm 2017, thu ngân sách của toàn tỉnh Nghệ An thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ ước đạt 12.030 tỷ đồng, chi ngân sách gần 23 nghìn tỷ đồng.
Các số liệu thu ngân sách toàn tỉnh Nghệ An từ năm 2017 đến nay cho thấy, con số thu ngân sách ước thực hiện cả năm của địa phương này cũng chỉ tăng trên dưới 1 nghìn tỷ qua các năm. Dự toán chi ngân sách cho toàn tỉnh Nghệ An cũng tăng trên dưới 1 nghìn tỷ từ năm 2017 đến nay.
Thu ngân sách năm 2020 giảm so với cùng kỳ?
Tại báo cáo về dự thảo Nghị quyết phê chuẩn dự toán thu ngân sách trên địa bàn trình HĐND thông qua vào ngày 12/12/2019, Nghệ An đưa ra con số thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 là 15.216 tỷ đồng.
Con số dự toán đưa ra mặc dù tăng 500 tỷ đồng so với Bộ Tài chính dự kiến giao năm 2020 nhưng lại giảm hơn so với năm 2019. Nếu năm 2019, ước thực hiện thu ngân sách toàn tỉnh đạt 15.500,3 tỷ đồng thì năm 2020 lại xuống còn 15.216 tỷ đồng.
Đáng quan tâm là với dự kiến mức thu ngân sách như vậy, năm 2020, Nghệ An chỉ đạt ở con số khá khiêm tốn so các năm trước đó. Trong khi đó, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An 2015-2020 đặt ra mức thu ngân sách toàn tỉnh phải đạt 25.000 đến 30.000 tỷ đồng.
Như vậy, ngay từ năm 2015, khi Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An đề ra để đặt mục tiêu phấn đấu tổng mức thu ngân sách quá xa vời so với thực tế hiện nay của địa phương.
Trong khi đó, nợ vay ngân sách tỉnh tuy có giảm và đang dưới trần, nhưng cơ cấu nợ còn đáng lo ngại. Tỉnh đang phải vay những nguồn vốn ngắn hạn như tạm ứng ngân quỹ nhà nước, vay kiên cố hóa kênh mương, vay dự án... Năm 2020 vẫn chưa có khả năng trả nợ mà phải tiếp tục tạm ứng quỹ ngân sách nhà nước để đảo nợ.
Trước vấn đề này, tại kỳ họp lần thứ 12, nhiều đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII băn khoăn về việc trong năm 2019 nợ đọng thuế vẫn gia tăng, đề nghị tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, có giải pháp hiệu quả để nuôi dưỡng nguồn thu và hạn chế tình trang nợ đọng thuế, tiền thuê đất.
Cũng tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp lần thứ 12, nhiều đại biểu cũng cho rằng, thực tế tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra, một số sản phẩm tăng chậm.
Nguyên nhân nói trên là do Nghệ An vẫn chưa thu hút được các dự án lớn của các doanh nghiệp tầm cỡ đầu tư trên địa bàn để kéo theo làn sóng đầu tư vào tỉnh.
Còn đại diện nhiều doanh nghiệp thì cho rằng, thu ngân sách Nghệ An trong các năm qua không thể vượt trội so với một số tỉnh trong khu vực là do cơ chế, môi trường thu hút đầu tư của địa phương vẫn chưa thể thông thoáng. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp “sếu đầu đàn” vào Nghệ An đầu tư vẫn còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe” trong thủ tục hành chính. Nhiều doanh nghiệp vào đầu tư còn bị gây khó dễ trong khâu tiếp cận, hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định....