Các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan đang dần có mặt hầu khắp trên thị trường từ siêu thị lớn đến các cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống. Vì đâu hàng Thái Lan có thể thắng thế hàng Việt ngay tại thị trường trong nước?
Nguy cơ hàng Việt thua trên sân nhà
Có mặt tại Tuần lễ sản phẩm Thái Lan 2018 từ sớm, vợ chồng anh Vũ Văn Đông (Dương Kinh, Hải Phòng) hào hứng tham quan và mua sắm khá nhiều. Theo anh Đông, uu điểm của loại hàng ngoại nhập này là chất lượng tốt, giá không chênh lệch nhiều so với hàng Việt Nam, thậm chí cả Trung Quốc. Hàng Thái luôn có mẫu mã đẹp, thay đổi liên tục tạo ra sự bắt mắt với người tiêu dùng. Vì vậy, các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình anh phần lớn đều là hàng Thái.
Tâm lí “sính ngoại” của gia đình anh Đông cũng giống tâm lí chung của nhiều người khi mà uy tín hàng trong nước đang dần bị xói mòn bởi tai tiếng về chất lượng và sự an toàn. Theo kết quả khảo sát cuộc điều tra Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC) 2018 được công bố vào ngày 30/1 tại TP HCM cho thấy, sản phẩm trong nước dù còn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ số đông người tiêu dùng yêu thích (51%) và thường mua dùng (60%), nhưng so với kết quả năm trước đó tỷ lệ này đã bị sụt giảm (lần lượt giảm 27% và 32%).
Trong khi đó, tỉ lệ người tiêu dùng mua hàng nhập từ Thái, Nhật, Hàn thường chỉ dưới 3% (năm 2017) đến nay đã tăng lên 8-10%, thậm chí có những sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống, chiếm tỷ lệ mua dùng sản phẩm có xuất xứ từ Thái, Nhật, Hàn 12-17%.
Tính đến hết tháng 8/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Thái Lan đạt 3,07 tỷ USD và nhập khẩu đạt 6,57 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu từ thị trường Thái Lan ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ Công Thương cũng thống kê ra được 5 nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan góp phần lớn vào giá trị nhập siêu từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện, rau quả, ô tô nguyên chiếc, xăng dầu các loại, chất dẻo nguyên liệu và linh kiện phụ tùng ô tô. Trong số 36 mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Thái Lan có 22 mặt hàng trong nước sản xuất được. Có thể thấy rằng, dù lợi thế về sân nhà nhưng hàng Việt vẫn không thể “thắng” hàng nhập khẩu ồ ạt từ Thái.
Hàng Thái thắng thế do đâu?
Dạo qua một vòng thị trường bán lẻ trong nước, không khó để nhận thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang bị khá nhiều nhà đầu tư Thái Lan thâu tóm. Hệ thống bán lẻ chính là nhân tố quan trọng tạo không gian để sản phẩm có thể tiếp cận và từng bước chinh phục người tiêu dùng.
Hàng Thái trước nay thâm nhập thị trường Việt thông qua hàng xách tay, hội trợ thương mại thì vài năm trở lại đây, hàng Thái chính thức vào Việt Nam qua 4 kênh phân phối lớn: Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’smart có 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng), Big C có 32 siêu thị, Robinson với chuỗi siêu thuộc doanh nghiệp Thái Lan. Việc để mất thị phần bán lẻ cũng đồng nghĩa các thương hiệu Việt dần bị thu hẹp thị trường nội địa, nhường quyền làm chủ cho các doanh nghiệp Thái Lan.
Có thể bạn quan tâm |
Bên cạnh việc tận dụng tốt tâm lý “sính hàng ngoại” của người tiêu dùng Việt, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Thái Lan còn đánh vào tâm lý thận trọng trong lựa chọn của khách khi “e dè” hàng Trung Quốc và sự hoài nghi về chất lượng thật sự của hàng Việt. Điều này dẫn đến hàng hóa ngoại nhập có mặt khắp nơi và thị phần tăng lên ở thị trường trong nước.
Ngoài ra, chính phủ Thái Lan luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Thái tham gia hội chợ thương mại tại các nước trong khu vực ASEAN, góp phần quảng bá thương hiệu rộng rãi. Mỗi năm có khoảng 12 đến 20 hội chợ hàng Thái Lan được Bộ Thương mại Thái Lan, Hiệp hội doanh nghiệp Thái, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đứng ra tổ chức với quy mô từ 100-300 gian hàng.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp Thái cũng có nhiều chính sách hỗ trợ quảng cáo đến các nhà phân phối Việt Nam như trợ giá đến 20%, tài trợ gian hàng khi nhà phân phối tham gia các hội trợ trong nước, chính sách đổi trả sản phẩm linh hoạt...góp phần tăng sức cạnh tranh.
Sự thâm nhập trên còn mạnh hơn nữa khi liên quan tới lộ trình giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) của Việt Nam. Theo đó, gần 98% số dòng thuế nhập khẩu đã được xóa bỏ, càng tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Thái đi vào thị trường Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn. Hơn thế nữa, với khoảng cách địa lý gần giữa Thái Lan và Việt Nam thì việc vận chuyển hàng hoá nhập khẩu cũng rút ngắn thời gian và tiền bạc, thuận lợi cho việc lưu thông trên thị trường.
Tuần lễ sản phẩm Thái Lan 2018 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Hải Phòng từ 15 đến 18/3 đã thu hút đông đảo người dân tới tham quan và mua sắm. Hội chợ có sự góp mặt của 50 công ty Thái Lan và các công ty Việt Nam hiện đang là các nhà nhập khẩu chính thức sản phẩm Thái Lan vào Việt Nam, với khoảng 70 gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm đa dạng từ thực phẩm và đồ uống, quả tươi, đồ dùng gia đình, dệt may, trang sức, đồ điện tử, sản phẩm sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp, đồ trang trí và lưu niệm và các sản phẩm khác được nhập khẩu từ Thái. |