Sau gần 3 năm thực hiện mô hình Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đang làm thủ tục để dừng thí điểm mô hình này.
>>>Khu kinh tế Vân Đồn: Đồng bộ hạ tầng để phát triển du lịch
>>>Quảng Ninh: Bất động sản tạo sức bật cho Khu kinh tế Vân Đồn
Sau khi dừng thí điểm, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn sẽ được sáp nhập vào Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh.
Dừng thí điểm
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đồng ý với đề nghị của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh và Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc dừng thí điểm mô hình Ban quản lý KKT Vân Đồn và tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.
Theo Ban Quản lý KKT Vân Đồn, đơn vị này sẽ sáp nhập vào Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh. Mọi quyền lợi của nhà đầu tư không bị ảnh hưởng.
Trước đó, ngày 15/5/2020, tại huyện Vân Đồn, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý KKT Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày 21/4/2020. Theo đó, Ban Quản lý KKT Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật.
KKT Vân Đồn có toàn bộ diện tích nằm trong diện tích huyện Vân Đồn, có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược, có nhiều điều kiện để xây dựng, phát triển trở thành vùng kinh tế động lực của Quảng Ninh và khu vực. Đây là KKT duy nhất nằm trong khu vực hợp tác hai hành lang - một vành đai kinh tế Việt- Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).
Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, tài khoản riêng và con dấu hình quốc huy. Kinh phí quản lý hành chính nhà nước, hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm, nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Ban này do một phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh làm trưởng ban.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, Quảng Ninh luôn bám sát, kiên trì thực hiện không gian phát triển hai hành lang - một vành đai kinh tế theo quy hoạch chiến lược, định hướng phát triển của Chính phủ. Trong đó, KKT Vân Đồn là động lực tăng trưởng quan trọng của tuyến phía Đông, chuỗi đô thị ven biển của tỉnh. Việc Chính phủ ký quy hoạch của Vân Đồn cùng với đó cho Quảng Ninh thí điểm áp dụng thành lập Ban Quản lý KKT Vân Đồn cho thấy sự quan tâm kỳ vọng của Chính phủ đối với phát triển của Quảng Ninh nói chung, KKT Vân Đồn nói riêng.
Cùng với các KKT khác, đây sẽ là động lực quan trọng để Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, tạo sự phát triển về du lịch, dịch vụ, đô thị ven biển xanh, sử dụng hiệu quả các tiềm năng gắn với tài nguyên đất đai – Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.
Dấu ấn
>>>Khu kinh tế Vân Đồn phát triển nhiều dự án dịch vụ, du lịch đẳng cấp quốc tế
>>>Khu kinh tế Vân Đồn: Khi thời cơ đã chín!
Sau gần 3 năm hoạt động, Ban quản lý KKT Vân Đồn đã đẩy nhanh việc lập và hoàn thiện các quy hoạch phân khu. Trong số 12 đồ án quy hoạch phân khu được lập, đã có 9 đồ án được duyệt (Khu vực Cái Rồng, Khu vực sân bay, Khu vực Bắc Cái Bầu, Khu vực dịch vụ hỗ trợ sân bay, Khu vực Đông Bắc Cái Bầu, Khu vực đảo Cống Chén, Khu vực đảo Minh Châu - Quan Lạn, Khu vực đảo Ngọc Vừng, Khu vực đảo Vạn Cảnh).
Và chỉ chưa đầy 8 tháng kể từ khi hoạt động, tháng 12/2020, Ban đã tiến hành hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho 2 dự án mới, với quy mô vốn hơn 4.500 tỷ đồng.
Trong đó, dự án đầu tiên được trao chủ trương đầu tư là Dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên - Vân Đồn tại xã Hạ Long, do Công ty Mai Quyền làm chủ đầu tư. Đây là dự án xây dựng cảng cho tàu du lịch có công suất tối đa lên đến 4,2 triệu lượt khách/năm, đón được các tàu chở khách lên đến 300 ghế. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng 613,3 tỷ đồng. Đến nay, giai đoạn I của dự án đã đưa vào hoạt động, đảm bảo công suất đón - trả 2,5 triệu lượt khách/năm.
Tiếp đó là dự án Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn tại xã Hạ Long, do Công ty cổ phần Cát Linh Vân Đồn và Công ty Mai Quyền làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 3.900 tỷ đồng. Đến ngày 30/4/2022, dự án đã khởi công xây dựng.
Bên cạnh đó, 3 dự án động lực khác trong KKT Vân Đồn cũng được khởi công trong ngày 30/4/2022 là Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn (3.612 tỷ đồng). Hạng mục khách sạn, nghỉ dưỡng thuộc Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - phân khu 1 (1.000 tỷ đồng). Cụm công nghiệp Vân Đồn (486,37 tỷ đồng). Và dự án Nhà máy sản xuất nội thất cao cấp tại Khu kinh tế Vân Đồn (984 tỷ đồng) được trao Quyết định chủ trương đầu tư.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban quản lý KKT Vân Đồn đã thu hút được thêm hơn 2.350 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó, 3 dự án được cấp mới với tổng vốn hơn 1.881 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án với số vốn là 469,5 tỷ đồng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn tương tác hoạt động du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 24.882 tỷ đồng. Dự án này đang được tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Khu kinh tế Vân Đồn: Đồng bộ hạ tầng để phát triển du lịch
04:00, 29/06/2022
Quảng Ninh: Bất động sản tạo sức bật cho Khu kinh tế Vân Đồn
07:34, 20/06/2022
Khu kinh tế Vân Đồn phát triển nhiều dự án dịch vụ, du lịch đẳng cấp quốc tế
13:00, 05/06/2022
Khu kinh tế Vân Đồn: Khi thời cơ đã chín!
04:00, 17/05/2020