Vì sao Softbank ‘sống chết’ đổ tiền cứu WeWork

Bái Lạt Tư 29/10/2019 11:10

WeWork có điểm khác biệt quan trọng về mô hình kinh doanh với những startup khác như Uber, Grab.

Uber và Grab kinh doanh dựa trên những công nghệ, ý tưởng mới hoàn toàn. Tại phân khúc ấy, những đối thủ truyền thống sẽ rất khó “ăn theo” mô hình kinh doanh này nếu không tự điều chỉnh (thường lại là theo chiều hướng xấu đi) hoặc phá vỡ mô hình kinh doanh vốn có.

Ngược lại, WeWork - dịch vụ cho thuê mặt bằng với hợp đồng ngắn hạn và linh hoạt - kinh doanh dựa trên những công nghệ, ý tưởng được phát triển gắn thêm vào mô hình truyền thống sẵn có. Do đó các đối thủ cạnh tranh có thể dễ dàng bắt chước và tự mình cải thiện những mô hình kinh doanh này.

Và đó cũng chính là điều WeWork đang phải đối diện hiện nay. Các chủ mặt bằng đang tự mình phát triển những vườn ươm doanh nghiệp (incubator), đồng thời loại bỏ dần ảnh hưởng của WeWork đem đến cho khách hàng. Vậy nên, trong khi Uber và Grab có thể tự mình xây dựng cả một đế chế vận tải riêng, thì WeWork vẫn chỉ là một phần của thị trường bất động sản đang hiện hữu.

Dù vậy, giá trị bằng tiền của bộ ba công ty này vẫn đang bị vượt ngưỡng bình thường, và nguyên nhân chính nằm ở yếu tố ratchet (cơ chế chống pha loãng sở hữu cổ phần).

Nói một cách đơn giản, ratchet là cơ chế cho phép doanh nghiệp gọi vốn ở mức cao hơn bình thường, đồng thời cho phép nhà đầu tư vốn mạo hiểm có thể điều chỉnh phần vốn “vượt quá” này nếu giá trị của startup bị sụt giảm. Chẳng hạn:

  • Giá trị thực của công ty là 10 triệu USD (trước khi gọi vốn), tuy nhiên người sáng lập lại muốn gọi thêm 2 triệu đô tiền vốn ở vòng tiếp theo với giá trị công ty là 20 triệu đô, bởi đơn giản họ lạc quan và tin rằng giá trị công ty sẽ tiếp tục tăng ở mức cao hơn so với những điều mà các nhà đầu tư suy tính.
  • Các nhà đầu tư vốn mạo hiểm bỏ ra 2 triệu USD cho giá trị của công ty (thời kỳ trước khi gọi vốn) và nhận được 10% cổ phần.
  • Tuy nhiên các nhà đầu tư thường hay thêm vào một điều khoản chống pha loãng sở hữu cổ phần (ratchet clause), cho phép các nhà đầu tư sở hữu thêm cổ phần nếu giá trị thực tế của công ty trong tương lai bị sụt giảm (hoặc đôi khi tăng trưởng nhưng không đạt đến ngưỡng kỳ vọng)

Cơ chế ratchet có lợi cho cả doanh nghiệp startup lẫn các nhà đầu tư.

Đối với các startup, ratchet mang đến:

  • Giá trị bằng tiền mặt của công ty cao hơn, cho phép họ giữ lại số cổ phần cao hơn (nếu thực hiện tốt)
  • Tăng sự uy tín với những nhà đầu tư tương lai và các khách hàng tiềm năng
  • Tiềm năng đạt đến ngưỡng startup kỳ lân (có giá trị trên 1 tỷ USD) với nhịp độ phát triển nhanh chóng
  • Khả năng thu hút nhân công chất lượng, nơi các nhân viên sẵn sàng làm việc lương thấp để đổi lấy sở hữu cổ phần cao
  • Khả năng phủ sóng tích cực trên báo chí, giúp kêu gọi thêm nhiều vốn đầu tư

Đối với các nhà đầu tư, lợi ích từ ratchet bao gồm:

  • Khả năng nắm giữ tỷ lệ vốn của công ty, không cần chờ để thoát khỏi vòng đầu tư
  • Khả năng sử dụng giá trị cao của công ty để gọi vòng vốn tiếp theo
  • Xuất hiện thường xuyên trên báo chí và TV về khả năng tìm kiếm, đánh giá, nuôi dưỡng những thương vụ làm ăn tốt đẹp. Từ đó giúp bản thân các nhà đầu tư trở nên thu hút hơn với những startup đang tìm kiếm vốn.
  • Khả năng điều chỉnh phần cổ phần sở hữu nếu điều khoản ratchet được thực thi.

Theo lý thuyết, cả hai bên đều không mất mát thứ gì nếu giá trị của công ty đạt đến mức kỳ vọng, hoặc khi được mua lại với giá cao, hoặc được công khai với mức định giá cao.

Vì thế, giải pháp đơn giản nhất đối với khủng hoảng của WeWork là Softbank đổ thêm tiền, đồng thời kêu gọi những nhà đầu tư đang có của WeWork tiếp tục bỏ tiền để giữ giá cho công ty, đồng thời pha loãng cổ phần của nhà sáng lập Adam Neumann. Điều đó sẽ giữ cho tất cả “không mất mát thứ gì” như lý thuyết.

Softbank đã “đâm lao” nên sẽ phải “theo lao” tiếp. Sau khi chiếm được quyền kiểm soát công ty, với nhiều năm kinh nghiệm điều hành, chắc chắn Softbank sẽ khiến WeWork hoạt động tốt hơn so với thời kỳ Neumann đứng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Softbank ‘sống chết’ đổ tiền cứu WeWork
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO