Chính quyền cho rằng các mức khái toán chưa rõ ràng. Động thái này không chỉ gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau cho nhà đầu tư mà ngay cả khách hàng cũng dễ rơi vào “ma trận” thông tin.
Khái toán tổng mức đầu tư thực tế
Hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP Vinh được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 01/2015 với tổng mức đầu tư 496 tỷ đồng cho Công ty CP cấp nước sông Lam nay là Cty TNHH MTV cấp nước sông Lam (Cty cấp nước sông Lam).
Ngày 16/01/2015, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP Vinh. Theo đó, dự án sẽ có quy định bao gồm hệ thống trạm bơm công suất 200.000m3/ngày/đêm; hệ thống tuyến ống cấp nước thô có đường kính D1500 và D1200 với tổng chiều dài 14,2km đi qua 5 xã và thị trấn Nam Đàn. Thời gian thi công được tỉnh Nghệ An giao cho nhà đầu tư thực hiện trong 11 tháng.
Đến ngày 10/8/2016, tỉnh Nghệ An tiếp tục cấp giấy chứng đầu tư cho Cty cấp nước sông Lam được phép tiến hành thi công giai đoạn 2 của dự án với tổng mức đầu tư 253,255 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước thô cho nhà máy nước Hưng Vĩnh và KCN Công nghiệp, đô thị VSIP, công suất thiết kế 100.000m3/ngày/đêm. Với tổng chiều dài đường ống hơn 8,3km đi qua các xã Hưng Đạo, Hưng Tây của huyện Hưng Nguyên và Hưng Chính, phường Đông Vĩnh của TP Vinh. Cuối năm 2016, hệ thống cấp nước thô giai đoạn 2 do Cty cấp nước sông Lam đã hoàn thiện đấu nối và đi vào sử dụng.
Như vậy, với 2 giai đoạn triển khai thi công, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty cấp nước sông Lam xây lắp hệ thống đường ống D1500 và D1200 cấp nước thô dài hơn 22km với tổng mức đầu tư gần 750 tỷ đồng. Đây cũng là mức khái toán về tổng mức đầu tư mà Cty cấp nước sông Lam thực hiện đã được cơ quan kiểm toán độc lập thẩm định mới đây. Và, mức vốn này, nhà đầu tư chỉ có 30% vốn tự có còn lại phải vận dụng nguồn vốn vay khác.
Thỏa thuận bỗng dưng bị lật kèo
Trước đó, để đi đến thống nhất phương án đầu tư, ngày 25/01/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ký kết với Cty cấp nước sông Lam bản thỏa thuận mức thu giá nước thô ban đầu 1.950 đồng/m3; Lộ trình điều chỉnh giá nước thô: 2 năm 1 lần, mỗi lần tăng 12% trong vòng 14 năm để đảm bảo tài chính dự án. Bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2030.
Thế nhưng, đến thời điểm ngày 5/11/2018, UBND tỉnh Nghệ An lại ra văn bản gửi các Sở, ban, ngành và nhà đầu tư yêu cầu hủy bỏ một số điều khoản đã thống nhất ký kết trước đó.
Cụ thể, tại văn bản số 8463 do ông Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký ban hành yêu cầu hủy bỏ lộ trình điều chỉnh giá nước thô 2 năm một lần, mỗi lần tăng 12%, trong vòng 14 năm bắt đầu từ năm 2016 đến 2030.
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An thì việc yêu cầu hủy bỏ một số nội dung trong đó có lộ trình tăng giá nước thô 2 năm/lần, mỗi lần tăng 12% là để các Sở, ban, ngành nghiên cứu lại phương án tài chính khả thi hơn.
Còn theo tìm hiểu của phóng viên thì việc yêu cầu hủy bỏ lộ trình tăng giá nước như đã ký kết thỏa thuận trước đó là do Nghệ An muốn xem xét lại các hạng mục đầu tư của dự án để kiểm toán, cân đối lại phương án kinh tế với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Cty cấp nước sông Lam khẳng định, nhà đầu tư sẵn sàng cung cấp các hồ sơ tài chính liên quan đến dự án cấp nước thô cho các cơ quan chức năng để tính toán, kiểm toán lại. Khi thi công, nhà đầu tư cũng đã mời đơn vị kiểm toán độc lập để thẩm định.