Tài chính doanh nghiệp

Vì sao TMT bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?

Đình Đại 03/09/2024 4:05

Việc lỗ nặng trong nửa đầu năm 2024 không những xóa hết mọi thành quả trong nhiều năm qua của TMT, mà còn khiến doanh nghiệp này phải nhận ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của kiểm toán.

tmtmoto.jpg
Việc lỗ nặng trong nửa đầu năm 2024 không những xóa hết mọi thành quả trong nhiều năm qua của TMT, mà còn khiến doanh nghiệp này phải nhận ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của kiểm toán - Ảnh: TMT.

Theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 đã kiểm toán, Công ty CP Ô tô TMT (HoSE: TMT) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.323 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước; Giá vốn giảm chậm hơn, khiến lợi nhuận gộp bán niên của doanh nghiệp chỉ còn hơn 9,6 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 92,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp cũng giảm mạnh gần một nửa so với cùng kỳ, xuống còn gần 2 tỷ đồng; Chi phí tài chính giảm 38,4% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 49 tỷ đồng; Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong nửa đầu năm biến động không đáng kể so với cùng kỳ.

Sau khi khấu trừ các chi phí, doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 100 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 99 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 1 tỷ đồng. Kết quả này cũng không biến động nhiều so với báo cáo tài chính tự lập trước đó của doanh nghiệp.

Trong phần giải trình Báo cáo tài chính riêng bán niên năm 2024, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân thua lỗ là do năm 2024 là năm rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Tình hình kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, đầu tư công giảm mạnh, nguy cơ lạm phát gia tăng cùng với việc người dân thắt chặt chỉ tiêu... khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu bất chấp các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô liên tục giảm sâu giá bán để giải phóng tồn kho.

TMT cũng không phải ngoại lệ. Năm 2024, để đảm bảo thanh khoản, giảm chi phí lãi vay, Công ty phải giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn kho, dẫn đến lợi nhuận gộp âm – 48,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng xác định phải tái cơ cấu lại các dòng sản phẩm, hướng đến các sản phẩm mới tốt hơn.

Còn nguyên nhân thua lỗ hơn 99 tỷ đồng ở báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét, theo lãnh đạo doanh nghiệp này là do thay đổi báo cáo tài chính riêng của Công ty mẹ.

cptmt.jpg
Trên thị trường, cổ phiếu TMT đang trải qua giảm giá hơn 50% từ đầu tháng 6 đến nay.

Việc thua lỗ hơn 99 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 của TMT không những xóa hết mọi thành quả trong nhiều năm của doanh nghiệp này, khi lãi lũy kế gần 53 tỷ đồng hồi đầu năm nay bị xóa sạch, mà TMT còn nhận ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của kiểm toán.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, TMT ghi nhận lỗ gần 99 tỷ đồng, đồng thời, tại thời điểm 30/6/2024, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp vượt quá tài sản ngắn hạn là 120,7 tỷ đồng. Những sự kiện này, cùng với các vấn đề được nêu ở thuyết minh số 38.2 và 38.3 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của TMT.

Giải trình về ý kiến ngoại trừ trên của kiểm toán, TMT cho biết, tại thời điểm 30/6/2024, Công ty có số dư thuế phải nộp là trên 60 tỷ đồng, quý II/2024 để đảm bảo thanh toán, giảm chi phí lãi vay, Công ty đã phải giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho. Ngoài ra, Công ty cũng đã cắt giảm nhân sự, tiết giảm chi phí, xác định phải tái cơ cấu lại các dòng sản phẩm, hướng đến các sản phẩm mới tốt hơn.

“TMT lập báo cáo trên giả định hoạt động liên tục khi Công ty có kế hoạch thanh lý các tài sản cố định, các khoản đầu tư, thu hồi các khoản phải thu khách hàng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh cũng như trang trải các khoản nợ và vay đến hạn. TMT kỳ vọng có thể hoàn trả các khoản nợ đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo", lãnh đạo TMT giải trình.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong nửa đầu năm 2024, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 134.884 chiếc, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xe du lịch đạt 97.295 chiếc, giảm 3%; xe thương mại đạt 36.441 chiếc, tăng 2% và xe chuyên dụng đạt 1.148 chiếc, giảm 4%. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 15% trong khi xe nhập khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

VAMA cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thị trường ô tô đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các động thái điều chỉnh chính sách thuế phí đều có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân và sự ổn định của kinh tế - xã hội hướng tới sự phát triển bền vững. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có nhiều tác động nghiêm trọng tới tình hình sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô trong nước.

Trong những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050, việc triển khai đồng bộ, tổng thể các chính sách thuế, phí và ngành công nghiệp ô tô, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và giảm tiêu hao nhiên liệu nhằm thực hiện chuyển đổi xanh cần bảo đảm phát triển đồng đều, duy trì nguồn lực của doanh nghiệp và nguồn thu của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao TMT bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO