Đã có nhiều phương pháp chống ngập được triển khai tại TP HCM, tuy nhiên, sau mỗi trận mưa lớn, TP HCM vẫn ngập như… sông. Vì sao?
Hiện tượng ngập úng không còn là điều xa lạ với người dân TP HCM. Chỉ sau 10 năm HCM đã chi 22.948 tỉ đồng và sắp tới đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 120.246 tỉ đồng cho công tác chống ngập. Mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng kết quả vẫn chưa tương xứng với tiền bạc và công sức đã bỏ ra. Ngập vẫn hoàn ngập, năm sau lại ngập nặng hơn năm trước, chống ngập rồi lại tái ngập, xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới.
TP HCM đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng kết quả chống ngập vẫn chưa được cải thiện.
Chưa bắt đúng bệnh
Lý giải thực trạng này trên tờ Đất Việt, Kỹ sư Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước và Môi trường TP HCM cho rằng, TP HCM chống ngập chưa hiệu quả vì chưa bắt được đúng bệnh, chưa chữa ngập đúng cách. Ngập tại TP.HCM được xác định do hai nguyên nhân, các điểm ngập mưa chiếm 80%, còn ngập triều chiếm 20%.
Thứ nhất, chưa bắt và chữa đúng bệnh ngập. "Tôi nói như vậy vì, ngập có thể do triều, do mưa và lũ; do biến đổi khí hậu; do sụt lún đất; do phát triển đô thị quá nhanh và hạ tầng không theo kịp; do bê tông hóa quá mức; do quản lý chưa tốt nên rác bùn làm tắc cống, kênh rạch; do thiết kế không đúng còn nhiều thiếu sót…" - ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, biến đổi khí hậu nước biển dâng trong những năm gần đây đã làm cho vũ lượng, thời gian và cường độ mưa ngày một tăng cao, cùng với bê tông hóa đô thị làm cho lượng nước mưa tăng lên nhiều so với tính toán thoát nước trước đây. Mức nước triều dâng cao làm giảm khả năng vận chuyển của cống, do đó cống thoát nước không thể vận chuyển hết nước mưa ra sông rạch và sẽ trào lên mặt đường gây ngập. Đây là lý do chính gây ngập do mưa và dù đã giải quyết xong điểm ngập năm nay nhưng sang năm lại ngập tiếp.
Bên cạnh đó, công tác quản lý yếu kém. Tình trạng hố ga thu nước mưa đầy rác không cho nước mưa chui xuống cống, van ngăn triều hư hỏng không sửa chữa, bùn rác đọng lại trong cống, nhà lấn chiếm kênh rạch, rác lục bình đầy trên sông làm giảm khả năng thoát nước của kênh rạch. Cũng có thể do thiết kế các cống thoát nước không tốt nữa… Đây cũng là lý do quan trọng gây ngập.
Tại mỗi điểm ngập lại có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu không điều tra tìm hiểu kỹ để bắt đúng bệnh sẽ không có thuốc chữa bệnh chính xác và hiệu quả.
Thứ hai, các giải pháp, các dự án chống ngập do triều mà hiện nay thành phố đang thực hiện chưa được nghiên cứu kỹ, thấu đáo; kinh phí quá cao, thời gian thực hiện quá dài và có rất nhiều khiếm khuyết, nên thực hiện nó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, lãng phí tiền bạc, không hiệu quả.
Ông Hải thông tin: “TP HCM đang thực hiện QH 1547 để chống ngập do triều, ngoài ra đang nghiên cứu Dự án đê biển Vũng Tàu cũng với mục đích trên. Dự án được thiết kế với 14 đập và cống ngăn triều trên kênh rạch lớn, 162 đập nhỏ cùng với 230 km đê bao quanh thành phố nhằm phục vụ cho công tác chống ngập của TP.HCM.
Kinh phí dự tính của dự án là 36.114 tỉ nhưng khi xin chủ trương đầu tư dự án đã bị đội lên 70.000 tỉ đồng (thậm chí đang có ý kiến cho rằng sẽ còn đội vốn lên khoảng 100.000 tỉ đồng do chưa tính hết phát sinh). Con số quá lớn.
Đáng nói, dù được phê duyệt từ năm 2008 nhưng dự án không tìm được vốn đầu tư. Đến năm 2017 TP.HCM chuyển hướng thực hiện công trình 10.000 tỉ xây dựng 6 đập và cống ngăn triều do Công ty Trung Nam thực hiện. Tới nay dự án cũng bị tạm dừng do thiếu vốn”.
Mặc dù vậy, ông Hải vẫn không tin khi dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động thành phố sẽ hết ngập, dù kinh phí đầu tư quá lớn, quá đắt, thời gian thực hiện kéo dài.
“Do số lượng đập quá nhiều nên việc xây dựng và quản lý rất khó khăn tốn kém cũng như làm ô nhiễm nước kênh rạch, mà vụ cá chết trên rạch Thị Nghè là một minh chứng.
Chưa hết, dự án còn dự định xây dựng tuyến đê bao quá dài, tới 230 km bao bọc quanh thành phố, khác nào nhốt thành phố trong một “ốc đảo khổng lồ”, nếu vỡ đê đập sẽ gây hiểm họa khôn lường. Ngoài ra tuyến đê bao nếu nằm sát bờ sông sẽ gây phản cảm đến môi trường cảnh quan đô thị. Dự án không ứng phó tốt với biến đổi khí hậu nước biển dâng mà chỉ ngăn triều vào kênh rạch nhỏ còn trên sông chính như sông Soài Rạp, Sài Gòn, Đồng Nai... triều cường vẫn ngày một tăng cao”. – ông Hải nói.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 13/11/2018
05:22, 25/10/2018
15:48, 18/10/2018
11:29, 19/09/2018
15:09, 14/09/2018
05:55, 21/08/2018
11:09, 12/08/2018
17:16, 03/07/2018
11:12, 03/06/2018
Không thể chỉ trông chờ vào hệ thống thoát nước
Trên VOV, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC – Đại học Quốc gia TP HCM về việc chống ngập tại TP HCM cũng đã có trao đổi về vấn đề này.
Ông Phi cho cho biết, trong công tác chống ngập, việc dùng máy bơm dã chiến không thể nói là không hiệu quả, chỉ có điều là hiệu quả của nó chỉ có ở trên một cái nền hệ thống thoát nước nó vững và hệ thống ngăn triều ổn định. Còn lại lúc mà nó cực đoan thì chúng ta chỉ có thể dùng bơm để hỗ trợ thêm. Thành ra cái đó phải được xem xét như là một giải pháp nghiêm chỉnh, chứ không phải là giống như hiện nay chúng ta chỉ dùng bơm di động với công suất nhỏ chạy chỗ này chỗ kia, cái đó là chưa đủ.
Còn giải pháp khẩn cấp thì chúng ta chưa thể nói ngay bây giờ được. Bởi vì cơ bản hệ thống hạ tầng thoát nước còn dang dở và gấp rút trong thời gian sớm nhất để hoàn thiện.
Nếu chúng ta đầu tư công sức thì ít nhất trong vòng khoảng 10 năm, 20 năm nữa mới có thể xong được cái cơ bản. Còn trong thời gian chờ đợi như vậy thì chúng ta phải dự phòng tình huống sớm nhất, có nghĩa là chúng ta phải làm sao giảm nhẹ được thiệt hại, chứ còn trông chờ vào việc chống ngập không thì không ổn….
Đối với người dân, ông Phi khuyên người dân cần xem xét lại tất cả các sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, rút kinh nghiệm từ trận ngập lần này, cái gì dễ thiệt hại thì chúng ta nên chủ động chứ trông cậy vào hệ thống thoát nước thì rất là lâu.
Đánh giá về vai trò của hồ điều tiết và sự cần thiết bổ sung bổ sung quy hoạch, ông Phi cho biết, quy hoạch hồ điều tiết chúng ta đã bàn cách đây hàng chục năm và đã lên phương án nhưng thực hiện thì không đơn giản, bởi vì đụng đến đất đai. "Vì không chỉ có dân chúng mà có cả cơ quan công quyền… mà nói đến đất đai thì ai cũng "giãy nảy" lên. Nếu không có cả hệ thống chính trị thì chúng ta không thể làm được điều này. Qui hoạch điều tiết thì nên có trong qui hoạch hệ thống thoát nước, bởi vì hiện nay nó giống như là một hướng dẫn đơn lẻ… nên mức độ pháp lý còn hạn chế gây khó khăn cho việc thực hiện". - ông Phi nói.
“Trận mưa lớn lịch sử như vừa rồi và trong tương lai sẽ không còn hiếm nữa, lịch sử sẽ bị vượt qua. Nó không chỉ có vậy mà sẽ còn nặng hơn nữa bởi vì tài sản của chúng ta càng ngày càng lớn. Mức độ rủi ro do thiên tai ngày càng cao, thành ra giải pháp tối ưu nhất là thích nghi từng bước các giải pháp xây dựng công trình, sự thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân cũng như là xắp xếp lại không gian sống cũng như không gian làm việc để giảm được thiệt hại… Biến đổi khí hậu dài hạn lắm. Cho nên là dự phòng luôn luôn là cần thiết”. – ông Phi nhấn mạnh.