TP.HCM vừa kiến nghị được điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố giai đoạn 2022- 2025 là 23%.
Theo UBND TP.HCM, thời gian qua, thu ngân sách của TP.HCM ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho Thành phố lại giảm, cộng với áp lực về cơ sở hạ tầng, nên Thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong văn bản kiến nghị gửi tới Chính phủ, UBND TP.HCM cho biết năm 2020, Thành phố đã tiến hành xây dựng Đề án “Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025”. Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp và xây dựng trên 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học.
Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy, phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là 23% trong giai đoạn 2022 - 2025 (bằng với giai đoạn 2011 - 2016) cho kết quả tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, TP.HCM được giữ nhiều ngân sách, thì số tiền nộp về ngân sách trung ương lại tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% ngân sách để lại cho TP.HCM.
Sở dĩ Chủ tịch TP.HCM nhận định như vậy, theo nhiều chuyên gia, là do TP.HCM là trung tâm có hiệu quả kinh tế cao nhất nước, năng suất gấp 2,8 lần bình quân cả nước; một đồng vốn công bỏ ra ở TP.HCM có thể thu hút từ 10 - 14 đồng vốn đầu tư và mỗi năm tạo thêm 126.000 việc làm…
Từ đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng ủng hộ chủ trương và quan tâm chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Thành phố và cơ quan liên quan hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố, hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền thông qua Đề án trong năm 2021 nhằm tăng thu ngân sách chuyển về cho Trung ương, tạo tiền đề để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.
Giới chuyên gia cho rằng, với dân số hiện nay, phải xem TP.HCM là một siêu đô thị, chứ không còn là một đô thị bình thường. Tuy nhiên, một trong những yếu tố góp phần kìm hãm sự phát triển của Thành phố chính là thiếu nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông. Do đó, đề xuất tăng thêm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là hợp lý.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đang đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng. Thành phố chỉ xây mới và cải tạo được 2.757 km/6.000 km hệ thống cống thoát nước, đạt 45,95% quy hoạch; nạo vét được 129 km/4.369 km kênh rạch, đạt 2,96%, trong khi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng và hiện tượng sụt lún.
Theo quy chuẩn hiện nay, một siêu đô thị như TP.HCM, mật độ đường giao thông đô thị phải đạt ít nhất là 10 km/km2, nhưng TP.HCM chỉ đạt 2,14 km/km2. Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đánh giá, nếu tiến độ xây dựng đường giao thông ở TP.HCM như 12 năm qua, thì cần hơn 160 năm mới đạt quy chuẩn ít nhất 10 km/km2.
Mặc dù đánh giá TP.HCM là một đô thị đặc biệt đã nhiều lần có cơ chế đặc thù, nhưng TS.Trần Du Lịch cho rằng, đó vẫn là “chiếc áo chật”, hạn chế khả năng năng động, sáng tạo của Thành phố.
“Để tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước thì trong 10 năm tới, TP.HCM cần duy trì tốc độ tăng trưởng gấp 1,2 - 1,5 lần mức bình quân của cả nước. TP.HCM không cần cơ chế đặc thù mà cần cơ chế phù hợp với một siêu đô thị”, TS. Trần Du Lịch chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
21:20, 13/05/2021
15:11, 07/05/2021
14:05, 29/03/2021
17:49, 27/03/2021