Giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng còn gặp khó khăn, vướng mắc, giám định thiệt hại kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án…
>>Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn lĩnh vực tòa án và kiểm sát
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vừa có Báo cáo số 25 gửi đến UBTVQH về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 21 diễn ra vào ngày 20/3.
Gửi đến đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trong 5 năm qua (năm 2018-2022), các tòa án đã thụ lý 12.723 vụ với 26.376 vụ; đã giải quyết, xét xử được 12.244 vụ với 25.144 bị cáo.
Riêng năm 2022, các tòa án đã thụ lý 3.405 vụ với 7.653 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 2.926 vụ với 6.421 bị cáo. Các vụ án kinh tế, tham nhũng mà tòa án đã xét xử chủ yếu là phạm các tội về “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”....
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, trong quá trình giải quyết các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước. Chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có; áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại.
Đã xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm. Đồng thời, chú trọng tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Tuy nhiên, việc giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng còn gặp khó khăn, vướng mắc như, nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về một số quy định của pháp luật còn chưa thống nhất; xác định thiệt hại thực tế trong một số trường hợp rất khó khăn; giám định thiệt hại thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án…
>>Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
>>Lan tỏa đổi mới từ Quốc hội đến các hoạt động của HĐND
Vẫn theo ông Nguyễn Hòa Bình, những năm qua TANDTC đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. “Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số trường hợp cán bộ, thẩm phán vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, Chánh án thẳng thắn thừa nhận.
Báo cáo đưa ra con số, từ năm 2021 đến nay, có 106 trường hợp bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Để khắc phục, Chánh án TANDTC cam kết quán triệt, tổ chức tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng.
Đồng thời triển khai nhóm giải pháp đặc thù trong tòa án. Trong đó, ngành sẽ kiên quyết cho thôi hoặc miễn nhiệm đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút mà không cần chờ hết nhiệm kỳ bổ nhiệm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng, dư luận xã hội phản ánh, tố cáo; xử lý nghiêm đối với công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...
Có thể bạn quan tâm
12:52, 15/03/2023
20:04, 14/03/2023
10:48, 07/03/2023
18:28, 01/03/2023